“Chạy” trường, do đâu?

Giá bao nhiêu?
“Chạy” trường, do đâu?

Thực tế cho thấy nhu cầu tìm chỗ học tốt hay còn gọi là “chạy” trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân và áp lực “chạy” trường bằng nhiều cách đang gây quá tải ở những trường được gắn mác “hàng hiệu” và “lệ phí” bôi trơn cũng bị đẩy lên cao. Phải chăng hiện tượng chạy trường đang tạo sự mất công bằng trong giáo dục và phụ huynh giàu có sẽ tìm được chỗ học tốt nhất cho con mình?

Vì sao phải học trái tuyến?

Không ít phụ huynh muốn con vào học đầu cấp từ tiểu học đến THCS ở những ngôi trường tốt, trường điểm đã dùng nhiều cách từ lợi dụng mối quan hệ, đến chuyển hộ khẩu và chấp nhận trả chi phí cao hàng chục triệu đồng. Một nghiên cứu từ đề tài khoa học  “Xu hướng chọn trường tiểu học của phụ huynh TPHCM” do một nhóm sinh viên Khoa Xã hội học - Công tác xã hội Trường ĐH Mở TPHCM thực hiện cách đây 3 năm cho thấy, bức tranh “chạy” trường khá rõ nét. Khảo sát trên 150 phụ huynh có con đang học tiểu học ở quận 3, Tân Bình và huyện Hóc Môn cho thấy, nhu cầu cho con học trái tuyến khá đa dạng, trong đó gần một nửa cho rằng họ chú trọng danh tiếng của trường, chất lượng giảng dạy của giáo viên. Một số khác thì nói rằng trường đúng tuyến chất lượng không tốt hoặc không xin vào được trường đúng tuyến và muốn con học gần nơi làm việc để thuận tiện đưa đón... Và để con mình được học trái tuyến ở những ngôi trường được nhắm đến, 54,4% phụ huynh thừa nhận có mối quen biết, nhờ người quen “chạy” trường cho con. Đáng lưu ý là cứ 10 phụ huynh được hỏi, có 1 người tiết lộ “phải trả lệ phí cao để được nhận hồ sơ” chạy trường cho con.

Môi trường học đúng khả năng sẽ giúp các em tránh bị áp lực không đáng có từ phụ huynh

Về cách thức “chạy”, trả lời nhóm nghiên cứu, phụ huynh cho biết như sau, đầu tiên phụ huynh xác định trường sẽ “chạy” cho con, sau đó bằng mọi giá phải chuyển hộ khẩu (hoặc tạm trú) về địa bàn trường đóng càng sớm càng tốt. Với một số phụ huynh khác thì cậy người uy tín giới thiệu với ban giám hiệu nhà trường để đặt vấn đề hoặc chuẩn bị tiền… Số tiền bao nhiêu thì họ không thể bật mí vì tùy thương hiệu, đẳng cấp sẽ có giá khác nhau. Có thể nói hiện tượng “chạy” trường đã không còn xa lạ với phụ huynh và có 64,9% cho rằng đó là việc... bình thường, còn lại không đồng tình.Kết quả khảo sát cũng chỉ ra yếu tố nghề nghiệp của phụ huynh  ảnh hưởng việc chọn trường cho con học. Trong khi nhóm phụ huynh làm công nhân, lao động tự do có thu nhập thấp thường chọn trường công lập, đúng tuyến thì những phụ huynh làm việc ở những ngành nghề bậc cao, kinh doanh, buôn bán... thường nhắm đến trường điểm trái tuyến cho con vào học.

Giá bao nhiêu?

