Cậu bé tật nguyền nuôi 6 người em

Cậu bé tật nguyền nuôi 6 người em

(SGGP 12G).- Bốn năm qua, những bất hạnh liên tiếp giáng xuống mái nhà bé nhỏ của em. Mất cả bố lẫn mẹ, gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai cậu bé tật nguyền Trương Thúc Lập, 19 tuổi, ở khu phố 4A, phường 2, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị).Ngày ngày, trên chiếc xe đạp cũ nát, Lập rướn người đạp từng vòng xe nặng nề đi khắp thị xã làm thợ sơn dạo, nuôi 6 em nhỏ đến trường.

Họa vô đơn chí

Cậu bé tật nguyền nuôi 6 người em ảnh 1
Lập (bìa trái) và 6 em trước bàn thờ cha mẹ

Căn nhà của 7 anh em nằm trong con hẻm nhỏ, cuối bến xe khách thị xã Quảng Trị. Khi tôi đến, 6 đứa em của Lập đang ngồi thu lu ở góc giường đợi anh mang bữa cơm chiều về, mắt đứa nào đứa nấy đỏ hoe, ngơ ngác buồn.

Trong căn nhà tình nghĩa đã xuống cấp, không có thứ gì đáng giá, ngoài chiếc giường 1,2m và cái bàn thờ đặt di ảnh bố mẹ của các em. Bà Thái Thị Thu Sương, 41 tuổi, dì ruột các em, bùi ngùi kể: “Ba mẹ các cháu chuyển chỗ ở từ Đông Giang (Đông Hà, Quảng Trị) vào đây năm 1990. Hai vợ chồng làm căn nhà nhỏ trên ô đất được chính quyền thị xã cấp. Anh Quý làm nghề thợ mộc nhưng hễ ai gọi mới đi vì nhà không có xưởng. Còn chị Thủy buôn mẹt bán tràng ở chợ quê. Vậy mà ông trời đã bắt anh chị đi sớm, để 7 đứa con mồ côi, chưa đứa mô ăn học đến nơi đến chốn...”.

Tai họa ập đến gia đình này vào một ngày buồn năm 2004, anh Trương Thúc Quý, người cha, trụ của cột gia đình mất vì căn bệnh ung thư dạ dày. Vợ anh - chị Thủy - một nách 7 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa nhỏ nhất mới chập chững biết đi. Chị nén nỗi đau mất chồng, cố làm lụng nuôi con, cuộc sống vất vả gấp bội phần. Đầu năm 2008, chị Thủy ngã bệnh.

Em Trương Thúc Linh, con trai thứ của chị Thủy tâm sự: “Từ khi bố mất, mẹ em đau ốm luôn nhưng cũng gắng gượng ra chợ, lúc nào mệt quá mới gọi tụi em ra trông hàng thay mẹ về nghỉ. Cách đây hơn 4 tháng, mẹ đau sốt liên miên nên vào Bệnh viện Trung ương Huế khám. Các bác sĩ ở đây cho biết mẹ đã bị ung thư gan giai đoạn cuối. Nằm viện được một tháng rưỡi thì mẹ mất”.  
Đường đời còn lắm chông gai

6g chiều… Bé Hóa đang ngồi buồn thiu bỗng chạy ào ra sân la lớn: “A! Anh Lập về rồi chị Ly ơi, có cơm ăn tối rồi”. Tôi nhìn ra sân, cậu bé chân tay nhỏ thó, dài ngoẵng, khuôn mặt sạm đen khắc khổ, trông như một nông dân tối ngày lăn lộn trên ruộng cày, đang khó nhọc dựng chiếc xe đạp vào hiên nhà. “Khi cháu Lập được 3 tuổi, trong một trận ốm thập tử nhất sinh, cháu bị teo cơ tứ chi và nói ngọng cho đến bây giờ”, bà Sương buồn bã cho biết.

