Giáo dục Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Dưới con mắt của các chuyên gia, nhà giáo dục hàng đầu, cuộc chấn hưng đó bộn bề công việc phải làm...
- GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo: 3 việc cấp thiết phải làm
Đại hội XI của Đảng đã lấy việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục làm 1 trong 3 khâu đột phá của chiến lược đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tôi đề xuất xây dựng nền giáo dục nhân văn, thực học, thực nghiệp, hình thành và phát triển, phát huy giá trị bản thân ở người học nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển con người. Mục tiêu số 1 của giáo dục phổ thông là dạy và học được một số tri thức phổ thông để trở thành người và cơ sở ban đầu để làm người (nhân cách), chuẩn bị vào học nghề (trường nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học).
Tư tưởng cốt lõi của giáo dục nhân văn là hình thành được ở người học tình yêu con người, đánh giá đúng cả mình lẫn người, coi trọng năng lực thực của mình, nhà nước và xã hội trọng dụng con người, nhất là người tài. Nền giáo dục công nghệ là đào tạo người học có lương tâm nghề và tay nghề thành thạo. Cụ thể, cần củng cố và tăng cường xây dựng trường phổ thông dạy tri thức phổ thông, lao động, hướng nghiệp, làm quen với nghề. Thực học để thành người lao động có tay nghề, có năng lực sống thực, có giá trị và kỹ năng sống thực, lao động thực.
Trên cơ sở đó, chấn hưng giáo dục có 3 việc cấp thiết phải làm: Từ nay đến 2015 - 2020, mọi miền đất nước phải đủ trường lớp kiên cố với thiết bị dạy học tối thiểu, các cấp học đều học 2 buổi/ngày. Mau chóng có sách giáo khoa mới cho giáo dục phổ thông, trong đó sách khoa học tự nhiên như ở các nước tiên tiến, sách khoa học xã hội bảo đảm tính khoa học, đơn giản, thiết thực, dạy và học giá trị sống và kỹ năng sống. Chấn chỉnh, củng cố đội ngũ nhà giáo đang đứng lớp và quản lý có phẩm chất và tay nghề. Nếu không có 3 điều kiện này khó mà đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục thành công.
- TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật thành phố Hà Nội: Ưu tiên đầu tư về tiền của và nhân lực
Ngành giáo dục phải được ưu tiên đầu tư về tiền của và nhân lực nhưng quan trọng hơn cả là phải được đầu tư về công tác quản lý và chỉ đạo. Đặc biệt các cơ sở giáo dục - đào tạo phải được tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội về chất lượng đào tạo. Phải đoạn tuyệt hẳn với cơ chế quản lý bao cấp; cơ chế “xin cho”.
Tại sao tình trạng lạc hậu của giáo dục vẫn kéo dài? Phải chăng do vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu ngành giáo dục đã không thể hiện rõ? Trăm dâu chúng ta lại đổ đầu tằm “cơ chế”, thế là không truy trách nhiệm cho ai cả. Vậy cơ chế quản lý đặc thù cho giáo dục chính là cơ chế trao trách nhiệm cá nhân cho các nhạc trưởng, thuyền trưởng của giáo dục. Từ Trung ương đến cơ sở, lãnh đạo giáo dục phải được toàn quyền như những người đứng đầu các cơ sở kinh tế. Như vậy, có triết lý đúng, có đường lối giáo dục đúng chưa đủ mà còn phải có người được toàn quyền và chịu trách nhiệm về thực hiện nó.
Giáo dục cả nước cũng như các địa phương phải do chính người đứng đầu chỉ đạo và chịu trách nhiệm. Muốn đất nước mình, địa phương mình phát triển đến đâu thì phải tìm cách để giáo dục đáp ứng yêu cầu nhân lực đến đó. Và người đứng đầu phải được toàn quyền và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu phát triển giáo dục cho từng giai đoạn. Những người đứng đầu Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, các trường đại học, trường phổ thông chỉ là những người tham mưu nhưng họ cũng phải được giao quyền hạn và trách nhiệm. Cụ thể, sau thời hạn nhất định, nếu không làm thay đổi tình trạng giáo dục những cơ sở mình quản lý phải cử người khác thay thế. Có đầu tàu mạnh, rõ quyền hạn trách nhiệm, chắc chắn tốc độ phát triển giáo dục sẽ được thay đổi, đường lối và triết lý giáo dục không còn là đường lối, triết lý suông.
- TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập: Hy vọng vào những đổi mới lớn lao
Chúng tôi hy vọng những đổi mới lớn lao sẽ diễn ra trong giáo dục - đào tạo thời gian tới, chứ không chỉ đơn thuần là các thay đổi mang tính xử lý tình huống. Chúng tôi hy vọng nhận thức thay đổi ngay trong quá trình xây dựng đề án đổi mới giáo dục, để khi triển khai đề án là bắt đầu từ các chương trình hành động rất cụ thể. 4 giải pháp chúng tôi đề xuất cũng nhằm giải quyết một số khía cạnh trong các vấn đề then chốt.
Thứ nhất, đảm bảo định hướng XHCN, tức phổ cập giáo dục phổ thông; nhà nước đầu tư phát triển các ngành chuyên biệt và phát triển nhân tài, hỗ trợ sinh viên nghèo khó, tạo điều kiện để ai cũng có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục chất lượng cao.
Thứ hai, vận dụng quy luật kinh tế thị trường thông qua việc giải quyết bài toán đầu tư cho giáo dục - xem đầu tư đa thành phần như một lực lượng quan trọng trong đổi mới giáo dục: chất lượng giáo dục phải tương thích quốc tế, quy mô đào tạo của khu vực công lập được xác định bởi nguồn lực của Nhà nước và tạo cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục - đào tạo.
Thứ ba, bảo đảm hội nhập quốc tế về giáo dục: chuẩn về kiến trúc hệ thống, nội dung, phương pháp giảng dạy và khảo thí được quốc tế thừa nhận; đảm bảo trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh là bắt buộc), tin học; mở cửa thị trường giáo dục để hội nhập và thu hút đầu tư quốc tế.
Cuối cùng, không được quên công nghệ thông tin là giải pháp đột phá góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo: quản lý giáo dục - đào tạo; nội dung (sách giáo khoa, học liệu); phương pháp dạy và học, khảo thí.
Các giải pháp đó hướng tới mục tiêu chung là nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nhằm tạo ra lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu, làm bệ phóng đưa Việt Nam vượt ngưỡng thu nhập trung bình đến kinh tế tri thức - xã hội thông tin, sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới, thực hiện mục tiêu: dân giàu - nước mạnh - xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyên Thảo