Mùa xuân ai đi hái hoa?

Trong khi các bạn cùng phòng khăn gói ra xe về quê, Nguyễn Thanh Lâm lại tất tả kiếm việc làm thêm dịp Tết để mong có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đây là năm thứ 4, cậu sinh viên khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TPHCM không có Tết! Không chỉ riêng Lâm, ở lại thành phố làm thêm dịp Tết cũng là lựa chọn chẳng đặng đừng của rất nhiều bạn trẻ.
Mùa xuân ai đi hái hoa?

Trong khi các bạn cùng phòng khăn gói ra xe về quê, Nguyễn Thanh Lâm lại tất tả kiếm việc làm thêm dịp Tết để mong có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đây là năm thứ 4, cậu sinh viên khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TPHCM không có Tết! Không chỉ riêng Lâm, ở lại thành phố làm thêm dịp Tết cũng là lựa chọn chẳng đặng đừng của rất nhiều bạn trẻ.

Xuân này con không về...

Thanh Lâm cho biết những năm trước đều đi làm từ ngày 23 Tết. “Những ngày đó, em đi làm từ 7g sáng đến 5g chiều, chủ yếu là phục vụ nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi… Năm trước, em làm ở Khu du lịch Suối Tiên, ngày thường 110.000 đồng, ngày Tết thu nhập nhiều hơn, lại được bao cơm. Công việc chính là phụ bán vé và đỡ các em nhỏ lên, xuống khi tham gia trò chơi”, Lâm kể. Nói về lý do không về quê dịp Tết, Lâm tính toán, mỗi lần về quê Phú Yên, vé xe đã 480.000 đồng, cả đi và về, cộng chi phí sinh hoạt trong mấy ngày Tết… mất ít nhất 3 triệu đồng. Nếu ở lại thì tiết kiệm được số tiền đó lại có thể kiếm thêm thu nhập.

Dù trường chưa nghỉ Tết, Phú Văn Kachu, sinh viên năm 4 khoa Công nghệ Phần mềm, Trường Đại học Công nghệ Thông tin TPHCM đã sốt sắng tìm việc. Đây là năm thứ 2, cậu sinh viên dân tộc Chăm (quê Ninh Thuận) quyết định ở lại. Năm trước, trường vừa cho nghỉ Tết, hôm sau Kachu đã xin làm bốc vác hàng hóa. Từ ngày 28 Tết đến mùng 8 Tết, Kachu chuyển qua phụ quán cà phê. “Lương ngày Tết thường cao hơn, em làm từ 7g sáng đến 9g tối được trả 250.000 đồng/ngày. Nhà làm nông vất vả lắm, không dễ để có số tiền đó. Mấy ngày Tết em chịu khó đi làm sẽ có một khoản đóng học phí, trả tiền trọ, đỡ đần cho bố mẹ. Em cũng sắp ra trường nên tranh thủ dịp này kiếm việc làm thêm để có chi phí trang trải cuộc sống”, Kachu trần tình.

Kiên nhẫn đạp xe đến Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên TPHCM, Kiều Linh, sinh viên năm 4 chuyên ngành Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TPHCM, cũng tìm được việc phù hợp. Nữ sinh viên quê Đông Giang (Quảng Nam) cho biết, những năm đầu em thường mua vé sớm để về quê ăn Tết. Nhưng hai năm nay học phí tăng cao, đủ thứ tiền phát sinh nên em quyết định không về quê trong dịp Tết này.

Phục vụ dịp Tết, Trần Thị Kiều Linh được nhận lương 3 ngày đầu xuân tăng gấp 3 ngày thường

Kiều Linh cũng từng trải qua cảm giác thiếu vắng khi đón Tết xa nhà. Ở quê, một mình mẹ phải kiếm tiền gửi vào nuôi 2 chị em, thấy mẹ chịu khổ như vậy Linh rất xót. Vì vậy để giúp mẹ giảm được phần nào gánh nặng nên gần 5 tháng nay Linh đã đi làm thêm để lấy tiền trang trải việc học. Linh cho biết, lúc ở lại đi làm thêm dịp Tết thật sự rất buồn tủi, nhưng cũng cảm thấy mừng vì đã giúp giảm phần nào gánh nặng của mẹ.

Tết nghèo, xuân quạnh quẽ

Tết đối với không ít người là dịp thể hiện đẳng cấp, sự thành đạt qua nhà cửa, xe cộ… thì đối với nhiều gia đình là nỗi đau đáu trông mong lương, thưởng, để rồi không ít người đành “im lặng thở dài” khi biết tiền thưởng năm nay của công ty, xí nghiệp mình chỉ mang giá trị... tinh thần. Vợ chồng cô Xuân, thầy Vân, giáo viên cấp 2, cho biết năm ngoái trường thưởng mỗi người 200.000 đồng nhưng... nợ lại, qua Tết mới phát. “Năm nay tình hình còn khó khăn hơn nên chưa biết thưởng được bao nhiêu. Không trông mong thì sẽ khỏi thất vọng. Chúng tôi nghĩ vậy”.

