Mùa xuân đến, với đất nước có gần 8.000 lễ hội như nước ta, nhiều chuyện lại “nóng” lên. Nhân đầu mùa lễ hội, PV Báo SGGP có cuộc trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bộ VH-TT-DL.
- Phóng viên: Một số nhà nghiên cứu, quản lý than phiền về chuyện sân khấu hóa lễ hội tràn lan?
Ông NGUYỄN CHÍ BỀN: Hiện tại, thuật ngữ lễ hội đang được hiểu khá rộng rãi. Việc sân khấu hóa chỉ nên thực hiện với các mít tinh, các festival lâu nay người ta hay gán cho các loại hình này thuật ngữ lễ hội. Thực ra, các loại hình này không phải lễ hội theo đúng nghĩa. Nó không gắn với di tích, không có nhân vật phụng thờ. Đây là công việc của các đạo diễn, các công ty tổ chức sự kiện. Với các lễ hội truyền thống, mọi hoạt động đã thành nếp tự ngàn đời. Không có đạo diễn, không có MC, tất cả mọi công việc do dân làng tổ chức, chính quyền làng xã chỉ bảo trợ thôi. Không nên sân khấu hóa các lễ hội này, vì từ bản chất nguồn cội, không có việc sân khấu hóa thô thiển như vậy!
- Bản chất của phần lớn các lễ hội là các hoạt động dân gian, của cộng đồng làng xã. Song xu hướng nhà nước hóa đã và đang diễn ra ngày càng nhiều. Theo ông, mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và chủ thể lễ hội nên giải quyết theo hướng nào?
Một số ý kiến cho rằng, những di sản văn hóa phi vật thể nên trả về cộng đồng, chủ thể của di sản bảo tồn và phát huy, hạn chế vai trò của nhà nước, tránh nhà nước hóa các lễ hội, các di sản văn hóa phi vật thể. Thực ra, xử lý mối quan hệ giữa nhà nước và cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, cả vật thể lẫn phi vật thể không phải dễ dàng. Áp dụng máy móc các quan điểm của nước ngoài về cộng đồng và nhà nước vào Việt Nam, dễ dẫn đến sai lầm.
Lịch sử văn hóa Việt Nam chứng kiến các vương triều từ Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Gia Long, đều có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy lễ hội ở làng xã ở các phương diện: phong sắc các nhân vật mà người dân các làng quê phụng thờ, cấp đất dân các làng cày cấy để có gạo làm lễ vật dâng cúng như ở đền Hùng… Trong xã hội đương đại, nhiều công việc của lễ hội không thể không có “bàn tay” của nhà nước, ví dụ, chuyện an ninh, chuyện vệ sinh thực phẩm, chuyện giao thông… Tôi nghĩ, nên khu biệt, xu hướng nhà nước hóa đến đâu, còn vai trò của cộng đồng là việc gì. Giải quyết mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và chủ thể lễ hội phải theo hướng tôn trọng những quyền lợi, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của cộng đồng, và phát huy vai trò cộng đồng trên cơ sở công khai, dân chủ, đúng pháp luật.
- Một trong những hiện tượng gây bức xúc mỗi mùa lễ hội là hiện tượng tiền lẻ được rải khắp nơi từ bàn thờ, đến gốc cây, khe cửa… và cả việc xuất hiện của quá nhiều hòm công đức ở các nơi thờ tự. Theo ông vấn đề này có thể giải quyết được không và theo hướng nào?
Đây là chuyện bức xúc, cần giải quyết càng sớm càng tốt, nhưng thực ra, đây là câu chuyện rất khó khăn. Niềm tin tín ngưỡng của người dân khi đến các lễ hội, trong các không gian thiêng, đều muốn thể hiện tấm lòng, tình cảm của mình với các nhân vật được phụng thờ. Họ nghĩ rằng, đặt đồng tiền vào các bàn thờ, như một lễ vật để dâng cho thánh, thần, Phật. Nhưng tùy tiện nhét vào tay Phật, thánh rất phản cảm! Nhưng nếu vin cớ tạo thuận lợi cho người dân để đặt nhiều hòm công đức trong các nơi thờ tự lại càng không nên.
Giải quyết vấn đề này, cần nâng cao hiểu biết của những ban quản lý di tích, cũng như nhận thức của cộng đồng về tín ngưỡng, văn hóa ứng xử ở những nơi thờ tự và cụ thể hóa trong những văn bản quản lý nhà nước của các cấp.
Vĩnh Xuân (thực hiện)