Một chiếc thạp đồng chưa từng thấy ở bất cứ bảo tàng, sách vở nào về Việt Nam xưa nay, đang lưu lạc ở Bangkok, Thái Lan.
Rực rỡ
Bước vào phòng tranh 333 Thái - Việt ở số 16 đường Surasak, Bangrak, Bangkok, Thái Lan, tôi thấy một chiếc thạp đồng được đặt trang trọng bên pho tượng phật gỗ Óc Eo cùng những bức tranh của các họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương. Thạp được đặt trên bệ cao ngang người, bệ gỗ xoay tròn được nên tôi không phải lom khom hoặc ngồi xổm di chuyển vòng quanh mà xem như ở nhiều bảo tàng. Và đặc biệt nhất là không có lớp kính che chắn, cũng chẳng có dòng chữ lạnh lùng: “Cấm sờ vào hiện vật”, nên tôi lập tức vuốt ve, xăm xoi, gõ, đo, cân chiếc thạp cả giờ mà không biết chán.
Ông Nguyễn Xuân Quang, nhà nghiên cứu: Những thạp lớn được dùng làm quan tài chôn xác người ngay từ đầu hoặc chôn xương sau khi hỏa táng. Thạp cỡ trung và nhỏ dùng đựng các phần thân thể quan trọng như đầu, tro than và các phần thân thể không cháy hết như răng, xương. Các thạp trung và nhỏ cũng có thể dùng làm vật đựng tế lễ, vật dâng cúng hay dùng làm vật tùy táng để làm tài vật cho người chết. Thạp đồng không có nắp có thể dùng làm một vật gõ như cồng. |
Thạp có miệng loe, thuôn tròn từ đáy lên miệng, thân nở, đáy bằng, miệng bằng. Các phần trên thạp và những băng hoa văn trang trí của vai, thân và chân được ngăn cách bằng 4 đường chỉ đúc nổi. Dưới vai thạp là 4 chiếc quai dọc hình bán khuyên, đối xứng. Hoa văn trang trí trên thân thạp được khắc trên những băng chính và phụ. Vai thạp là 14 động vật gồm: voi, hổ, cá chép, ngựa, chó, chim đậu, dê, gà trống, chim phượng đang bay, nai, voi, gà lôi, chim bay, nai. Tất cả đều trong tư thế động với chiều ngược kim đồng hồ. Có những cặp xung khắc nhau như chó - gà, mèo - cá, hổ - nai... Đây là yếu tố đặc biệt, chi phối toàn bộ nghệ thuật tạo hình của người Việt cổ khi diễn tả trên các băng tròn.
Thân thạp là băng hoa văn lớn với những cảnh trang trí vô cùng sinh động, gồm: 1 người cầm cờ hội, người cầm đao và một đoạn tre, người cầm cung tên, người đang nhảy, người đấu vật... Những phân cảnh người cầm vũ khí hoặc đang đấu vật thể hiện tinh thần thượng võ cũng như ý thức chống xâm lăng thường trực trong tâm thức của người Việt cổ. Ngắm dải hoa văn này, chúng ta thấy toát lên tinh thần của nghệ sĩ dân gian là yêu mến, ngợi ca cảnh thanh bình của làng quê, đất nước nhưng cũng luôn nhắn nhủ mọi người đề cao tinh thần cảnh giác để luôn rèn luyện sức khỏe, luyện tập võ nghệ để sẵn sàng chiến đấu chống giặc.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tấm tắc: “Có thể thấy tính cách và tâm thức Việt được thể hiện đầy đủ trên tác phẩm hội họa. Giải pháp mỹ thuật trong phân cảnh cũng thật tài tình mà tôi chưa từng gặp trên bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào của thời Đại Việt”(1).
Chân thạp là băng hoa văn hẹp với 52 lá đa đan nhau 1 to, 1 nhỏ. Thạp cao 40cm, đường kính miệng 28cm, đường kính đáy 26cm, đường kính thân nơi rộng nhất là 36cm, nặng 19kg. Thạp không có nắp. Ngoại trừ vài vết nứt nhỏ trên miệng thì chiếc thạp gần như toàn hảo. Toàn thân thạp lên nước patin đồng xanh ngọc, chân bốn tai lên nước patin sắt đen xỉn. Về lớp gỉ đồng, bà Julian Freeman - nhà nghiên cứu cổ ngoạn người Mỹ, lý giải, lớp gỉ đồng trên hoa văn khác với gỉ đồng trên thân thạp là do các khả năng sau: “Hoa văn được khắc sau khi đúc một thời gian. Hoa văn được khắc ngay sau khi đúc nhưng do áp lực lên kim loại, góc sáng nên lớp gỉ trông có vẻ khác”.
Với kiểu dáng, qua hình thuôn của thân và những đường gân nổi cùng những chiếc quai dọc hình bán khuyên đối xứng. Hoa văn trang trí theo bố cục băng dải, theo chiều ngược kim đồng hồ của chiếc thạp gợi ta nhớ đến hoa văn trên trống đồng và thạp đồng Đông Sơn. Hình người, chim, thú khiến ta liên tưởng đến những hoa văn trang trí trên cán dao găm Đông Sơn. Bố cục theo băng hẹp, có chiều ngược kim đồng hồ và đôi băng rộng như là khoảng trống để chứa đựng những trường cảnh lớn hơn cũng là thông lệ trang trí của đồ đồng Đông Sơn. Điều khác biệt ở chỗ, những đồ đồng Đông Sơn mà chúng ta thấy xưa nay được nghệ nhân dùng kỹ thuật đúc hoa văn thì ở chiếc thạp này là khắc. Và thay vì tất cả dải hoa văn đều ngược chiều kim đồng hồ thì trên thân chiếc thạp lại có những trường cảnh điểm xuyết hoa văn xuôi chiều kim đồng hồ. Và chúng được xử lý nhuần nhị, hợp lý và đẹp mắt.
Bảo vật?
Ông Tira Vanichtheeranont cho biết ông mua chiếc thạp vào tháng 8-2002 của một người bán đồ cổ trên đường Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM. Căn cứ vào những tài liệu mình có được, ông xếp nó vào thời Đông Sơn, cách nay từ 2.000 - 2.500 năm. Còn bà Tuyết Nguyệt, nguyên chủ bút Arts of Asia - một tạp chí uy tín về cổ ngoạn, có trụ sở tại Hồng Công (Trung Quốc) - thì xếp nó vào thời Lý, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Trong số báo số 36, năm 2006, trang 63, tạp chí này có những lời giới thiệu trân trọng: “Chiếc thạp đồng quý hiếm với nhiều hoa văn trang trí đặc biệt, có niên đại thời Lý, thế kỷ XI đến thế kỷ XIII”. Nhưng tiến sĩ Phạm Quốc Quân cho rằng nó có nhiều nét gần gũi với thạp gốm hoa nâu đời Trần. Ông dẫn chứng: “Về hoa văn trang trí, bố cục dải băng phân bố đều trên thân với nhiều băng hẹp và một băng lớn chủ đạo. Voi trên thạp đồng giống hệt thạp gốm. Hổ cũng có nhiều nét tương tự. Gà thì giống nhau khó có thể nhận ra sự khác biệt. Đặc biệt, hình tượng con người, đề tài chủ đạo trên chiếc thạp đồng này, nếu đem so sánh với những chiếc thạp gốm hoa nâu có trang trí người thì chúng giống nhau đến mức không thể phân biệt về khuôn mặt, tỷ lệ, động tác và quy luật chuyển động…”. Nhưng dù thế nào, ông vẫn khẳng định chắc nịch: “Chiếc thạp đồng (vào dạng bảo vật, hạ xuống một cấp thấp hơn cũng là độc bản) chắc chắn là di sản quý giá, rất cần được sưu tầm để bổ sung cho di sản văn hóa đất nước”(2).
Người đã bán chiếc thạp cho ông Tira cho biết nó được phát hiện khi khai quật một ngôi mộ của quan lang Mường ở tỉnh Hòa Bình cùng với một số đồ gốm hoa nâu đời Trần. (Nhưng cần phải lưu ý là những cổ vật được khai quật ở chung một nơi, cùng một thời điểm, không nhất thiết phải có niên đại giống nhau). Ông Tira cho biết, từ 6 năm nay, nhiều nhà sưu tầm tư nhân và bảo tàng Singapore đã hỏi mua chiếc thạp đồng này với giá 150.000 USD nhưng ông chưa bán. Còn tôi, suốt gần 2 năm trời lục lọi, kiếm tìm ở sách, internet và các bảo tàng ở Việt Nam mà vẫn không thấy một chiếc thạp nào như cái của ông Tira mà mình may mắn được chiêm ngưỡng. Thế nên, tôi chỉ mong chiếc thạp sớm được trở về Việt Nam, dù chỉ là theo hình thức mượn hiện vật để phục vụ một cuộc triển lãm, để đông đảo người hiếu cổ được ngắm nghía và tự hào về tài khéo và tâm hồn của ông cha ª
(1), (2): Phạm Quốc Quân, Về một chiếc thạp đồng đáng chú ý thời Trần, tạp chí Khảo cổ học, số tháng 2-2006, trang 55 đến trang 58.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG