Năm 1956, khi tộc A rem được phát hiện, họ chỉ có 18 người. Cuộc sống A rem nguyên thủy trong những hang đá hoặc dưới rèm đá ở rừng già Phong Nha-Kẻ Bàng. Thời điểm đó, người ta kết luận tộc người này ngoài cuộc sống ăn lông ở lỗ ra không có bất cứ tài sản nào về tinh thần. Thế nhưng mới đây, các nhà khoa học đã khẳng định: gia tài văn hóa người A rem rất đặc biệt. Họ có ngôn ngữ, có phong tục rất bí ẩn…
“Chăm rău A rem”

Làng dân tộc A rem - quà tặng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu gặp bất cứ người A rem nào và hỏi họ thuộc tộc người nào, người A rem sẽ không ngần ngại nói: “Chăm rău A rem”- Tôi là người A rem. Thế đấy, đó là cách tự giới thiệu độc đáo của người A rem. Về mặt ngôn ngữ, cách thể hiện này đã gây sự chú ý cho các nhà ngôn ngữ.
Nhà ngôn ngữ học Trần Trí Dõi đã không tiếc lời rằng “Ngôn ngữ và văn hóa người A rem hấp dẫn giới ngôn ngữ đến kỳ lạ. Đó là hình ảnh của tiếng Việt thời cổ xưa, như một nhà bảo tàng lưu giữ các giai đoạn phát triển của tiếng Việt, là di chỉ cần “khảo cổ” để tìm hiểu lịch sử tiếng Việt”. Nếu đúng như vậy, tộc A rem nhỏ bé này quả đã sở hữu một gia sản ngôn ngữ thật độc đáo!
Trước đây, giới ngôn ngữ học rất khó khăn trong việc chứng minh tiếng Việt xưa kia là song tiết (hai tiếng), qua quá trình vận động nó đã chuyển hẳn sang thứ ngôn ngữ đơn tiết (một tiếng). Rất may khi tìm hiểu tiếng A rem và nhiều ngôn ngữ khác tương tự, người ta đã giải thích được quá trình này một cách rốt ráo.
Dạng thức hai tiếng rất phổ biến trong tiếng A rem, nếu người Việt nói gió, đất chỉ là một tiếng thì người A rem gọi gió là kaja, đất là atăk. Ngoài ra, căn cứ vào âm tiết, các nhà ngôn ngữ còn nghiên cứu tiếng A rem về mặt thanh điệu (dấu) để chứng minh tiếng Việt xưa kia là ngôn ngữ chưa có dấu.
Và người ta đã chứng minh thành công điều này khi dựa vào tiếng A rem. Rất đáng tiếc là hiện nay ngôn ngữ A rem chỉ còn mỗi tiếng nói, không ai tìm được gia tài chữ viết của họ “cất giấu” ở đâu. Tuy còn tiếng nói nhưng người A rem chỉ dùng trong cộng đồng.
Những tộc người láng giềng như Ma Coong, Rục, Mày, Sách, Kinh… ít người nói được tiếng A rem vì một phần tiếng A rem khó nói, một phần người A rem rất có ý thức “dấu” tiếng nói của mình. Nhưng lạ thay, hầu như người A rem nào cũng nói được tiếng của những tộc người láng giềng, gặp người Khùa họ nói tiếng Khùa, gặp người Ma Coong họ dùng tiếng Ma Coong để giao tiếp…
Sự hấp dẫn của ngôn ngữ A rem đã cuốn hút nhiều nhà ngôn ngữ Pháp, Nga, Nhật… Nhiều người trong số họ đã vượt nghìn trùng đến cùng sống, cùng ăn, cùng ở với người A rem để khám phá gia tài vô giá này.
Những tục lệ lạ thường
Trên thế giới hiếm có tộc người nào thích sinh con gái như người A rem. Mỗi dịp có ai trong tộc sinh con gái họ liền mở rượu ăn mừng. Theo Đinh Đu, cán bộ xã Tân Trạch: “Vì con gái là tài sản quý của dòng họ.
Con gái đến tuổi lấy chồng, con trai phải làm lễ bỏ của theo yêu cầu của nhà gái”. Lễ bỏ của phải có năm hũ rượu, mười nén bạc, hai con gà trống và tiền mặt. Trước đây tiền mặt như vật tượng trưng, nay tiền mặt ít nhất phải 6 triệu đồng.
Già Đinh Đe nói thêm rằng: “Tục bỏ của bên nhà gái do cậu ruột quyết định. Lễ bỏ của do cậu hưởng trọn vẹn, bố mẹ của cô gái không được gì. Cưới xong cô gái đi làm dâu, nếu bên chồng làm việc gì để cô gái bỏ về thì chồng phải chuẩn bị 3 hũ rượu, ba con gà trống, hai triệu đồng qua nhà gái gặp cậu làm lễ xin lại vợ. Cậu đồng ý mới được mang vợ về, nếu để vợ bỏ về lần nữa thì lễ xin vợ tăng lên gấp đôi”.
Tôi hỏi có ai đặt lễ xin vợ lần hai chưa, già Đinh Đe ra hiệu: “Nhà nào cũng đặt lễ xin lại vợ nhiều lần vì chồng say rượu hay gây gỗ”. Tôi ngạc nhiên- tiền đâu để đặt lễ? Đinh Đe thủng thẳng: “Không thằng nào đủ lễ cả.
Thằng mô cũng xin khất. Già đây đã 78 tuổi mà còn nợ lễ xin vợ nhiều lắm. Lễ xin vợ không trả hết thì về ở nhà cậu làm lụng mà trả lễ cho cậu. Già đây vẫn chưa trả hết, lỡ chết đi thì em trai phải lấy vợ của ta, già không có em trai thì cháu trai phải có lễ bỏ của và làm để trả lễ xin vợ cho ta”.
Cách trả nợ đó chính là tục nối dây của người A rem. Tục này phổ biến đến tận cán bộ xã do lẽ xã Tân Trạch chỉ có tộc người A rem sinh sống, lãnh đạo xã đa phần người A rem. Lúc mới nghe, tôi không tin, nhưng khi chính người trong cuộc thổ lộ tôi mới hiểu. Số là chị Y Ru, cán bộ phụ nữ xã, trước đây có chồng là Đinh Thôn đã mất.
Trước khi ra đi, Đinh Thôn trăng trối với Y Ru: “Tao mất, mày phải lấy Đinh Rầu em tao”. Hiện Đinh Rầu làm cán bộ mặt trận xã. Mặc dù Y Ru hơn Đinh Rầu một con giáp và con cái đã làm lễ bỏ của hết rồi nhưng Đinh Rầu vẫn phải đặt lễ cưới Y Ru.
Chị Y Ru bảo: “Đinh Rầu đã có vợ rồi nhưng mình là của cải do anh trai để lại nên Đinh Rầu phải giữ gìn chứ. Trước đây mình là vợ cộc của Đinh Thôn, bây giờ về với Đinh Rầu mình là vợ ngọn”.
Người A rem gọi vợ cộc, vợ ngọn để phân biệt đâu là vợ do mình bỏ lễ cưới, đâu là vợ “tài sản” do anh trai hoặc chú để lại. Theo lý giải của người A rem, con gái được nhận lễ bỏ của, được là vợ ngọn nên người A rem thích sinh con gái hơn con trai. Và bao giờ người phụ nữ A rem cũng có quyền hành hơn đàn ông.
Y Ru kể: “Mỗi khi ta cùng các chị em trong bản uống rượu, đàn ông phải ra khỏi nhà. Bọn đàn ông không được uống chung rượu với bọn ta mà phải đi đâu đó. Nếu bọn đàn ông không ra khỏi nhà thì phải phục vụ ta và những chị em khác”.
Việc sinh đẻ của người A rem cũng kỳ lạ. Mỗi lần sinh, phụ nữ A rem chỉ đồng ý một bà mụ già nhất bản đến dùng thanh cật vót từ nứa cắt rốn cho đứa bé. Cắt được rốn, người ta bế nó ra suối nhấn ba lần xuống nước, nếu sống, đứa bé đó được nuôi, còn chết, cha mẹ xem rất bình thường.
Sự bình thường này là nguyên nhân làm trẻ em A rem tử vong hàng năm rất cao buộc phụ nữ A rem phải sinh thật nhiều mới có con để nuôi. Theo Y Ru, mỗi phụ nữ thường sinh ít nhất 7 lần nhưng chỉ 1 hoặc 2 đứa sống sót. Y Ru đã 8 lần sinh nhưng cũng chỉ 3 đứa sống.
Trong thăm thẳm mênh mông núi rừng, người A rem còn lưu giữ nhiều bí ẩn nguyên sơ về phong tục, tập quán, ngôn ngữ. Trong gia tài bản sắc ấy có những vỉa tầng đáng để người đời suy nghĩ nhưng cũng có những điều cần hướng họ từ bỏ để vươn tới cuộc sống mới văn minh.