Đáng chú ý là tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm từ mức 64,9% năm 2017 xuống mức 64,1% năm 2018 (mục tiêu đến năm 2020 dưới 64%).
Xét về số tuyệt đối, chi thường xuyên năm 2017 là 896.280 tỷ đồng (trong tổng chi là 1.390.480 tỷ đồng) và chi thường xuyên năm 2018 là 976.371 tỷ đồng.
Như vậy, dù tỷ lệ chi thường xuyên giảm 8% nhưng số tuyệt đối lại tăng lên khoảng 80.000 tỷ đồng.
Trước đó, bản tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các ĐBQH đã đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh cơ chế khoán, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN.
Để phù hợp với mục tiêu kiểm soát bội chi giai đoạn 2016-2020, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm quốc gia 2018-2020, trong đó bội chi các năm sẽ giảm dần: năm 2018 là 3,7% GDP, năm 2019 là 3,6% và 2020 là 3,4%, bình quân 5 năm bội chi khoảng 3,9%GDP.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù trong kế hoạch ngân sách trung hạn Chính phủ đã kiên quyết phấn đấu bảo đảm thực hiện các mục tiêu về bội chi NSNN theo các nghị quyết của Quốc hội, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong điều hành cần tiếp tục triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý thu, chi chặt chẽ và kiên trì phấn đấu giảm mạnh hơn bội chi NSNN khi điều kiện kinh tế thuận lợi.
Và, để bảo đảm bội chi NSNN năm 2018 là 3,7% GDP theo phương án Chính phủ trình, bảo đảm tính khả thi về tiến độ giải ngân vốn, tránh lãng phí nguồn lực đi vay, phải trả lãi cho số vốn chưa giải ngân đã huy động, các công trình, dự án chậm phát huy được tác dụng, tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018 không quá 50.000 tỷ đồng, bao gồm cả số chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ sang năm 2018 (nếu có) để đầu tư cho các công trình, dự án đủ thủ tục đầu tư theo quy định.