Châu Âu quyết chống gian lận thuế

Lách luật bằng chuyển giá
Châu Âu quyết chống gian lận thuế

Sự kiện Ủy ban châu Âu (EC) mở cuộc điều tra về nghi vấn trốn thuế nhằm vào 3 tập đoàn Apple, Starbucks và Fiat, cho thấy lục địa già không khoan nhượng trong cuộc chiến chống thất thoát thuế khởi xướng từ năm ngoái.

Starbucks, Fiat và Apple đang nằm trong “tầm ngắm” của EU.

Starbucks, Fiat và Apple đang nằm trong “tầm ngắm” của EU.

Lách luật bằng chuyển giá

Quyết định trên được đưa ra sau khi EC và hai nước Ireland, Hà Lan làm việc với nhau. Theo đó, Apple, Starbucks, Fiat bị tình nghi dùng thủ thuật chuyển giá để giảm mức lợi nhuận tại các nước có thuế suất cao.

Cuộc điều tra của EU là phần mở rộng của cuộc điều tra hồi năm ngoái do Thượng viện Mỹ tiến hành, trong đó tiết lộ Apple đã trốn hàng triệu USD thuế bằng cách sử dụng công ty con đăng ký tại Cork (Ireland), nhưng thực tế không hoạt động tại đây mà chỉ làm bình phong che giấu lợi nhuận thật. Cách thức trốn thuế là Apple đã chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho chi nhánh ở những quốc gia có thuế suất thấp, đặc biệt là Ireland, giúp tiết kiệm hàng chục triệu USD thuế.

Trong đó, chi nhánh Apple Operations International (AOI) tại Ireland có vai trò đáng kể nhất trong hoạt động trốn thuế của Apple. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2012, AOI có doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tuy nhiên lại không hề khai báo thuế ở Ireland, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác.

Starbucks trước đó cũng trở thành trung tâm của bê bối trốn thuế khi các nhà điều tra Anh phát hiện ra cách thức trốn thuế tinh vi. Năm 2012, dưới sức ép của dư luận, Starbucks đã phải nộp cho chính quyền Anh 20 triệu USD trốn thuế trong 15 năm hoạt động kinh doanh tại quốc gia này mà không đóng cho chính phủ một xu nào.

Cách thức chính quyền Ireland, Hà Lan và Luxembourg áp dụng luật thuế thấp hơn so với các nước trong khối EU được cho là kẽ hở để các tập đoàn đa quốc gia dễ dàng chuyển giá, vi phạm quy định của EC.

Tổ chức Oxfam cho biết tình trạng trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia khiến EU thất thu tới 1.000 tỷ EUR/năm. Theo các nhà phân tích, việc EU mở chiến dịch chống trốn thuế là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh liên minh này đang gặp khó khăn về tài chính. Hơn thế, điều hiển nhiên qua việc thất thu thuế còn khiến sự bất tín nhiệm của chính phủ gia tăng, sự chia rẽ trong xã hội thêm sâu sắc và cuối cùng là nhiệm vụ khắc phục khủng hoảng kinh tế càng khó thực hiện.

Sáp nhập để trốn thuế

Ngoài hình thức chuyển giá thì xu hướng trốn thuế hiện nay đang nghiêng về chiêu thức mới là sáp nhập xuyên biên giới. Câu chuyện General Electric (Mỹ) muốn mua lại Tập đoàn Alstom của Pháp với mức giá đề nghị 14 tỷ USD, trong khi đại gia dược phẩm Pfizer (Mỹ) theo đuổi một thỏa thuận với AstraZeneca của Anh trị giá hơn 100 tỷ USD, khiến dư luận nghi vấn về ý đồ lách luật để trốn thuế.

Theo ông Robert Pozen, cựu Chủ tịch Công ty Quản lý đầu tư MFS, thuế là yếu tố quan trọng thúc đẩy các tập đoàn của Mỹ mở rộng làm ăn tại nước ngoài. Sáp nhập là cách thức để các tập đoàn này trốn tránh các khoản thuế họ phải nộp. Chiêu thức này dựa trên quy định của luật pháp Mỹ, theo đó đánh thuế thu nhập của các công ty dựa trên tổng mức thu nhập từ các hoạt động trong và ngoài lãnh thổ với tỷ lệ lên tới 35% - một trong những mức thuế cao nhất thế giới. Tuy nhiên, các khoản thu nhập ở nước ngoài chỉ bị đánh thuế khi được công ty đưa về đầu tư cho các cơ sở trong nước. Mỹ hiện là một trong số ít các nước trên thế giới có quy định hà khắc về thuế thu nhập công ty.

Đây là lý do khiến các tập đoàn tìm cách lách luật và đẩy mạnh hoạt động đầu tư ở nước ngoài để trốn thuế một cách hợp pháp. Và vì thế, thay vì mang tiền về cho nền kinh tế trong nước, các công ty lại mở rộng mạng lưới hoạt động ở nước ngoài. Theo số liệu của Audit Analytics, hiện tổng vốn đầu tư ở nước ngoài của các công ty Mỹ lên tới con số khổng lồ hơn 2.000 tỷ USD. Trong đó, General Motor có tổng tài sản ở nước ngoài 57 tỷ USD.

Với mức thuế thu nhập thấp hơn nhiều, châu Âu được coi là thiên đường cho các nhà đầu tư Mỹ muốn trốn thuế một cách hợp pháp. Ian Read, Giám đốc điều hành Pfizer, thừa nhận thuế là một vấn đề quan trọng trong thương vụ sáp nhập với AstraZeneca. Theo ông Read, thuế của Pfizer-AstraZeneca sẽ được tính tại Anh trong khi trụ sở chính vẫn đặt tại Mỹ.

Năm ngoái, cuộc chiến chống trốn thuế bước sang trang mới khi 47 quốc gia (bao gồm cả những nước thuộc EU và một số “thiên đường thuế”) nhất trí thông qua quy định về chia sẻ thông tin. Theo quy định mới, mỗi năm một lần, các nước sẽ phải tự động trao đổi thông tin, bao gồm bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, thu nhập từ lãi suất, cổ tức… Chất xúc tác cho thỏa thuận chia sẻ thông tin, hay còn được gọi thỏa thuận minh bạch nguồn gửi, là đạo luật FATCA của Mỹ. Được thông qua năm 2010, đạo luật này đưa ra các hình phạt nặng nề cho những công ty tài chính nước ngoài để lọt lưới các khách hàng Mỹ trốn thuế. Khi Mỹ bắt đầu có động thái, các nước lớn khác cũng đồng ý làm tương tự.

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục