Chấn chỉnh văn hóa ứng xử nơi công sở

Gắn với nội dung chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, việc thực hiện quy tắc ứng xử và các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại TPHCM được triển khai sâu rộng. Thực tế có đơn vị làm rất tốt, nhưng vẫn có nơi chưa thật chuẩn mực khi thực hiện quy tắc này.

Nơi tốt, nơi chưa

“Chị ơi, ở đây có phát số thứ tự không ạ?”. “Không em!”, nữ cán bộ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tại UBND phường 1, quận Bình Thạnh, vừa sắp xếp giấy tờ vừa trả lời, nhưng không nhìn tôi.

“Vậy em để hồ sơ sao y chứng thực ở đâu được chị?”, tôi hỏi tiếp. Đợi một lúc, thấy chị khá bận rộn đến… quên trả lời nên tôi đành quay lại ghế ngồi chờ. “Không có số thứ tự thì sao biết tới lượt mình vậy chú?”.

“Ờ, ở đây đó giờ không có phát số thứ tự. Ai tới trước bỏ hồ sơ vào rổ tài liệu trước, ai tới sau bỏ sau. Người dân mình giờ ý thức nhiều rồi”, chú Mười (một người dân đi sao y chứng thực giấy tờ) ngồi bên cạnh trả lời.

Chú Mười nói thêm, không phát số nhưng được cái giấy tờ ký cũng khá nhanh chứ không chậm như trước. Dù vậy, tôi vẫn khá băn khoăn về cách các anh chị trả lời, hướng dẫn. Không lẽ họ quá bận để hướng dẫn công dân?

Chúng tôi đến UBND một phường tại quận 4 lúc hơn 14 giờ 30, dù chỉ có 2 - 3 người dân đến chứng thực giấy tờ, nhưng cán bộ trực vẫn báo chúng tôi khoảng 16 giờ quay lại nhận hồ sơ vì “cấp trên bận”…

Chị Trần Hà M. (30 tuổi, ngụ quận 9) trong một lần đến làm giấy chứng nhận thất nghiệp tại một chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp (thuộc quận 9), khá bức xúc trước ứng xử thiếu lịch sự của cán bộ tại đây. “Họ đưa mình 2 tờ giấy, 1 tờ giấy khai và 1 tờ chứng nhận thất nghiệp. Ở đó có một chị rất dễ thương còn một chị mặt rất khó chịu. Khi nộp lại, tôi không biết nên đưa nhầm luôn 2 tờ, mà đáng lẽ chỉ cần 1 tờ thôi. Chị khó chịu vứt tờ giấy lại trước mặt tôi hỏi: “Đưa cái này làm gì?”. Nếu mình đưa nhầm thì chỉ cần nhẹ nhàng trả lại thôi chứ có gì đâu”, chị M. kể. 

Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng ứng xử thiếu chuẩn mực. Vừa làm xong hồ sơ chứng thực hộ khẩu tại UBND phường 4, quận 4, cô Nguyễn Thị Đông (63 tuổi, ngụ khu phố 3, phường 4, quận 4) cho biết, ở đây các quy trình thủ tục được cán bộ phường hướng dẫn chuẩn, nhanh.

“Chưa kể, họ nhiệt tình và gần gũi với dân lắm. Lãnh đạo này đi thì có người khác thế. Có việc gì thắc mắc cũng được giải đáp, hướng dẫn ngay”.

Chấn chỉnh văn hóa ứng xử nơi công sở ảnh 1 Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường 5, quận Gò Vấp (Ảnh chụp cuối tháng 11-2020)

Tại bộ phận chứng thực sao y của UBND phường 5, quận Gò Vấp, anh Lý Thế Huy (26 tuổi, ngụ phường 5, quận Gò Vấp) ngồi đợi chừng 15 phút đã được nhận hồ sơ.

Tỏ ra hài lòng, anh Huy nói: “Cán bộ làm việc cung cách niềm nở, thân thiện; có khi chủ tịch hoặc phó chủ tịch ngồi ngay tại bộ phận một cửa để ký luôn. Ở đây có cả hệ thống tra cứu các thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến cũng như khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân với cán bộ”. 

Giám sát để muốn sai cũng… khó

Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp Vương Hoài Nam cho rằng, chính công tác cải cách hành chính ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả sẽ góp phần vào sự thay đổi, tiến bộ rõ rệt trong ứng xử, phong cách giao tiếp của nhiều cán bộ, người lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Nam nói: “Hiện nay, tính bình quân phường chứng thực sao y khoảng hơn 120 hồ sơ trong một ngày. Chúng tôi cố gắng rà soát, ký trong tầm khoảng chưa tới 5 phút mỗi hồ sơ”.

Cũng theo ông, vì số lượng công việc quá nhiều khiến cán bộ phường đôi lúc áp lực, có thể sẽ quên mất “nụ cười công chức” nên lãnh đạo phường phải thường xuyên kiểm tra, giám sát cung cách ứng xử, giao tiếp của cấp dưới.

“Tôi hoặc phó chủ tịch UBND phường, sẽ phân công xuống làm việc cùng anh em, vừa giải quyết ký nhanh hồ sơ cho bà con, đồng thời cũng là cách thức hiệu quả để cán bộ tiếp dân phải để ý, chấn chỉnh cách giao tiếp với dân”, ông Nam chia sẻ thêm. 

Không chỉ giám sát thường xuyên, tại UBND phường 4, quận 4, đã thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp cho việc thực hiện quy tắc ứng xử, hoạt động công vụ như: “Chính quyền thân thiện”, “Rút ngắn thời gian trả kết quả”, “Hỗ trợ khai hồ sơ BHYT hộ gia đình cho người già từ 70 - 79 tuổi”… Nhiều cán bộ còn tích cực hỗ trợ người dân ngoài giờ làm việc.

Phó Chủ tịch UBND phường 4 Võ Minh Cường cho biết: “Lựa chọn cán bộ làm công tác tiếp dân phải là những người có phẩm chất đạo đức và trình độ nghiệp vụ, hiểu biết về pháp luật; có văn hóa ứng xử và thái độ phục vụ tốt, khéo léo”.

Thời gian qua, việc thực hiện quy tắc ứng xử và các hoạt động công vụ đã có những thay đổi tích cực. Phương châm “4 xin, 4 luôn” - xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ được thực hiện thường xuyên hơn. Đây có thể nói là một điểm sáng trong thực hiện nội dung chủ đề năm 2020. Việc nhiều nơi, công tác tiếp công dân chưa đi vào nền nếp, một bộ phận tiếp công dân còn có lời nói, hành xử thiếu chuẩn mực… cần được chấn chỉnh mạnh hơn.

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên thường xuyên làm việc với các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh một số đơn vị khá cởi mở trong việc cung cấp thông tin cho báo chí thì vẫn còn rất nhiều nơi chậm chạp, thậm chí dè chừng, không cung cấp thông tin, vô tình trở thành rào cản để thông tin chính thống đến bạn đọc. Có UBND một quận trung tâm, chúng tôi nộp văn bản cần cung cấp thông tin thì đến gần… 1 tháng sau mới nhận được câu trả lời; có sở, chúng tôi gọi nhiều lần vẫn bị đẩy qua đẩy lại người trả lời, và cáo “bận”…

Tin cùng chuyên mục