Chạy đua vũ trang “ảo”

Những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Snowden về hệ thống gián điệp tinh vi của Mỹ, Anh hay Pháp cho thấy các nước lớn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho những cuộc chiến tranh trên mạng và đã tự trang bị những vũ khí “ảo” rất lợi hại.

Theo bài báo mang tựa đề “Chiến tranh trên mạng - Trọng tâm mới của quân đội”, ấn bản trên mạng của tờ Le Monde (Pháp) trích lại báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, những vụ tấn công trên mạng có liên quan đến một nhà nước hay một bộ phận then chốt nào đó của một quốc gia không hơn không kém là một “chiến dịch quân sự”. Chiến dịch đó được mở ra để “cản đường quân thù sử dụng không gian mạng và vũ khí trong một cuộc xung đột và bao gồm cả những khái niệm như là tấn công, phòng thủ trên mạng”.

Theo một báo cáo của Thượng viện Pháp, có 3 mục tiêu phổ biến trong chiến tranh mạng. Một là, cản trở thông tin hoặc tấn công làm một hệ thống mạng không thể hoạt động được từng phần hoặc toàn phần. Hai là, tin tặc len lỏi vào hệ thống mạng để tìm kiếm thông tin, dữ liệu mật chứa trong đó. Cuối cùng, xâm nhập vào hệ thống máy tính để sửa đổi, phát tán thông tin theo nhu cầu về chính trị, ngoại giao.

Jarno Limnell, chuyên gia về chiến lược quốc phòng của Phần Lan, cho rằng điều quan trọng hơn cả trong các cuộc xung đột sắp tới đây là các “vũ khí ảo” ngày càng chiếm một vai trò then chốt. Thay vì dội bom vào một địa điểm nào đó trên chiến trường, người ta cũng có thể mở một chiến dịch “oanh tạc trên mạng” để vô hiệu hóa đối phương. Vũ khí “ảo” thường là những phần mềm có sức công phá rất lớn và nạn nhân phải mất thời gian mới phát hiện mình đang trở thành mục tiêu tấn công.

Ví dụ như 2 loại virus Stuxnet và Flame được Mỹ và Israel phát triển để phá hoại mạng máy tính các cơ sở hạt nhân của Iran. Cả 2 loại này được sử dụng để “âm thầm thu thập thông tin”. Flame còn có chức năng đặc biệt là sau khi hoàn thành nhiệm vụ, có thể tự hủy. Chương trình hạt nhân của Tehran, qua đó bị đình trệ trong nhiều năm. Chính vì vậy mà giới điều tra cho rằng loại virus này đã hoạt động trong vòng 2 năm mà không một ai hay biết.

Có thể nói, thế giới đang lao vào một cuộc chạy đua vũ trang trên mạng và khái niệm “tấn công trên mạng” đã buộc các nhà chiến lược phải xem xét lại về 2 khái niệm quan trọng khác là “chiến tranh” và “hòa bình”. Chuyên gia quân sự Michel Baud thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp cho rằng khái niệm chiến tranh trên mạng hiện còn rất mù mờ. Cụm từ đó có thể được dùng để chỉ một cuộc “xung đột đối xứng”, chẳng hạn như giữa hai quốc gia, nhưng đấy cũng có thể là một cuộc chiến “bất đối xứng” như là trường hợp xảy ra giữa 1 quốc gia với 1 tác nhân không phải là 1 nhà nước.

Cũng chính vì không 1 quốc gia nào biết được những địch thủ tiềm tàng của mình nên các nước có phương tiện đều lao vào một cuộc chạy đua vũ trang “ảo”. Quân đội Mỹ đang chuẩn bị tăng quân số cho chiến tranh trên mạng lên gấp 5 lần so với hiện tại. Trung Quốc có đội ngũ “lính mạng” lên đến 20.000 người và những cơ quan tình báo, trung tâm nghiên cứu về tin học của các nước khác, số này không biết lên tới bao nhiêu.

VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục