Càng lớn càng ít trung thực?

Vì sao tính trung thực, không tham lam - giá trị cốt lõi tạo nên hình ảnh một con người sống tử tế, ngay thẳng, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội - đang bị lu mờ?
Càng lớn càng ít trung thực?

Vì sao tính trung thực, không tham lam - giá trị cốt lõi tạo nên hình ảnh một con người sống tử tế, ngay thẳng, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội - đang bị lu mờ?

Nói dối tăng theo tuổi

Không ít người than phiền, lo lắng trước thực trạng nói dối tràn lan và nhiều người xem nói dối là chuyện bình thường. Đáng báo động hơn cả là sự thâm nhập quá nhanh của những tật xấu, thói hư này vào trường học. Không chỉ học đối phó, quay cóp khi bài làm kiểm tra, thi cử, nhiều học sinh còn bịa ra nhiều chuyện để dối thầy, lừa bạn thì bệnh nói dối càng nặng hơn.
Ở nhà, tỷ lệ học sinh nói dối cha mẹ, người lớn cũng gia tăng.

Học sinh Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa vui đón chào năm học mới. Ảnh: Mai Hải

Học sinh Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa vui đón chào năm học mới. Ảnh: Mai Hải

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng - Đại học Quốc gia TPHCM, dẫn kết quả điều tra xã hội học mới đây cho thấy, tỷ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%, đến cấp II tăng gấp đôi với 50%, cấp III là 64% và ở bậc đại học, cao đẳng vọt lên 80%. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi tâm lý của học sinh trung học là do sự thay đổi nhanh chóng của môi trường, điều kiện sống.

Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực như giá trị xã hội bị đảo lộn và thâm nhập rất nhanh vào giới trẻ. Một khi các giá trị sống tốt đẹp như trung thực, không tham lam, biết sống vì người khác... bị lu mờ thì một bộ phận giới trẻ khó định hướng hoặc nhắm mắt nói dối để có lợi cho bản thân. Khảo sát một số học sinh bậc trung học và sinh viên cao đẳng, đại học cho thấy, các em hiểu đức tính trung thực là cần thiết nhưng không dễ rèn luyện để hoàn thiện bản thân, sống ngay thẳng, thật thà trước thực tế xã hội có quá nhiều điều thiếu công bằng.

Cụ thể, nhiều học sinh học bài nghiêm túc, làm bài không hề quay cóp nhưng điểm số chưa chắc cao hơn bạn quay cóp bài, mang tài liệu vào phòng thi. Nhiều sinh viên đến giảng đường ít hơn đi làm thêm nên khi chuẩn bị ra trường thì quay cóp, ăn cắp trí tuệ của người khác để làm luận văn tốt nghiệp. Còn nữa, khi ra đời, nhiều người trẻ tự tin vào năng lực, trí tuệ của mình cũng bị sốc khi lãnh đạo bắt tô vẽ, chỉnh sửa những con số sai sự thật để báo cáo thành tích, đánh bóng hình ảnh doanh nghiệp.

Một ông bố trẻ ở TPHCM bộc bạch rằng dạy con thời hiện đại này khó quá. Nếu dạy con cứ đi đường thẳng, sống thật thà, không được phép nói dối thì khi vào đời, làm việc, liệu con có thể tồn tại trong môi trường đầy rẫy lừa lọc, bon chen?

Dạy con sống thực dụng

Như thế, nhìn từ góc độ gia đình, nhà trường và xã hội, chúng ta thấy có quá nhiều lỗ hổng, luồng khí độc đang bào mòn đạo đức, lối sống trung thực, ngay thẳng của giới trẻ. Hãy nhìn từ góc độ gia đình - cái nôi hình thành nhân cách, phẩm chất, đạo đức của học sinh, thanh thiếu niên sẽ thấy nhiều điều nhức nhối.

Vì chạy theo cuộc sống vật chất, hám lợi, muốn làm giàu nhanh, nhiều gia đình dạy con lối sống thực dụng. Thậm chí họ thường răn đe con mình là “ra đời phải khôn ranh, còn ngu thì chết”. Nhiều gia đình khá giả, thậm chí giàu có nhưng vẫn tham lam không chịu nhường ai, ăn thua đủ với hàng xóm từng tấc đất hoặc không chịu thiệt đồng nào với người thân. Hiệu trưởng một trường tiểu học kể rằng, nhà trường đau đầu với thực tế khó dạy dỗ, uốn nắn những hành vi sai trái, thiếu trung thực của học sinh là con cái một số gia đình khá giả, có chức có quyền. Vì muốn con mình được điểm số cao, nổi bật với thành tích, họ thường làm bài tập, thủ công thay con rồi dặn con nói dối là tự làm.

Thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên dạy môn giáo dục công dân (trường THCS Bạch Đằng, Q.3 TPHCM) luôn dành tâm huyết, tình cảm trong những giờ dạy đạo đức cho học sinh

Thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên dạy môn giáo dục công dân (trường THCS Bạch Đằng, Q.3 TPHCM) luôn dành tâm huyết, tình cảm trong những giờ dạy đạo đức cho học sinh

Họ tập cho con nói dối từ nhỏ thì lớn lên đứa trẻ sẽ quen thói hư này và tiếp tục quay cóp bài, lấy công sức người khác làm thành tích của mình.

Nhìn rộng hơn đến nhà trường, cũng thấy không ít hình ảnh phản cảm, phản giáo dục khi thầy cô thiếu gương mẫu, chạy theo thành tích hoặc bắt ép học sinh học thêm để có thêm thu nhập. Học sinh nào học thêm với thầy cô thì được điểm cao và ngược lại. Thậm chí để đối phó đoàn kiểm tra, có giáo viên còn dạy học sinh nói dối là trong lớp không hề dạy thêm. Nhiều câu chuyện bi hài mà thầy cô là tấm gương xấu dạy trẻ nói dối đã lan truyền trong phụ huynh khiến họ cảm thấy bất an, mất niềm tin ở môi trường giáo dục.

Để đối phó việc kiểm tra, dự giờ, nhiều thầy cô bắt học sinh “diễn kịch” trước nhưng sau đó có em nào “diễn” không đạt thì bị la mắng. Thử hỏi hành vi thiếu trung thực của thầy cô rành rành như thế thì làm sao có thể dạy trò tính trung thực?

Người lớn phải làm gì?

Khi được sinh ra trong gia đình có nề nếp, kỷ cương và được dạy bài học đầu đời quan trọng nhất là phải sống trung thực, không được phép nói dối bất kỳ điều gì thì khi lớn lên, đứa trẻ ấy sẽ ngấm thông điệp của người lớn. Bà Hoàng Thị Lê (70 tuổi, ở quận Tân Bình, TPHCM) có 3 con, 1 trai, 2 gái, đều đã trưởng thành, có công việc ổn định, gia đình yên ấm. Với bà, được thấy con cái sống tử tế, trung thực, không tham lam chính là phúc đức của tuổi già. Thế nhưng, để có được niềm tự hào này, ngay từ khi còn nghèo khó, chạy từng bữa ăn, vợ chồng bà luôn dạy các con “đói cho sạch, rách cho thơm”.

Để uốn nắn, sửa chữa từng hành vi, lời nói thiếu trung thực của con cái, vợ chồng bà luôn gương mẫu và thống nhất cách dạy con. Một lần đi đón con trai học lớp 2, thấy con giấu một vật gì đó trong tay, bà nhẹ nhàng hỏi. Con ấp úng rằng đó là cục kẹo thì bà hỏi tiếp ai cho. Không biết nói dối nên con trai bà lí nhí trả lời con lấy trong cặp của bạn.

Buồn lòng, bà vội suy nghĩ cách dạy con hiểu rõ hành vi ăn cắp đó là xấu? Trên đường về, bà đưa con đến tiệm tạp hóa và nhẹ nhàng nói: “Con thích ăn kẹo gì thì mẹ mua cho nhưng đừng bao giờ lấy của ai thứ gì khi không được phép”. Rồi bà phân tích cho con hiểu hành vi tự lấy đồ của người khác là rất xấu. Từ chuyện nhỏ đó, bà luôn gần các con và uốn nắn từ những hành vi nhỏ nhất. Không phải ngẫu nhiên, cả xóm đều khen ngợi gia đình nhà bà sống chuẩn mực, tử tế, chẳng bao giờ bon chen, hám lợi điều gì.

Để tạo lưới chắn, chống sự thâm nhập quá nhanh của các hiện tượng tiêu cực, thể hiện qua lối sống, hành vi thiếu tính trung thực thì chúng ta phải làm gì? Theo ThS tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, điều quan trọng là nhà trường, gia đình cần chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên và người lớn phải là tấm gương sống gương mẫu, chuẩn mực.

Thực tế đã chứng minh, với hành trang sống trung thực, thẳng thắn, khi ra đời giới trẻ sẽ sống, làm việc có trách nhiệm, có lương tâm và dũng cảm nhận lỗi về mình khi làm sai bất cứ việc gì. Xã hội hiện đại đang rất cần những công dân chuẩn mực, sống trung thực, thẳng thắn và có trách nhiệm. Từ nền móng này và giá trị cốt lõi này xã hội mới phát triển minh bạch, bền vững và thói tham lam, nạn tham nhũng sẽ dần bị triệt tiêu.

DIỆU HÀ

Tin cùng chuyên mục