Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020: Cần sáng tạo trong từng cấp học

Thiếu giải pháp đột phá
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020: Cần sáng tạo trong từng cấp học

Sáng 4-10, tại TPHCM, Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với UBND TPHCM, các sở ngành, các trường đại học (ĐH), phổ thông và mầm non tại TPHCM về chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020. Tham dự và chủ trì cuộc họp có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân.

Sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên ôn bài ở thư viện. Ảnh: Mai Hải

Sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên ôn bài ở thư viện. Ảnh: Mai Hải

Thiếu giải pháp đột phá

Ở bậc học phổ thông, đa số các ý kiến của các đại biểu đều cho rằng các mục tiêu của dự thảo còn chung chung, chưa chỉ ra được mục tiêu cụ thể, trọng tâm. Nhiều đại biểu kiến nghị đối với giáo dục phổ thông cần phải giảm một số môn học, đưa vào bài học thực tế để giáo dục kỹ năng sống toàn diện cho học sinh, tạo sự hứng thú trong học tập để mỗi ngày đến trường đối với các em là mỗi ngày vui.

Ông Phạm Đức Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 kiến nghị: “Vai trò của hội cha mẹ học sinh rất quan trọng. Để phát triển giáo dục toàn diện trong nhà trường, chúng tôi mong muốn có quy định rõ ràng cho hoạt động của nhà trường để mạnh dạn thực hiện các công trình xã hội hóa giáo dục. Vì hiện nay việc xã hội hóa ở các trường có vai trò rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục trong trường học. Trong đó không chỉ là vấn đề hỗ trợ cơ sở vật chất mà còn có cả trí tuệ của phụ huynh trong việc hỗ trợ giáo dục học sinh trong nhà trường”.

PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến cho rằng, dự thảo còn thiếu những giải pháp đột phá để cải thiện tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Việc thiếu giáo viên không chỉ xảy ra ở bậc học phổ thông mà ở ĐH cũng thiếu trầm trọng kể cả các trường công lập và ngoài công lập.

“Trong khi đó, bộ thường xuyên kiểm tra dựa theo quy định tỷ lệ giáo viên/sinh viên nên các trường phải tìm đủ mọi cách để đối phó, trong khi chúng tôi cũng đâu muốn làm vậy. Theo tôi, cần phải chia nhỏ từng lộ trình để đào tạo đội ngũ giáo viên cho các trường, có đủ giáo viên thì mới có thể thực hiện được các mục tiêu chiến lược giáo dục lâu dài”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định sẵn sàng bỏ kỳ thi 3 chung nếu các trường đưa ra được phương án cụ thể. Trong ảnh: Thí sinh dự thi vào đại học Bách khoa TPHCM trao đổi sau giờ thi. Ảnh: Mai Hải

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định sẵn sàng bỏ kỳ thi 3 chung nếu các trường đưa ra được phương án cụ thể. Trong ảnh: Thí sinh dự thi vào đại học Bách khoa TPHCM trao đổi sau giờ thi. Ảnh: Mai Hải

Đầu tư trọng điểm vào các trường sư phạm

GS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TPHCM kiến nghị: “Chúng ta cần phải chấp nhận một bộ phận đi trước để kéo con tàu đi xa. TPHCM nên kiến nghị các phương án tiên tiến, hiện đại nhất nước, trong đó sẽ có những cơ chế để đưa giáo dục TP đi đầu trong cả nước dựa trên triết lý giáo dục là phải sáng tạo ngay trong từng cấp học. Một vấn đề chúng tôi cũng kiến nghị là đã đến lúc chín muồi để chấm dứt kỳ thi 3 chung. Bộ đã giao cho các trường ĐH được quyết định đầu ra thì đầu vào quản lý làm chi để tốn kém và vất vả cho cả xã hội”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Nếu các trường đưa ra được phương án cụ thể thì bộ sẵn sàng bỏ 3 chung nhưng với điều kiện không được lặp lại tình trạng luyện thi làm khổ học sinh, công khai để cả xã hội giám sát và đảm bảo an toàn”.

PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM băn khoăn: Hiện nay giáo dục ĐH chủ yếu thực hiện đào tạo theo hướng phổ cập ĐH, đầu tư bình quân, dàn trải không theo chiều sâu. Thành lập nhiều trường là tốt nhưng cần đầu tư mạnh mẽ vào các trường có truyền thống ngành nghề mũi nhọn mà xã hội cần để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng được nhu cầu xã hội.

PGS-TS Võ Tấn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM đề xuất: Bộ nên kiến nghị nhà nước đặc biệt ưu tiên đầu tư trọng điểm cho các trường sư phạm. Đầu tư tốt nhất và trả lương cao nhất cho ngành sư phạm để khuyến khích người giỏi vào ngành sư phạm.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng: Muốn phát triển nâng cao chất lượng giáo dục cần phải quan tâm đến đội ngũ thầy cô giáo, phải luôn coi giáo viên là linh hồn và trái tim của nhà trường. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, trường ĐH cũng như một rạp hát nếu chương trình hay, diễn viên giỏi thì khán giả sẽ đến đông. Ở trường ĐH cũng vậy phải có môi trường làm việc tốt, chính sách đãi ngộ tốt thì mới giữ chân được giáo viên. Bên cạnh đó, nhà trường phải đảm bảo được môi trường sư phạm theo tinh thần tôn sư trọng đạo.

Lê Linh

Tin cùng chuyên mục