"Cây thị ăn thề" được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Sáng 30-5, ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa (huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã quyết định công nhận cây thị (tên khoa học là Diospyros decandra Lour) tại thôn Kim Sơn là Cây Di sản Việt Nam.
Cây thị cổ thụ tại thôn Kim Sơn (xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn) đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
Cây thị cổ thụ tại thôn Kim Sơn (xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn) đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Hiện nay, cây thị có chu vi thân chỗ tiếp giáp với mặt đất khoảng 12m, chiều cao từ 35-50m, đường kính thân cây khoảng 5-6 người ôm mới xuể, cây thon nhỏ dần lên phía ngọn, lớp vỏ bên ngoài cây với chi chít ụ nổi, đường gân sần sùi và có nhiều cây dây leo bám chặt… Phía trong gốc thân cây khoét rỗng tự nhiên, cao khoảng 4-5m và có thể chứa 4-5 người trú ẩn được.

Theo một số cụ cao niên, cây thị này có trên 700 năm tuổi, tọa lạc trên một khu đất riêng ở thôn Kim Sơn và được người dân địa phương đặt tên là “Cây thị ăn thề” hay “Gốc thị sử tích”. Trải qua thời gian, chiến tranh, thiên tai bão lũ, đến nay cây thị vẫn phát triển xanh tốt, cành lá sum suê, sừng sững giữa đất trời. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 5-8 là cây lại cho ra hàng ngàn quả thị to tròn, chín vàng mọng, tỏa mùi thơm ngào ngạt.

Cây thị cổ thụ phát triển xanh tốt, sừng sững giữa đất trời

Cây thị cổ thụ phát triển xanh tốt, sừng sững giữa đất trời

Theo tương truyền, tại gốc cây thị này, ngày trước Bình Định Vương Lê Lợi và thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đã cùng nhau giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh xâm lược.

Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại sử: “Cắt tóc, giết ngựa trắng/Dưới gốc thị thề nguyền/Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ”.

Dưới gốc cây thị, người dân làm một miếu thờ nhỏ khắc tên "Gốc thị sử tích"

Dưới gốc cây thị, người dân làm một miếu thờ nhỏ khắc tên "Gốc thị sử tích"

Đến ngày 15-7-2001, nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí xây dựng một miếu thờ nhỏ ngay phía dưới gốc cây thị, khắc chữ trên bia: “Gốc thị sử tích, mùa thu Ất Tỵ 1425 Lê Lợi - Nguyễn Tuấn Thiện tuyên thệ/Thệ phát sơ thù Minh thị hạ/Quyết tâm bất dịch, trợ hòa đao” (đại ý có nghĩa là cùng nhau nguyện thề dưới gốc cây thị đánh đuổi giặc Minh xâm lược...).

Ngoài ra, tại địa phương cũng tương truyền về sự tích cây thị này từng là nơi Lê Lợi vào ẩn nấp, tránh sự truy đuổi của kẻ thù, thoát nạn.

Trong thời kỳ kháng chiến, tại gốc cây thị này còn là địa điểm tụ họp, hoạt động, che giấu của bộ đội, du kích địa phương...

Cây thị có chiều cao 35-50m, cành lá sum suê

Cây thị có chiều cao 35-50m, cành lá sum suê

Ngoài ý nghĩa lịch sử, cây thị còn có ý nghĩa tâm linh rất lớn. Người dân nơi đây luôn xem “Cây thị ăn thề” như là "báu vật", vị thánh của làng, bảo vệ, che chở họ vượt qua thiên tai bão tố nên bao thế hệ người dân đã luôn có ý thức bảo vệ, giữ gìn vun đắp cho cây phát triển.

Để cây thị được quan tâm và bảo tồn tốt hơn, tháng 4-2023, chính quyền xã Kim Hoa đã gửi văn bản và các tư liệu liên quan về cây thị tới Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đề xuất công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

>> Một số hình ảnh "Cây thị ăn thề" được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Cây thị cổ thụ

Cây thị cổ thụ

Tấm bia tại miếu thờ dưới gốc cây thị cổ thụ

Tấm bia tại miếu thờ dưới gốc cây thị cổ thụ

Người dân địa phương bên dưới gốc cây thị cổ thụ

Người dân địa phương bên dưới gốc cây thị cổ thụ

Tin cùng chuyên mục