Chia lửa cùng thành phố- Bài 3: Công - tư đồng lòng

Việc hệ thống y tế tư nhân tham gia vào công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 một lần nữa cho thấy sự chung sức, đồng lòng của toàn bộ hệ thống y tế TPHCM trong thời điểm khó khăn. Chưa bao giờ khẩu hiệu: “Tất cả vì người bệnh - Tất cả vì sức khỏe nhân dân”, lại có ý nghĩa như lúc này. 
Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức cắt tóc trước khi vào "điểm nóng". Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức cắt tóc trước khi vào "điểm nóng". Ảnh: HOÀNG HÙNG

 Trách nhiệm ra tuyến đầu

Bệnh viện (BV) Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ) là BV tư nhân đầu tiên tại TPHCM tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. TS-BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc BV Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, cho biết, chỉ trong một tuần, đơn vị này đã gấp rút chuyển đổi công năng, tập trung mọi nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế để BV điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ sớm đi vào hoạt động, đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc, chữa trị của người dân trong bối cảnh dịch bệnh tăng cao. 

Trong giai đoạn đầu, BV đưa vào hoạt động 100 giường (trong đó có 10 giường hồi sức cấp cứu) bố trí tại tầng 2, 3, 4 của tòa nhà và nâng tổng số lên 200 giường (trong đó có 20 giường hồi sức cấp cứu) vào giai đoạn 2. BV tiếp nhận điều trị cho người bệnh mắc Covid-19 ở tầng thứ 3 theo mô hình tháp 5 tầng trong điều trị Covid-19 của thành phố

Tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM mở rộng đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 12 của Thành ủy TPHCM diễn ra hôm 31-7, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ thành phố, trong đó đã hỗ trợ số lượng lớn trang thiết bị y tế, trực tiếp cùng tham gia phòng chống dịch.

Để đáp ứng nhu cầu điều trị, BV Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ đã đầu tư lắp đặt một bình oxy lỏng với dung tích 6.000 lít, 100 giường bệnh được trang bị thiết bị y tế đầy đủ, 2 giường hồi sức nguy kịch đặt trong phòng áp lực âm, ngăn vách bên ngoài với 2 lớp kính, thuốc men vật tư y tế được hoàn thành đúng kế hoạch. Về nhân lực, Hoàn Mỹ triển khai chương trình tình nguyện giúp kêu gọi lực lượng hơn 3.000 y bác sĩ tại 15 BV và 6 phòng khám trong cùng hệ thống Hoàn Mỹ, nhằm đảm bảo cho hoạt động điều trị người mắc Covid-19.

Tương tự, dù là một BV còn khá non trẻ khi ra đời chưa lâu, nhưng BV Đa khoa Nam Sài Gòn là một trong những cái tên đầu tiên đăng ký tham gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Ông Đặng Văn Thanh, Tổng Giám đốc BV Đa khoa Nam Sài Gòn, cho biết, BV này có quy mô hơn 100 giường với khoảng 150 bác sĩ, điều dưỡng. Sau khi được Sở Y tế chấp thuận, BV sẽ dừng mọi hoạt động của BV, tập trung vào điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Và chỉ sau 3 ngày tiếp nhận, đến nay, toàn bộ 100 giường bệnh của BV này đã kín chỗ. “Dù chưa biết các chế độ chính sách của Nhà nước về việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 như thế nào, nhưng chúng tôi cũng xác định rằng, dù “lỗ” cũng phải làm bởi đây là lúc người dân thành phố cần chúng tôi”, ông Đặng Văn Thanh cho hay. 

Không đưa toàn bộ giường bệnh và nhân lực vào hoạt động phòng, chống dịch, nhưng BV FV cũng tham gia vào chiến dịch tiêm chủng vaccine và đã sẵn sàng “tách đôi BV” để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành BV FV, khẳng định, với nhân lực hiện có, BV có thể tổ chức tiêm đến 10.000 mũi vaccine trong một ngày tại BV và các điểm tiêm di động. Ngoài ra, BV có khoảng 80 giường điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 11 giường bệnh để điều trị bệnh nhân cần điều trị đặc biệt. Khoa Cấp cứu của BV cũng hoạt động theo mô hình “tách đôi BV” để tiếp nhận song song cả bệnh nhân mắc Covid-19 và bệnh nhân khác. “Nếu thành phố có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng mở rộng quy mô”, bà Phạm Thị Thanh Mai cho hay. 

Đồng lòng, hỗ trợ

Theo TS-BS Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc BV Đa khoa Xuyên Á, đơn vị đã xây dựng một BV dã chiến tách rời hẳn với hệ thống điều trị hiện hữu và đội ngũ y bác sĩ nơi đây rất tự tin khi bước vào cuộc chiến mới. 

