
Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh, sau gần 6 tháng thực hiện cơ chế chuyển nhượng hạn ngạch dệt may sang thị trường Hoa Kỳ, đã có 751 hợp đồng chuyển nhượng được các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực xác nhận.

Công nhân làm việc tại phân xưởng dệt khăn xuất khẩu ở Công ty Dệt Phong Phú.
Các chủng loại hạn ngạch chuyển nhượng chủ yếu là các cat “nóng”, trong đó, cat “nóng nhất” 338/339 đang bị quản lý hạn ngạch có số lượng chuyển đổi nhiều nhất với 239 hợp đồng.
Vẫn theo Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, việc cho phép doanh nghiệp chuyển đổi và chuyển nhượng hạn ngạch là nhằm mục đích tận dụng tối đa các loại hạn ngạch, các phần thừa, thiếu của từng hạn ngạch, của từng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể linh hoạt đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài.
Về phương hướng phân bổ hạn ngạch 2006, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho biết, định hướng chung là tăng dần số chủng loại hàng được cấp visa tự động, giảm dần số chủng loại hàng cấp hạn ngạch, có thể sẽ cấp visa tự động cho tất cả 25 cat.
Cũng trong hướng dẫn phân bổ hạn ngạch 2006, liên bộ Thương mại và Công nghiệp sẽ quy định rõ tăng cường công tác kiểm tra chống gian lận, chuyển tải và tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời, loại bỏ nhiều tiêu chí giao hạn ngạch phát triển để cố gắng tập trung cho hạn ngạch thành tích thương nhân đạt được của năm 2005.
VIỆT LAN