 Năm 2004, bố mất, Trương Thúc Lập đành gác giấc mơ trở thành kỹ sư thiết kế xây dựng khi vừa lên lớp 9, nghỉ học phụ mẹ kiếm tiền nuôi các em. Bây giờ, cuộc sống áo cơm hàng ngày và tiền trang trải học phí cho 5 đứa em chuẩn bị bước vào năm học mới đều trông đợi vào đôi tay tật nguyền của Lập. Hàng ngày, cứ 6g sáng, trên chiếc xe đạp cũ nát, em rướn người đạp từng vòng xe nặng nề đi khắp thị xã Quảng Trị làm thợ sơn dạo. Đến 6g chiều lại vội vã về nhà lo cơm nước cho các em. Lập khoe với tôi: “Ngày ni em sơn cửa cho một gia đình ở đường Hai Bà Trưng được 50.000đ, gặp bà chủ nhà tốt bụng cho thêm 3 gói mì tôm, mang về cho các em ăn sáng”.

Các em của Lập rất chăm ngoan, một buổi đến lớp, buổi còn lại bươn chải kiếm sống. Linh tâm sự: “Em vừa tốt nghiệp lớp 12 năm nay, định thi đại học nhưng mẹ mất, một mình anh Lập lo cho cả nhà vất vả quá nên em ở nhà đi bốc vác thuê kiếm tiền phụ anh, sang năm có điều kiện em sẽ ôn thi”. Em Trương Thúc Tính (16 tuổi), Trương Minh Hiếu (14 tuổi) cũng theo Linh ra bến xe bốc vác, đánh giấy nhám cho các xưởng mộc; còn hai chị em Trương Thị Thanh Tuyền (16 tuổi), Trương Khánh Ly (11 tuổi) cùng nhau về các thôn xóm mua rau, hoa sen ra chợ bán kiếm tiền đong gạo, cậu em út Trương Minh Hóa (8 tuổi) trông nhà cho anh chị. Ông Trương Phi Khanh, Trưởng khu phố 4A cho biết: “Mấy tháng nay, 7 anh em Lập luôn sống trong cảnh đắp đổi qua ngày. Thỉnh thoảng dì Sương từ Đông Giang vào thăm nom, nhắc nhở thay mẹ các cháu nhưng nghe nói dì ấy cũng nghèo lắm, tảo tần một nắng hai sương mới kiếm nổi cái ăn cho ba mẹ già năm nay đã ngoài 80 tuổi”. Ông Khanh cho biết thêm: “Gia đình chị Thủy là hộ nghèo từ mười mấy năm nay. Chúng tôi rất quan tâm, lo cho các cháu nhưng hầu hết bà con khu phố này đều buôn thúng bán bưng nên thi thoảng mới giúp được các cháu mớ rau, cân gạo”.

“Còn... bùn cũng tát!”

Vất vả, thiếu thốn mọi bề nhưng các em đều rất hiếu học. Năm học vừa qua, Tuyền được nhận học bổng Thắp sáng tương lai, cậu em út Trương Minh Hóa vừa học lớp 3 cũng đoạt học bổng Prudential (tổ chức bảo hiểm của Anh), còn Khánh Ly là học sinh giỏi Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Ly nhanh nhảu nói, em muốn làm bác sĩ vì bác sĩ chữa lành bệnh cho mọi người, để cho các bạn nhỏ có ba mẹ, vì “không có ba mẹ thì rất buồn!”.

Nhắc đến việc học của các em, giọng Lập đầy quyết tâm: “Ngày mẹ mất, em không thiết sống nữa, chỉ mong sao mình đừng có mặt trên đời nhưng nhìn 6 đứa em ôm nhau khóc, em lại không đành lòng. Dù vất vả đến mấy em cũng không để các em phải bỏ học giữa chừng. Đó cũng là ước muốn của mẹ em lúc lâm chung”. Tôi biết, để cho một đứa em lớp 3 như Hóa đến trường, tính sơ sơ một năm các khoản phí phải nộp từ 500.000 đến 700.000đ, chưa kể Ly lớp 5; Hiếu lớp 8; Tuyền và Tính vừa lên lớp 10. Trong khi đó, món nợ của chị Thủy trong những ngày nằm viện vẫn còn 20 triệu đồng chưa trả được, cứ một triệu mỗi tháng tiền lãi 10%.

Chiều muộn, cơn mưa đầu mùa tầm tã trút nước. Bên bàn thờ, bé Hóa ôm chân chị Ly nói: “Chị ơi, gọi mẹ về nhanh kẻo mưa ướt”. Tiếng con trẻ ngây thơ thương đến thắt lòng...


PHAN VĨNH YÊN

Tin cùng chuyên mục