Liên quan đến chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, bác sĩ Nguyễn Phú Định, Giám đốc chuyên môn hệ thống BV đa khoa Xuyên Á, cho biết, thời điểm này, sinh mạng của người bệnh là quan trọng nhất, không thể chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước mà chậm trễ. Do đó, trước mắt, BV đã tự bỏ gần 3 tỷ đồng để xây dựng khu điều trị Covid-19 dã chiến, còn nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ điều trị, BV cũng chủ động mua sắm hoặc điều phối từ kho vật tư hiện có. Sáng 6-8, khu điều trị dã chiến hoàn thành công tác xây dựng (vượt thời gian 4 ngày), chiều cùng ngày, đã tiếp nhận 66 người bệnh, đa số có bệnh nền theo quy định điều trị và chăm sóc ở tầng 3 của Sở Y tế TPHCM. Tất cả các công tác tiếp nhận người bệnh được thực hiện nhanh chóng, an toàn và bảo đảm để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh chu đáo. 

Lường trước cuộc chiến với dịch Covid-19 sẽ rất khốc liệt, Ban Giám đốc BV Đa khoa Nam Sài Gòn đã phải nhờ vào sự hỗ trợ chuyên môn từ Sở Y tế và các BV tuyến trên. Sau khi đề xuất, Sở Y tế đã cử cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đến BV Đa khoa Nam Sài Gòn tập huấn về chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ nơi đây, đồng thời thiết lập quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn một chiều trong lưu thông, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Sau đó, các y bác sĩ của BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược thành phố cũng thay phiên nhau hướng dẫn, giám sát chuyên môn trong quá trình điều trị, chẩn đoán, xử lý các ca bệnh nặng. “Hiện đã có một số bác sĩ hồi sức cấp cứu từ BV Chợ Rẫy và BV Đại học Y Dược chi viện cho chúng tôi, điều này giúp chúng tôi tự tin hơn và từ đây đội ngũ y bác sĩ của chúng tôi cũng được nâng cao hơn về trình độ chuyên môn trong điều trị bệnh nhân Covid-19”, ông Đặng Văn Thanh cho biết.

Còn tại BV Quốc tế City, một trung tâm hồi sức tích cực, cũng đã được thiết lập với sự phối hợp giữa BV Quốc tế City và BV Đại học Y Dược TPHCM. Có sẵn cơ sở vật chất khang trang, thoáng mát, BV Quốc tế City đã  giao toàn bộ tầng 5, 6, 7 trong khối nhà chính của BV để trưng dụng thành Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, nơi chuyên tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch. 

Bà Đào Bích Thúy, đại diện BV Quốc tế City cho biết, đơn vị này rất vinh hạnh khi được đồng hành với đội ngũ y bác sĩ BV Đại học Y Dược tham gia chống dịch theo lời kêu gọi của Bộ Y tế và UBND TPHCM. Theo đó, Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh mắc Covid-19 đang được hoàn thiện cấp tốc và hiện tầng 5 đã đưa vào hoạt động với quy mô 50 giường bệnh. Hàng chục trang thiết bị y tế hiện đại cũng đã được vận chuyển tới đây. Đặc biệt, BV Quốc tế City đã bố trí có lối đi và tách biệt hệ thống thông khí của lầu 5, 6, 7 với hệ thống khí của tòa nhà. Lối đi được dựng vách ngăn kín tới trần và thực hiện khử khuẩn mỗi ngày, đảm bảo an toàn cho tất cả nhân viên, bệnh nhân ngoại trú và bệnh nhân điều trị nội trú”.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đánh giá, việc tham gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 của các BV tư nhân sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống y tế công lập. Sở Y tế thành phố sẵn sàng tiếp nhận đăng ký từ các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn và sẽ hướng dẫn quy trình, chuyên môn cũng như trợ giúp về nhân sự nếu các cơ sở tư nhân yêu cầu.

Dịch Covid-19 tại thành phố diễn biến phức tạp, gây quá tải cho hệ thống y tế công. Trước thực tế này, các cấp ủy, chính quyền tại thành phố đã nỗ lực kêu gọi, vận động và quy tụ được nguồn lực y tế tư nhân trên địa bàn tham gia chống dịch. Đây cũng là sự nỗ lực của hệ thống chính trị thành phố trong việc huy động nguồn lực của xã hội nói riêng, nguồn lực y tế nói chung phòng chống dịch.

Ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1, nhận định: “Đội ngũ y, bác sĩ của BV, trung tâm y tế quận mỏng và thiếu, trong khi khối lượng công việc nhiều. Sự tham gia góp sức của lực lượng y tế tư nhân vô cùng quan trọng, nhất là trong giai đoạn quyết định nâng cao công tác điều trị các bệnh nhân F1, F0, giúp hạn chế nguy cơ tử vong”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Chủ tịch UBND quận 10, cho rằng: “Lực lượng y tế tư nhân tham gia hoạt động phòng chống dịch ở quận khá hiệu quả, giúp giải quyết một phần sự thiếu hụt nhân lực chuyên môn của lực lượng y tế địa phương”.

Tin cùng chuyên mục