“Cây cầu Bốn anh”

“Cây cầu Bốn anh”

Đúng vào dịp Tết Ất Dậu này, thôn Đông Bình xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam sẽ vui mừng khánh thành cây cầu phao bắc qua sông Bàn Thạch, một nhánh của dòng sông Thu Bồn. Đông Bình cô lập trên hòn cù lao giữa hạ lưu Thu Bồn, nghèo khổ, túng bấn và nhiều cách trở. Hàng mấy trăm năm nay, làng chỉ cách bờ có vài trăm mét mà cứ khó khăn mãi nỗi lụy đò. Giờ dân làng hoan hỉ đặt tên cho cây cầu này là “Cầu Bốn anh”.

  • Chuyện đời dài bằng cả cây cầu

Phó Chủ tịch xã Duy Vinh Võ Đức Tuấn nhiệt tình đưa chúng tôi về làng Hà Mỹ. Cây cầu phao đang thi công vắt ngang dòng sông đầy ấn tượng hiện ra trước mặt. Cầu nhìn sướng mắt, lại đẹp, và hơn thế, cầu được xây dựng từ tấm lòng, khối óc và bàn tay của bốn người trẻ tuổi. Họ là Nguyễn Đình Trường, sinh năm 1971; Nguyễn Lênh, sinh năm 1968; Lê Văn Mười và Nguyễn Đình Diên cùng sinh năm 1974. Cả bốn thanh niên này chấp nhận không làm nhà, dùng tiền tiết kiệm và đi vay làm cầu phao cho dân cù lao Đông Bình đi.

Bên cây cầu đang xây dựng là căn nhà nhỏ của anh Trường. Gặp chúng tôi, Trường nói: “Lần đầu tiên ở làng có cầu đó anh”.

“Cây cầu Bốn anh” ảnh 1

Đò bị “thất nghiệp” vì đã có cầu phao.

Trường kể say sưa chuyện đời anh: “Tui học hết cấp 2 bỏ. 20 tuổi cưới vợ. Cưới gấp! Vì răng à? Vì tui ở Mỹ Hà, hắn ở Đông Bình, mỗi lần qua tán phải đi đò, lần mô qua cũng bị trai làng đánh, có đêm phải bỏ đò bơi về thoát thân. Ở Đông Bình, hắn đẹp nhất, sợ để lâu, thằng khác cướp mất thì uổng. Tui quyết định cưới.

May thiệt - Trường cười - năm 1998, tui lên núi làm rừng. Sau đó mấy năm, tích vốn được 20 triệu, về lại làng. Mấy năm gần đây cứ đau đáu chuyện làm sao có được cây cầu để có thể phóng xe máy cái vèo từ làng mình qua làng vợ. Cách đò trở giang cực ơi là cực. Tui hỏi ý kiến mấy anh em thân tín, họ gật, làm. Hỏi lãnh đạo thôn, xã, các anh ấy vỗ tay. Nhưng có người nói tui : Anh điên. Cầu bắc qua sông Bàn Thạch phải cả tỉ bạc, lấy đâu ra? Hồ sơ tư vấn lên huyện, tỉnh phải chờ hội đồng các cấp thẩm định… nghe hoa cả mắt.

Nhưng anh Võ Đức Tuấn, Phó Chủ tịch xã thì bấm vai tui nói làm, xã mời dự thầu là được. Tui cứ bám thắt lưng các ông lãnh đạo xã là xong. Cách đây mấy năm, xã làm một cây cầu tre, nhưng đi loăng quăng vài tháng thì lũ đến, trôi sạch. Nay xã quyết định làm cầu phao, tính toán mất 450 triệu, nhưng chắc ăn. Rứa là làm.

Lúc đầu về nói với vợ, vợ chưa đồng ý làm cầu, mười đêm thổ lộ riết, vợ mới thông qua (!). Sáng dậy vợ đi vay bên ngoại được ba chục triệu, trong nhà có hai chục triệu, cộng với ba thằng em rể nữa được hai trăm triệu là đổ vô làm. Muốn làm cầu cũng phải qua đấu thầu cấp xã, cũng mua hồ sơ, cũng bí mật, hồi hộp đến phút chót mới trúng thầu.

  • Ước mơ trăm năm

Anh Trường nói tiếp: “Có chi mà thiết kế. Bốn anh em ngồi lại, uống chai rượu, một đĩa ốc, thức hai đêm, dùng than gạch gạch trên tấm ván, rồi lấy bút mực vẽ lại trên giấy, nộp hồ sơ lên xã. Trúng thầu, cho người vô Sài Gòn mua chở ra 360 thùng nhựa tốt, dày, chắc. Mỗi thùng nhựa hết 300.000 đồng cả tiền vận chuyển. Mua 60 mét khối gỗ, chọn loại chịu được nắng, mưa và nước mặn như táu, dẻ...

Đầu tháng 12-2004 khởi công, vui hơn hội. Gỗ đóng rải trên khung gỗ đặt theo dàn phao, làm lan can, làm các chốt móc, để khi lũ về hoặc khi mở cầu cho thuyền lớn qua lại, chỉ cần tháo chốt móc, kéo giật một cái là cầu ép mạn vào bờ, thông cửa sông ngay. Tui huy động anh em cưa đục, bơi lặn, hì hục làm kịp Tết khánh thành. Cầu dài 300 mét, thêm 70 mét đường đầu cầu nữa là 500 mét. Mặt cầu rộng 2,5 mét, người, xe đạp, xe máy, ô tô con, trâu bò đi lại vô tư...”.

Anh Võ Đức Tuấn gặp tôi nói: “Cầu Bốn anh là cây cầu giải phóng cho làng Đông Bình hai trăm năm nay được đi một mạch vô đất liền đó anh”. Nhiều cán bộ huyện về xem, lắc đầu: “Rẻ. Nếu nhà nước mần cũng phải hơn tỷ bạc”.

Thầy giáo Nguyễn Khởi, giáo viên Trường Tiểu học Đông Bình, nói thêm: “Có cầu, năm học tới, học sinh của làng sẽ vào đất liền học cấp 2, cấp 3. Lâu nay không có cầu, đi lại cách trở, các em bỏ học nhiều”. Có cầu mới, bà con bắt đầu bàn chuyện vận chuyển ximăng, sắt thép, gạch đá vô làng sửa lại nhà cho kiên cố, thoáng mát, an toàn trong mùa lũ. “Sướng thiệt, chỉ tội không biết khi mô mới thu được vốn”.

Trường vừa nói vừa tính toán: “Giá cước qua cầu do bà con đề nghị. Xe máy 500 đồng/lượt, xe đạp 300 đồng/lượt, người đi bộ 200 đồng/lượt, học sinh miễn. Mỗi ngày thu bình quân 100.000 đồng, như vậy sau 10 năm thì gần đủ vốn. Rứa là bỏ tiền ngàn thu tiền xu đó. Nhưng mà vui khi thực hiện ước mơ cả trăm năm”.

  • Lời ngỏ đến ngân hàng

Bốn anh làm cầu, lãnh đạo thôn Đông Bình, lãnh đạo xã Duy Vinh theo từng ngày động viên. Họ biết, họ đã đề xuất làm cây cầu cho Đông Bình hàng chục năm nay nhưng không có hồi âm. Trong khi làm cầu, ngành ngân hàng Quảng Nam hứa cho vay tiền sớm nhưng hiện chưa giải ngân, bốn anh lấy 8 sổ đỏ nội ngoại vay tứ tung nhưng cũng chưa đủ. Rồi giao thông Quảng Nam biết nhưng tựa như công việc này là của ai đó.

Quảng Nam còn rất nhiều làng, xã chia cắt bởi sông nước như Đông Bình, đáng ra phải nhân rộng điển hình làm cầu của bốn anh nông dân này để biểu dương, hỗ trợ và nhân điển hình ra toàn tỉnh, nhưng hiện đang im lặng (!). Sức dân quý biết dường nào. Trên giúp xuống, người dân gánh vác thêm, đó là con đường ngắn nhất để nối mạch giao thông đến tận thôn xã. 

NAM DƯƠNG - NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục