Cấp bách ngăn chặn, xử lý hàng hóa nhiễm độc

Cấp bách ngăn chặn, xử lý hàng hóa nhiễm độc
Hàng hóa trong các siêu thị có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: C.T.

Hàng hóa trong các siêu thị có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: C.T.

Sau nhiều cơn chấn động về các loại hàng hóa, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng lại bị rúng động bởi thông tin: Công ty Tân Hiệp Phát bị phát hiện có 26 tấn nguyên liệu quá hạn nằm trong kho. Như thế những ai đã từng sử dụng sản phẩm nước giải khát, nước trái cây của công ty này đều không khỏi giật mình!

Quả thật chưa bao giờ người tiêu dùng Việt Nam lại cảm thấy lo sợ, bất an về sức khỏe, tính mạng như bây giờ. Bởi lẽ từ chuyện ăn, chuyện uống đến sản phẩm may mặc, đồ chơi trẻ em bằng nhựa… đều có nguy cơ bị nhiễm độc từ các loại hóa chất, nguyên vật liệu không đảm bảo an toàn.

Có thể nói hàng hóa nhiễm độc, hàng kém chất lượng, quá thời hạn sử dụng đang bành trướng, tấn công người tiêu dùng ở  mọi lúc, mọi nơi. Ngay bữa ăn hàng ngày, người nội trợ nào cũng lo lắng, đắn đo trước thực tế phải chọn mua con cá, miếng thịt tươi, mớ rau, trái cây, thực phẩm chế biến sẵn như sữa, bánh kẹo… có đảm bảo an toàn hay không?

Thôi thì cần nên phải mua, chứ làm sao tự kiểm định, xác minh được nguồn gốc hàng hóa từ nước nào nếu người bán cố tình che giấu, nói dối. Tất nhiên, đối với người có thu nhập cao thì họ có điều kiện hơn khi chọn lựa hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, bày bán ở những cửa hàng có thương hiệu. Chỉ khổ cho người nghèo, người ít học! Giữa “mê hồn trận” hàng hóa trên thị trường tự do, họ làm sao có thể phân biệt được đâu là hàng hóa không đảm bảo an toàn, sản phẩm không đạt chất lượng, tiêu chuẩn. Vì thế, cứ thấy thứ gì ít tiền, giá rẻ là họ mua và không hề biết mình đang ăn, đang uống, đang dùng những hàng hóa nhiễm độc, có thể nguy hại đến sức khỏe… Chỉ đến khi “tiền mất, tật mang”, bị bệnh tật tấn công, sức khỏe hao mòn thì mọi chuyện đã muộn màng. Vậy ai sẽ là người bảo vệ họ?

Từ thực tế đáng báo động như nêu trên, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát đường đi của các loại sản phẩm, hàng hóa nhập lậu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Để loại bỏ những sản phẩm, hàng hóa độc hại nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, chúng ta phải có cơ chế xây dựng hàng rào kỹ thuật, xử lý thật nghiêm những tư doanh, người bán lẻ tiếp tay cho việc vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ những hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhập lậu.

Theo chúng tôi, chỉ khi nào cơ quan cửa khẩu và quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ, mạnh tay xử lý, truy quét hàng lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thì chúng ta mới hy vọng ngăn chặn từ gốc vấn nạn này.

HOÀNG VĨNH (Thảo Điền Q2 TPHCM)

Tin cùng chuyên mục