Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phải chi phí tới trên 10 triệu đồng/ca do bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm.
Ngoài chi phí về điều trị trong trường hợp người bệnh không có thẻ BHYT thì người mắc SXH còn phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ làm để chăm sóc người bệnh.
Gánh nặng kinh tế, xã hội, người dân phải chịu không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Nghiên cứu của Bộ Y tế ở một số bệnh viện đã chỉ ra, trung bình mỗi người bị SXH sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân cũng phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày.
Cùng với đó, do số người mắc SXH tăng cao như hiện nay, khiến cho nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, làm tăng gánh nặng cho công tác điều trị, gây áp lực lớn cho y, bác sĩ.
Dịch SXH bùng phát mạnh cũng đã khiến quỹ BHYT phải dành một khoản chi phí không nhỏ cho các bệnh nhân SXH.
Theo Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ từ tháng 5 đến đầu tháng 8-2017, cả nước đã có 93.126 lượt bệnh nhân SXH được thanh toán khám chữa bệnh BHYT với số tổng số tiền trên 82,2 tỷ đồng.
Riêng tháng 7 vừa qua, dịch SXH bùng phát mạnh nhất với 38.967 lượt bệnh nhân nhập viện, khiến chi trả từ BHYT cũng tăng tới hơn 36,9 tỷ đồng. Trong đó, riêng Hà Nội là địa phương có số người mắc SXH cao nhất cả nước với gần 20.000 ca, quỹ BHYT đã chi trả số tiền gần 30 tỷ đồng cho việc điều trị.