Châu Á chạy đua tìm kiếm nhân tài nước ngoài

Các nước châu Á đang tăng tốc trong cuộc chạy đua tìm kiếm nhân tài nước ngoài với hàng loạt chính sách ưu đãi hấp dẫn được đưa ra như thu nhập cao, mức thuế hấp dẫn, thủ tục nhập cư đơn giản.

Trải thảm đỏ

Được mệnh danh là thỏi nam châm thu hút nhân tài, Chính phủ Singapore triển khai loại thị thực Thẻ thông hành dành cho người nước ngoài có chuyên môn (ONE Pass). Thông qua ONE Pass, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định mong muốn đánh thức tài năng hàng đầu ở khắp mọi nơi, khiến họ chú ý và suy nghĩ nghiêm túc về việc đến Singapore.

Theo đó, loại thị thực này được cấp cho những người có thu nhập ít nhất 33.000 SGD/tháng (22.380 USD). Những người có thị thực được ở lại Singapore ít nhất 5 năm và làm việc tại nhiều tổ chức. ONE Pass tương đối giống với chương trình Thẻ lao động mà Chính phủ Singapore đã ban hành trước đó, cho phép các công ty trong nước được tuyển dụng chuyên gia và công nhân lành nghề nước ngoài, với mức lương đủ tiêu chuẩn tối thiểu. Tuy nhiên, ONE Pass có hiệu lực trong 5 năm, dài hơn so với Thẻ lao động.

nguoilaodongsingapore-2568.jpg
Người lao động tại Singapore

Trong khi đó, tại Thái Lan, chính phủ đã triển khai thị thực Cư trú dài hạn từ tháng 9-2022 cho phép các chuyên gia toàn cầu ở lại nước này trong 10 năm. Với thị thực Cư trú dài hạn, Chính phủ Thái Lan hy vọng sẽ thu hút 1 triệu công dân nước ngoài có kỹ năng trong các lĩnh vực hàng đầu như xe điện, công nghệ sinh học và quốc phòng. Từ tháng 1-2023, Thái Lan còn cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 13 năm đối với các khoản đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến, chẳng hạn như công nghệ sinh học và công nghệ nano. Hiện tại, thời gian miễn thuế doanh nghiệp là 8 năm đối với các ngành được ưu đãi nhất. Còn Malaysia có chương trình Thị thực đặc biệt. Đơn đăng ký chương trình được triển khai vào năm ngoái, cho phép những người có thể đầu tư 1 triệu Ringgit (212.766 USD) và có thu nhập mỗi năm từ nước ngoài khoảng 100.000 USD có thể ở lại, làm việc tại Malaysia trong tối đa 20 năm.

Chiến lược quan trọng

Tờ South China Morning Post cho biết, Trung Quốc đang đứng sau Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore về khả năng cạnh tranh toàn cầu về mặt nhân tài. Nước này còn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế lớn khác trong việc giữ chân các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI). Do đó, việc tăng tốc trong cuộc chạy đua thu hút nhân tài nước ngoài trong các lĩnh vực trọng điểm như khoa học, công nghệ trở thành chiến lược quan trọng và lâu dài. Các nhà khoa học gốc Hoa nổi tiếng trên thế giới được mời về định cư; các nhà khoa học hàng đầu thế giới hàng năm được mời tới Trung Quốc để giảng dạy hoặc thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học. Thành phố Thượng Hải còn triển khai một số biện pháp, bao gồm thủ tục thông quan nhanh đối với thiết bị nghiên cứu, nhằm giúp các nhân tài cao cấp nhanh chóng ổn định, an cư lạc nghiệp.

Hàn Quốc cũng đang tăng cường nỗ lực thu hút nhiều công dân nước ngoài có trình độ học vấn cao, trong đó có việc thay đổi hệ thống thị thực đối với những người nước ngoài đã hoàn thành chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại nước này. Tính đến năm 2023, khoảng 8.000 nhân tài ở nước ngoài đã đăng ký tên trong cơ sở dữ liệu nhân tài quốc tế tại Hàn Quốc, tăng khoảng 2.000 người (30%) so với năm trước. Tuy nhiên, theo báo cáo “Triển vọng và chiến lược thu hút nhân tài trí tuệ nhân tạo Hàn - Mỹ - Trung” của Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI), số lượng nhân tài trong lĩnh vực AI của Hàn Quốc chỉ đứng thứ 22 trên toàn thế giới. Hàn Quốc đặt nền tảng cho chế độ tuyển dụng nhân tài không phân biệt quốc tịch vào các vị trí công bằng cách bãi bỏ giới hạn lương hàng năm đối với các lĩnh vực thiếu nhân tài. Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã khởi động Hệ thống cấp thị thực nhanh dành riêng cho những công dân nước ngoài có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ, hoặc có bằng cấp về khoa học và công nghệ thông tin tại Hàn Quốc đồng thời đảm bảo tư cách lưu trú cho những người này.

Dù Nhật Bản đã tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài hơn trong những năm gần đây, nhưng lực lượng này chỉ chiếm khoảng 1% trong số chuyên gia và lao động có kỹ năng cao, thấp hơn nhiều so với 23% ở Anh và 16% ở Mỹ. Trong bối cảnh chính phủ xác định AI và chất bán dẫn là những lĩnh vực, chính sách quan trọng để phát triển, Nhật Bản lên kế hoạch thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa nước này với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét và kiểm tra các vấn đề gồm đánh thuế, cân nhắc kế hoạch cho phép sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu thế giới ở lại Nhật Bản trong 2 năm để tìm việc làm, tăng đáng kể so với thời hạn 90 ngày hiện tại. Đây là một trong những đề xuất sửa đổi chính sách cư trú dành cho người nước ngoài trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách thu hút lao động có tay nghề cao đến làm việc tại nước này.

Tin cùng chuyên mục