Việc chọn trường tốt, có môi trường giáo dục đạt chuẩn để con em mình được phát triển tốt là nhu cầu chính đáng. Thế nhưng, bên cạnh những nhu cầu được gọi là chính đáng có bao nhiêu chưa thật chính đáng? Đã trở thành điểm “nóng”, những trường được gắn mác xịn, trường điểm lại không nhiều, chỗ học không gia tăng, trong khi nhu cầu ngày một tăng khiến cánh cửa này luôn hẹp, khó chen chân. Chính vì thế, để giành được một chỗ học, phụ huynh phải ngoại giao, tìm cách “chạy” bằng nhiều chiêu. Một phụ huynh ở thủ đô Hà Nội có con chuẩn bị vào mẫu giáo băn khoăn: “Nghe người ta đồn đoán muốn vào trường mẫu giáo “xịn” ở quận Ba Đình hết cả ngàn USD tôi thấy sợ quá. Thế vào lớp 1 và học lên lớp cao hơn thì tốn mấy ngàn USD?”. Vì lo cho tương lai con em mình, nhiều gia đình sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng chạy chỗ học mầm non mới nhú. Thế nhưng, sự thực đến đâu và chi phí mua chỗ học là bao nhiêu không ai thống kê được.

Hiệu trưởng một trường THCS có tên tuổi ở một quận trung tâm thừa nhận nỗi khổ làm quản lý ở ngôi trường được gắn mác “hàng hiệu”. Chưa đến năm học mới mà đơn xin xét tuyển trái tuyến, điện thoại gửi gắm… đã lên con số cả trăm và ông “chỉ muốn trốn vì không có thời gian tiếp, giải thích hay từ chối”. Mặc dù các quận có trường nhóm “nóng” đã lập ban chỉ đạo tuyển sinh và thực thi nguyên tắc “không giải quyết những trường hợp học trái tuyến”, nhưng như một vị lãnh đạo phòng giáo dục than thở: “Cứ chuẩn bị năm học mới là đau đầu với việc giải quyết đơn xin học ngoài tuyến”. Ở những địa bàn quận trung tâm nên số cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương đóng rất nhiều và ai cũng có lý do chính đáng phải đưa đón con gần nơi làm việc và giải quyết sao cho hợp lý hợp tình không dễ? Tuy nhiên, nếu việc “chạy” trường vì lý do nào đó phải “bôi trơn”, phải trả chi phí cao sẽ dẫn đến tiền lệ không tốt và chưa kể những đứa trẻ được “lót thảm đỏ” này sẽ tự khoác cho mình “hào quang” tự đắc từ nhỏ là cha mẹ mình có uy quyền, có tiền nên muốn học chỗ nào cũng được.

Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, để tạo sự công bằng trong giáo dục và rút ngắn khoảng cách trường giàu, trường nghèo, trường điểm, thì thành phố phải đầu tư trường lớp đạt chuẩn tối thiểu, nâng cao chất lượng giáo dục và tạo môi trường học thân thiện, tốt nhất cho học sinh. Tuy thành phố ngày càng có thêm nhiều trường công lập được xây mới, được công nhận trường đạt chuẩn chất lượng và chuẩn quốc gia nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về chỗ học đầu cấp cho học sinh. Vì thế, tâm lý sính trường điểm, trường “xịn” vẫn tồn tại và chưa có xu hướng giảm. Ở những đô thị lớn, một số phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt đã chọn cho con học trường quốc tế hoặc tư thục có uy tín, có môi trường giáo dục linh hoạt, phát triển học sinh theo năng lực cá thể. Nhờ vậy áp lực chạy trường cũng giảm phần nào. Chị Thanh Vân có con đang học tiểu học trần tình rằng, quá ngán ngẩm cảnh “chạy” trường, tìm chỗ học tốt cho con ở trường công lập, gia đình chị đã chọn trường dân lập quốc tế cho con học và cảm thấy hài lòng với quyết định này.

Như vậy, để trường công tốt có thương hiệu không trở thành điểm “nóng” phải chen chân, phải chạy chọt mới có chỗ học thì nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện, hỗ trợ về quỹ đất, thuế cho những trường mầm non, trung học tư thục phát triển bền vững.*

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục