Châu Âu muốn chấm dứt kỷ nguyên than đá

Rẻ nhưng rất bẩn, than đá đã trở thành thủ phạm gây ra những hậu quả môi trường nghiêm trọng. 
Turbin gió ở Kemi, Phần Lan
Turbin gió ở Kemi, Phần Lan
Đây cũng là là nguyên nhân khiến châu Âu muốn sớm chấm dứt kỷ nguyên than đá - loại nhiên liệu hóa thạch giúp châu Âu tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp trong suốt hai thế kỷ.
Sụt giảm nhu cầu sử dụng 
Thực tế đang cho thấy rằng, những nước châu Âu phụ thuộc vào than đá để phục hồi và phát triển kinh tế phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn tới nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng cao. Các chuyên gia môi trường đã lên tiếng chỉ trích những nước sản xuất than đá lớn như Ba Lan, Đức vẫn tiếp tục khai thác và đốt than trong các nhà máy nhiệt điện. Ô nhiễm không khí từ việc đốt cháy than đá gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người và đó cũng là lý do mà có một số nhà khoa học đã ví than đá là kẻ thù của loài người. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã yêu cầu chấm dứt trợ cấp tài chính cho ngành khai thác than đá. Dưới sức ép của dư luận, các ngân hàng, các nhà quản lý vốn, các hãng bảo hiểm và hãng công nghiệp đang từ bỏ dần lĩnh vực này.
Theo nhận định của giới chuyên gia, có lẽ cần vài chục năm nữa để tất cả các nước châu Âu hoàn toàn rời bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch này. Riêng CH Czech sẽ ngừng khai thác than đá vào giữa thế kỷ này (năm 2050), còn Ba Lan có lẽ là vào cuối thế kỷ (năm 2100).  
Châu Âu muốn chấm dứt kỷ nguyên than đá ảnh 1 Khai thác than tại Ba Lan
Bộ Công nghiệp của Czech cho biết, từ nay đến năm 2040, chỉ có Nhà máy nhiệt điện Ledvice còn hoạt động trong khu vực, theo pháp luật hiện hành và tuổi khấu hao của các nhà máy hiện có. Hiện nay, 48% sản lượng điện của Czech được sản xuất từ than. Đất nước không thể đột ngột ngừng sử dụng than vì điều đó gây ra sự ngưng trệ ngay lập tức và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hiện nay, Ủy ban châu Âu (EC) đang nghiên cứu nhiều dự án để hỗ trợ các khu vực chuyên khai thác mỏ sản xuất than, đặc biệt là các nước Đông Âu, trong việc chuyển đổi sang một nền kinh tế với lượng khí thải carbon thấp.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội châu Âu về than (Eurocoal) Vladimír Budinský, các mỏ than ở một số quốc gia như Pháp và Bỉ đã ngừng hoạt động từ những năm 1950 và 1960.  Ông nói thêm rằng, ngành công nghiệp than tôn trọng các mục tiêu châu Âu về khí hậu và năng lượng đồng thời khối này cũng mong muốn chuyển đổi lĩnh vực năng lượng dựa trên điều kiện đặc thù của mỗi nước. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Economist Intelligence Unit (Anh), nhu cầu sử dụng than đá đang sụt giảm nhanh chóng ở châu Âu. Theo ước tính của Tổ chức năng lượng quốc tế ( IEA), đến năm 2030, mức tiêu thụ than đá chỉ chiếm 12% tại lục địa này. 
Các giải pháp thay thế
Anh, Pháp, Phần Lan, Áo, Bồ Đào Nha là những quốc gia châu Âu tiên phong trong việc sớm loại bỏ than đá ra khỏi các chính sách phát triển năng lượng của quốc gia, cắt giảm đầu tư vào ngành công nghiệp than và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than. Trong số đó, Phần Lan là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Để có được vị trí này, Chính phủ Phần Lan đã tuyên bố kế hoạch ngưng sử dụng than đá trước năm 2030. Đây cũng là một phần trong mục tiêu đầy tham vọng, cắt giảm ít nhất 80% phát thải khí nhà kính trước năm 2050 của chính phủ nước này.
Hiện tại, Phần Lan chỉ duy trì 8% năng lượng từ than đá, hầu hết được nhập khẩu từ Nga. Còn lại, năng lượng tái tạo và hạt nhân lần lượt đóng góp 45% và 35%. Quốc gia đã hướng tới kế hoạch cho đến năm 2050, sản xuất năng lượng phi carbon với nhiều kế hoạch chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sinh học hoặc năng lượng tái tạo. Tại Anh, nước này đã thường xuyên đóng cửa nhà máy nhiệt điện chạy than và chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hoặc khai thác các trạm điện gió biển. Hiện nay, ngành năng lượng của nước Anh chỉ phụ thuộc vào than ở mức 9%.
Liên minh châu Âu (EU) đã  đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo từ 8,5% hiện nay lên 20% và giảm mạnh lượng khí thải.
Để đạt mục tiêu này, các nước EU áp dụng chế độ cấp hạn ngạch khí thải cho các ngành công nghiệp. Theo đó, đến năm 2020 tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đều phải mua giấy phép hạn ngạch khí thải trừ một số ngành như luyện kim, ximăng, hóa chất. Các tính toán gần đây cho thấy rằng, vào năm 2030 và 2036, xây dựng một nhà máy năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ có chi phí rẻ hơn giữ một mỏ than cũ. Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (EESC) đã công bố báo cáo nghiên cứu về các hệ quả của việc chuyển đổi năng lượng trong các khu vực hiện vẫn còn hoạt động khai thác than và vai trò của các biện pháp ủng hộ những khu vực này vì mục tiêu khí hậu và năng lượng chung của EU. Không chỉ thực hiện nghiên cứu, EC cũng đang bắt tay vào dự án “Gói năng lượng tham vọng” với cam kết hỗ trợ phù hợp cho các khu vực hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành khai thác than.
Trên thực tế, EC đã triển khai một số quỹ dành cho các vùng khó khăn như Quỹ điều chỉnh toàn cầu hoá châu Âu (EGF) - cung cấp hỗ trợ cho những người bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu với ngân sách hàng năm là 150 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020. Theo số liệu Eurocoal, đến năm 2015, có gần 8.000 lao động trong ngành công nghiệp than non tại CH Czech. Con số này là 9.500 tại Ba Lan, 10.600 ở Romania, 11.700 tại Bulgaria và gần 15.500 ở Đức. Ngoài ra, cũng trong giai đoạn này, Quỹ xã hội châu Âu (ESF) cũng sẽ dành ít nhất 1,1 tỷ EUR cho việc cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo cho các khu vực cần phải thích nghi với việc chuyển đổi kỹ năng và tạo việc làm mới trong các lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Sáng kiến của EC có thể sẽ không chỉ tập trung vào các khía cạnh xã hội và tài chính, mà còn đẩy mạnh nghiên cứu, sáng chế và phát triển công nghệ mới, trong đó có công nghệ sạch trong ngành than. 

Tin cùng chuyên mục