“Hạnh phúc lớn nhất của đời người là làm cho nhiều người hạnh phúc”, lời bộc bạch chân thành đó cũng như những việc làm hết sức ý nghĩa, đầy lòng nhân ái của một nhà sư đã nói lên tâm thiện đầy tình người của ông trong suốt 4 năm qua. Ông là Thượng tọa Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá (phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM).
Lớp học dưới bóng bồ đề
Từ 4 năm qua, đã có không biết bao nhiêu lớp sinh viên nghèo đến xin học ngoại ngữ tại chùa Lá. Những câu chuyện, ý nghĩa về lớp học miễn phí dưới bóng bồ đề đã được nhiều người truyền tai nhau, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến chúng tôi dù đã nghe nhiều, đọc nhiều, xem nhiều vẫn một lần muốn đến.
Không như chúng tôi hình dung, chùa Lá nằm khiêm tốn tận trong con hẻm sâu, lầy lội dưới chân cầu Quang Trung. Chùa không có khuôn viên rộng rãi như những ngôi chùa khác, cơ sở vẫn còn hạn hẹp…
Nói về lý do thành lập những lớp học miễn phí này, Thượng tọa Thích Nhuận Tâm cho biết: “Trong thời đại hội nhập và phát triển, ngoại ngữ vô cùng quan trọng. Sinh viên bây giờ, nhất là các cháu ở tỉnh lên, thường không có tiền theo học ở các trung tâm vì học phí khá cao. Trong khi đó, hồi cấp 2 - cấp 3 các em chỉ học ngữ pháp, học từ chương không có tính đột phá. Ngoại ngữ mà không được đàm thoại, không được giao tiếp coi như hỏng. Thế nên, tôi mới mạnh dạn mở một trung tâm ngoại ngữ (TTNN) cho các sinh viên nghèo có cơ hội học tập...”.
Lúc đầu, TTNN chỉ có 30 học viên. Giờ đã có đến 62 lớp với trên 2.000 sinh viên luân phiên học tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hoa từ sáng - trưa - chiều - tối - khuya. Trước đây, TTNN có 2 phòng học, mỗi phòng rộng khoảng 30m2. Giữa năm 2013, chùa xây thêm 3 phòng học mới, mỗi phòng chứa tới 40 học viên. Chùa cũng đang thành lập những câu lạc bộ theo từng ngoại ngữ để giúp các em nâng cao kiến thức và có cơ hội rèn luyện kỹ năng. Có những học viên 70 - 80 tuổi vẫn theo học tại chùa, chính các học viên lớn tuổi là tấm gương cho các học viên noi theo.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hương (56 tuổi - quận 12) chia sẻ: “Nghe người bạn giới thiệu, tôi đến đây đăng ký học cho con gái. Thấy hay và ai học cũng được nên tôi đăng ký học luôn”. Còn với sinh viên Bùi Thị Kim Oanh (Khoa Quan hệ công chúng - ĐH Văn Lang): “Ở đây, bất kỳ câu hỏi nào của sinh viên đưa ra, các thầy đều trả lời và giải thích tận tình. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho chúng em giao tiếp với người nước ngoài nên sau lớp học này, em thấy tự tin hơn”.
Thầy Thích Nhuận Tâm kể: “Có nhiều em gọi điện về khoe với tôi rằng, hôm nay con xuống quận 1 con gặp mấy người Tây và nói chuyện được rồi ạ. Con đã tự tin lên rất nhiều. Chừng đó thôi tôi đã thấy vui lắm rồi. Tạo cho các em sự tự tin là niềm vui rất lớn chúng tôi nhận được”.
Có những người thầy...
TTNN chùa Lá có 52 giáo viên. Lúc chúng tôi đến, lớp học Anh ngữ của thầy Nguyễn Trí Cảm (63 tuổi) đang vào tiết. Trong cái nóng oi bức giữa không gian chật chội của phòng học, sinh viên vẫn giữ trật tự để nghe giảng và thực hành. Thầy Cảm đã dạy ở chùa 2 năm qua, hiện thầy vẫn làm phiên dịch cho hai công ty của Đức và Thụy Sĩ.
Khi nghe thông tin về lớp học ngoại ngữ tại chùa Lá, thầy đã cất công đi tìm và đến lần thứ ba mới tìm được chùa. “Từng ngày, thấy được sự tiến bộ của sinh viên, thấy mình vẫn còn giúp ích được cho các em là điều tôi thấy hạnh phúc nhất. Những người đang ở tuổi tôi, thế là quá đủ rồi”, thầy Cảm tâm sự.
Thầy Phạm Minh Hưởng năm nay đã hơn 70 tuổi, tâm sự: “Tôi đã nghỉ hưu lâu rồi, con cái lớn hết, cũng không còn gì để vướng bận nữa, chỉ muốn tìm một nơi để cống hiến. Già rồi, chỉ muốn sống vui, sống khỏe và sống có ích. Và tôi nghĩ, chính việc “sống có ích” mới giúp cho những thầy giáo già như chúng tôi có thể sống vui và sống khỏe được”.
