Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng việc sửa đổi Luật Cạnh tranh sẽ tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế.
Được kỳ vọng là “kim chỉ nam”, tạo sự bình đẳng cho doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường; tuy nhiên, sau gần 12 năm thực thi nhưng vai trò của Luật Cạnh tranh đối với cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn khá mờ nhạt. Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh chưa đi vào cuộc sống khi có nhiều quy định pháp lý lạc hậu, dẫn đến kẽ hở cạnh tranh không lành mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng dường như sự nhận diện vai trò, tầm quan trọng của Luật Cạnh tranh đối với cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đang còn khá mờ nhạt, nên những vụ việc vi phạm liên quan đến vấn đề cạnh tranh vẫn tồn tại. Việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Cạnh tranh cần theo một định hướng chính là tạo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế, cũng như hướng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Tương tự, PGS-TS Hồ Xuân Thắng, cho biết hiện nay dưới tác động của nền kinh tế thị trường, các dạng giao dịch bởi cung và cầu luôn phát triển và cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu pháp luật cạnh tranh không quy định hành vi định giá vào hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì khó có cơ sở áp dụng điều chỉnh chung từ Trung ương đến địa phương. Thông qua đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Như vậy, môi trường cạnh tranh của nước ta vẫn chưa bảo đảm, việc bảo vệ người tiêu dùng vẫn chỉ trên lý thuyết mà thôi.
Qua ghi nhận thực tế, có rất ít doanh nghiệp quan tâm và vận dụng các quy định của Luật Cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi của mình; trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với tiềm lực tài chính hạn chế, không đủ sức để theo đuổi các vụ việc cạnh tranh. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa cũng như nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ bị các doanh nghiệp lớn “chèn ép”, hoặc các doanh nghiệp nội địa đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm thương trường.
Chính vì vậy, để tạo sự bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, Luật sư Lê Trọng Thêm, Công ty Luật TNHH Phước và các Cộng sự, cho rằng Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp ngay trong luật. Khi đó, doanh nghiệp sẽ biết được quyền hạn của mình đến đâu, ví dụ như quyền được khởi động một vụ việc cạnh tranh lên cơ quan có thẩm quyền về quản lý cạnh tranh...
Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần có quy định rõ ràng hơn về các yếu tố liên quan đến bộ máy thực thi luật. Cơ quan này cần phải có địa vị pháp lý một cách độc lập, đủ mạnh, được trao quyền nhiều hơn nhằm tăng cường vai trò của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Qua đó, tạo sự bình đẳng cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh cho mỗi doanh nghiệp trên thị trường.
Đặc biệt, vấn đề mà xã hội quan tâm và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn là Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có những quy định, tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi yếu tố xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp nhằm tạo cơ sở cho việc xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể căn cứ vào các tiêu chuẩn này để xem mình có vi phạm hay không.