Mấy hôm nay, cả xóm nghèo ở phường Tân Thới Hiệp (Q.12, TPHCM) vắng ngắt, chỉ lác đác người già và trẻ em. Họ đều là dân nhập cư, ban ngày như đàn kiến túa đi khắp thành phố, đàn ông thì phụ hồ, phụ nữ đẩy xe trái cây còn trẻ em thì mỗi đứa một xấp vé số. Ngày thường đã vất vả chạy ăn từng bữa, Tết đến họ càng bận bịu hơn.

Trong khi đó, Hoàng Tuấn, quê Đà Nẵng, cộng tác viên của một tờ báo, lo sốt vó cả tuần vì không mua được vé về quê. “Đặt vé trên mạng họ báo được nên mình yên tâm, ai ngờ tới sát ngày họ bảo không còn vé”. Vẻ mặt trầm xuống, tay khuấy liên tục ly cà phê đã tan hết đường, Huy Thắng, sinh viên năm 3 Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, nói: “Từ khi vào năm nhất tới giờ em chưa lần nào được về quê ăn Tết. Tết là dịp để sinh viên tỉnh lẻ tụi em ở lại làm thêm. Việc làm mùa Tết nhiều lắm, ngoài lương, thưởng còn được lì xì, đủ đóng học phí cho cả năm nên đứa nào cũng bảo nhau thôi ráng”.

Chị Đỗ Hoàng Thư, ngụ chung cư Khang Gia (đường Phan Huy Ích, P.14, Q.Gò Vấp, TPHCM), kể: “Công ty chồng tôi cho nước ngọt, công ty tôi cho lạp xưởng, bạn cho kiệu và mứt tự làm, tôi đặt thêm mấy đòn bánh tét, sắm cho con mỗi đứa bộ đồ, đôi giày, gói ghém trong khoảng 2 triệu đồng là xong cái Tết. Nếu về quê ít nhất cũng mất đứt tháng lương tiền xe, tàu, chưa kể quà biếu hai bên gia đình, họ hàng... Với lại Tết nhất đường sá nguy hiểm, năm nào đọc báo cũng thấy tai nạn tàu xe... Quyết định ở lại Sài Gòn ăn tết tuy hơi buồn, nhưng chúng tôi để dành số tiền đó gửi về quê cho cha mẹ ăn Tết vừa tiết kiệm vừa an toàn, an tâm”.

Bốn năm nay Tết nào bà Phan Thị Huê (ngụ đường Châu Văn Liêm, Q.5, TPHCM) cũng lầm lũi ăn Tết một mình với con chó nhỏ, sau khi chồng mất, cô con gái duy nhất lấy chồng rồi đi nước ngoài. “Buồn chứ. Nhưng tôi quen rồi. Con cháu được đủ đầy, hạnh phúc chẳng phải bà mẹ nào cũng mong thế sao?”, bà nói.

Bà Hai, giúp việc nhà ở P.1, Q. Bình Thạnh, TPHCM, cho biết: “Tôi toàn ăn Tết sớm. Trước Tết 1, 2 tuần là tôi xin về quê tảo mộ, tranh thủ thăm bà con lối xóm, họ hàng, xong trở lên liền vì Tết nhất là dịp người ta cần mình hơn cả”. Bà Mười Út cùng con trai cả Nguyễn Văn Đẹt và con dâu Lê Thị Nhạn, ở huyện Châu Thành, Bến Tre, kể: “Năm nào mấy mẹ con cũng lên Sài Gòn bán mai. Vài năm nay, mai bán đến sát giao thừa vẫn còn. Năm ngoái mấy mẹ con phải đón giao thừa trên xe tốc hành. Nhớ tới cái bàn thờ ở nhà chưa có đòn bánh, nén nhang mà nhói lòng!”.

Rời gia đình đi học, đi làm ăn xa ai cũng mong Tết về chí ít cũng mua được cho cha mẹ cái ti vi, sắm cho bầy em dại quần áo mới, nhưng với nhiều người vẫn lực bất tòng tâm, đành lỗi hẹn năm sau, thậm chí năm sau nữa... Và rất nhiều người không thể trở về quê, để rồi nhìn người người, nhà nhà sửa soạn đón Tết, lòng đau đáu mơ về một cái Tết đoàn viên...*

Tại Sân vận động Phú Thọ (Q.10, TPHCM) tối 30-1, Nhà Văn hóa Sinh viên, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Hàng Việt và KTX Đại học Quốc gia TPHCM cùng các đơn vị đồng hành đã trao tặng 300 phần quà (trị giá hơn 1 triệu đồng/phần) đến các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và không có điều kiện về quê đón Tết Ất Mùi 2015. “Tôi từng là sinh viên, dù chưa đón cái Tết nào xa nhà như các em nhưng tôi hiểu được hoàn cảnh các em phải trải qua. Dù những phần quà không quá lớn về mặt vật chất nhưng lại chứa đựng trong đó tấm lòng của các doanh nghiệp, các đơn vị san sẻ với các em”, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hải sản Sài Gòn Food chia sẻ.

Mùa xuân ai đi hái hoa? ảnh 2

300 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở các ký túc xá nhận quà Tết Ất Mùi


SONG PHẠM - TIỂU TÂN

Tin cùng chuyên mục