Có một người đã gắn bó với TTNN chùa Lá 3 năm qua là thầy Trần Đạo Pháp. Trước đây, thầy Pháp làm ở Trung tâm Nghiên cứu dịch thuật, giảng dạy ở ĐH Sài Gòn và ĐH KHXH-NV TPHCM. Thầy chia sẻ: “Tôi đã già, tiền không nhiều, tài sản không bao nhiêu, tài sản lớn nhất là vốn tiếng Anh và những kiến thức mấy chục năm trong nghề dạy có được. Điều khiến tôi vui là các học trò của mình có công ăn việc làm, lo được cho gia đình và giúp được xã hội”.
Biết về chùa qua tivi, báo và internet, ấn tượng về hình ảnh một ngôi chùa nhỏ với lớp học cho những sinh viên nghèo ham học đã khiến thầy Huỳnh Thanh Hải (50 tuổi) tìm đến chùa Lá dạy tiếng Nhật miễn phí. “Ban đầu, tôi đến chùa với ý nghĩ đỡ đần thầy Tâm một tay. Nhưng một năm trôi qua, tôi nhận ra mình đã quá gắn bó với những lớp học nơi này. Tôi sẽ theo thầy Tâm dạy dỗ các em hết khả năng của mình”.
Nói về những người thầy cuối đời vẫn dành tất cả tâm huyết cho việc dạy học ở chùa Lá, em Phan Thị Hồng Loan (24 tuổi - sinh viên ĐH Hồng Bàng) cho biết: “Các thầy ở đây dạy bằng cái tâm, sự nhiệt tình. Ngoài kiến thức chuyên môn mà chúng em học được, các thầy còn gieo tâm hồn, tính cách cho chúng em. Dạy cho chúng em lẽ phải, đạo đức sống ở đời và cái tâm để làm người”.
Việc thầy Cảm, thầy Hưởng, thầy Pháp, thầy Hải… tìm đến chùa dạy ngoại ngữ hoàn toàn tự nguyện, từ tấm lòng. Có thầy không nhận một đồng lương nào cả. Ngoài chuyên môn, các thầy rất chú trọng dạy kỹ năng mềm để các em tự tin hơn khi bước vào đời. “Tôi không có gì nhiều cả, nhưng may mắn tôi có được rất nhiều người thầy đồng hành trên con đường giúp đỡ thế hệ mai sau. Có được các thầy về đây giúp sức cho các sinh viên nghèo có cơ hội học tập đó là điều rất tốt”, thầy Tâm chia sẻ.
Mở những trái tim
Trong những chia sẻ với chúng tôi, thầy Thích Nhuận Tâm kể về một cô bé ở TPHCM không học được và tính tình khó dạy, gia đình phải đưa cô bé vào trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong một lần theo mẹ đến chùa, thấy lớp học, mẹ cô bé mới xin cho con gái vào học. Chỉ một ngày ở chùa về, mẹ cô bé cho hay con gái đã biết quét nhà, rửa chén, dọn nhà… Và sau này, cô bé đã thi đậu đại học.
Rồi có một cô bé khác mà thầy Tâm giấu tên, đi học ngoại ngữ ở chùa bằng xe tay ga xịn. Sau này, mới biết cô bé ở tỉnh, đi làm nghề tóc ở salon. Khi được hỏi thăm, cô bé đã khóc òa lên, chỉ vì thói đua đòi mà cô đánh đổi cả cuộc sống và hạnh phúc của bản thân để lấy một chiếc xe. Điều đó làm cô bé ân hận mãi. Thời gian học ở chùa, nhờ những bài giảng và chia sẻ của thầy Tâm, cô bé nọ đã tìm lại được ý nghĩa sống cho mình.
Trong các học viên, thầy Tâm nhớ nhất Đào Mỹ Thương (sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin), một cô gái khuyết tật ở khá xa chùa Lá nhưng vẫn cố gắng đi học. Khổ cho cô bé mỗi lần học phải có người đi theo, cõng lên lớp trên lầu. Khó khăn là vậy nhưng em vẫn kiên trì bám lớp đến cùng. Thấy cô bé rất ham học… thầy Tâm thường xuyên động viên và cho tiền đổ xăng để em có điều kiện đến lớp.
Cuối tuần, thầy Tâm thường lên gặp các bạn sinh viên các lớp để nói chuyện. “Cho các em một kiến thức chưa đủ, mà phải mở thêm cho các em một trái tim vào thực tế đời sống”, thầy tâm sự. Vì vậy, thầy Tâm hay tổ chức thăm viếng các trung tâm dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, khuyết tật; vận động các hoạt động từ thiện, cứu trợ. Chính các hoạt động ấy đã giúp các em có dịp đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, thấy rất nhiều hoàn cảnh nghèo khổ, rồi nhìn lại thấy mình hạnh phúc hơn. Từ đó, nhiều em đã thay đổi tình cảm, nhận thức, mở rộng tâm hồn mình. Ngoài ra, thầy còn cho các em tham quan các di tích lịch sử để hiểu thêm về truyền thống quê hương, đất nước mình.
Giữa xã hội này, khi ở đâu người ta cũng thấy những đòi hỏi của vật chất, tiền bạc thì việc những lớp học miễn phí tại chùa Lá, sự tận tâm của các thầy giáo lớn tuổi khiến chúng ta tràn đầy tin tưởng ở cuộc sống. Rất nhiều sinh viên, lao động nghèo khi bước ra cuộc đời lắm ảo tưởng của vật chất đã ấm lòng vì xung quanh họ vẫn còn rất nhiều người tốt…
VÕ THẮM - HỒNG LỢI