Chính phủ ông Joe Biden đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại

Chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Joe Biden cơ bản đảo ngược mạnh mẽ nhiều chính sách do chính phủ tiền nhiệm hoạch định trước đó.

Nhiều thay đổi

Ngày 28-1, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã thống nhất với người đồng cấp về việc tăng cường quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ cũng như phối hợp chặt chẽ nhằm hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bà Linda Thomas Greenfield, người được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc (LHQ), cho biết Mỹ sẽ hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như với Trung Quốc và Nga, đặc biệt là trong việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh về chống biến đổi khí hậu
Về mối quan hệ với Trung Quốc, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 27-1 cho biết, Washington nhìn nhận mối quan hệ với Trung Quốc là “quan trọng nhất” trên thế giới, đồng thời lưu ý các mối quan hệ chứa đựng cả khía cạnh đối đầu và cạnh tranh. Sau đó, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông vốn vượt khỏi phạm vi được phép theo luật quốc tế, đồng thời cam kết sát cánh cùng với các quốc gia Đông Nam Á đối phó với sức ép từ Trung Quốc.

Cũng trong ngày 27-1, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ - Ấn Độ được xây dựng dựa trên những giá trị và lợi ích chung để đảm bảo rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tự do và rộng mở.

Tại khu vực Trung Đông, Mỹ tuyên bố đóng băng tạm thời đối với các hợp đồng bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD (dưới thời Tổng thống Donald Trump) cho Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhằm mục đích “đảm bảo những gì đang được xem xét có thể thúc đẩy các mục tiêu chiến lược và chính sách đối ngoại” của Mỹ.

Và cả thách thức

Chuyên gia Elizabeth Freund Larus, Giáo sư Khoa học chính trị và Các vấn đề quốc tế của Đại học Mary Washington, đánh giá, cũng giống như các tổng thống tiền nhiệm, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai chính sách đối ngoại. Trong đó, thách thức đầu tiên là sự phản đối từ các thành viên của đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Theo chuyên gia này, trong lịch sử Mỹ, cơ quan hành pháp sẽ đóng vai trò lớn hơn Quốc hội trong việc xây dựng và triển khai chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, vai trò quan trọng của Quốc hội trong vấn đề này là không thể phủ nhận nhằm đảm bảo hệ thống chính trị cân bằng tại Mỹ, điển hình là việc Quốc hội có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ các hiệp ước.

Ngoài ra, những người phản đối Tổng thống Biden có thể viện dẫn rằng chính sách đối ngoại của các tổng thống tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ đã thất bại và việc quay trở lại những chính sách này cũng đồng nghĩa với khả năng thất bại trong tương lai. Điển hình là việc họ có thể hoài nghi về hiệu quả của việc tích cực cải thiện quan hệ với NATO khi các thành viên khác của liên minh quân sự này không đóng góp đủ ngân sách hoạt động cho khối. Những người chỉ trích sẽ cho rằng việc ông Biden tin tưởng vào tổ chức quốc tế là sai lầm, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại diễn đàn của các tổ chức này, nhất là LHQ.

Trong khi đó, chuyên gia Richard Haass của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nhận định, chính phủ của ông Biden cũng khó có thể loại bỏ hoàn toàn một số chính sách dưới thời của ông Donald Trump, bởi ông Trump đã để lại nhiều di sản trong chính sách đối ngoại. Trang mạng Axios của Mỹ dẫn lời một số cố vấn của ông Joe Biden cho biết, ông Biden phản đối gần như toàn bộ các sáng kiến ngoại giao của ông Donald Trump nhưng sẽ giữ lại một chính sách, đó là Thỏa thuận hòa bình Abraham. Tuy nhiên, chính phủ mới tại Mỹ sẽ đối diện với thách thức không nhỏ trong các bước đi cân bằng ở Trung Đông.

Tin cùng chuyên mục