Từ câu chuyện NXB HarperCollins thông báo “xem xét ngừng giao dịch bản quyền” với đối tác Việt Nam là First News - Trí Việt vì nạn sách giả, sách in lậu trong nước. SGGP thứ bảy đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước (ảnh), Giám đốc First News về những bức xúc của ông nói riêng và thực trạng về "cuộc chiến" không cân sức với sách lậu mà các nhà xuất bản, doanh nghiệp đang phải đương đầu...
* Cuối tháng 4 vừa rồi, trong thông cáo báo chí của mình, First News (FN) có nêu nội dung “NXB HarperCollins gửi công văn đến FN để thông báo về cuốn Bí mật tư duy triệu phú của T.Harv Eker bị in lậu tại VN” và NXB này “đang xem xét ngừng giao dịch bản quyền”. Có nghĩa là, đây chỉ mới là nguy cơ thôi hay có văn bản giấy trắng mực đen từ HarperCollins, và là thông báo đối với các NXB VN có làm việc với HarperCollins hay chỉ với FN?
- Vụ việc này là giữa NXB HarperCollin và FN. Trước nay các NXB lớn của Mỹ thường chỉ làm việc với chúng tôi qua email, nhưng đây là lần đầu tiên họ gọi điện. Cụ thể là chính tác giả T. Harv Eker đã rất tức giận mang hai cuốn sách in lậu Bí mật tư duy triệu phú từ đại diện của ông tại Việt Nam gửi lên thẳng HarperCollins và triệu tập cuộc họp với Chủ tịch HarperCollins. Ông không chấp nhận được “đứa con tinh thần” của mình bị làm giả, lại còn in giá bán cao hơn sách thật. Sự bất bình của ông đã chuyển qua NXB HarperCollins. First News đã nhận được công văn nhắc nhở từ HarperCollins và chúng tôi buộc phải ra thông cáo liên quan thực trạng in lậu ở Việt Nam. Về bản công văn, bên họ yêu cầu bảo mật, không được công bố cho báo chí.
* Trước mắt và cụ thể, FN sẽ làm gì để đối phó trong vụ này nói riêng và trong việc chống sách giả nói chung?
- Chúng tôi đang thu thập chữ ký để đề đạt vấn đề sách giả lên Quốc hội, vì chúng tôi biết việc làm sách giả, sách in lậu không chỉ ảnh hưởng đến người làm sách, mà đó là một tiêu cực xã hội làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước và làm thất thu của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
* Theo đuổi việc chống sách giả bao lâu nay, ông có thể cho biết những loại sách nào thường bị làm lậu? Việc in và bán thường diễn ra ở đâu?
- Tất cả những loại sách đang bán chạy hiện nay đều bị in lậu. Những cuốn của FN như Bí mật may mắn, Quà tặng diệu kỳ, Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm… cứ 10 cuốn bán ra ở Hà Nội thì chỉ có 1 cuốn của FN thôi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỷ lệ sách giả ở các tỉnh thành ở phía Bắc lên đến
trên 80%.
* Người đọc bình thường phân biệt được sách thật và sách giả cách nào?
- Việc in lậu sách hiện nay diễn ra rất tinh vi. Định hình, cán màng, cán chữ vàng, chữ nổi các kiểu đều bị in lậu được hết. Theo tôi nghĩ, độc giả 10 người thì chỉ chừng 1 người ham rẻ mua sách giả thôi, còn lại đa số là mua nhầm sách giả vì rất khó nhận diện về kỹ thuật in ấn. Cầm cuốn sách giả trên tay thì chỉ những người làm sách mới nhận biết, và cơ quan chức năng biết.
* Cụ thể, doanh nghiệp khổ sở ra sao trước một vụ in lậu sách?
- Để cho ra đời một cuốn sách có bản quyền phải mất từ 6 tháng đến 3 năm với sự tham gia của từ 3 cho đến hàng chục con người. Vất vả lắm, có những cuốn dày cả ngàn trang, dịch xong rồi vẫn chưa ra mắt được vì chưa đạt chất lượng mà phải dịch lại đến năm bảy lần. Tiền đầu tư cho một cuốn sách rất lớn đổ vào các khâu bản quyền, dịch, biên tập, thiết kế, in ấn, giới thiệu… nếu bán hết khoảng 5.000 bản in đầu mới mong hòa vốn, lợi nhuận chỉ đến ở những lần tái bản, nhưng bán chưa đến 1.000 bản thì đã bị in lậu rồi. Sách giả đã hình thành một đường dây ngầm, có tổ chức từ Bắc đến Nam, với lợi nhuận lên tới 200%, trong khi người làm sách thật rất vất vả, lợi nhuận chỉ 15% trên giá bìa. Các NXB Việt Nam đang điêu đứng, giảm biên chế, giảm nhân sự bởi nạn in lậu vì không đủ tiền trả lương, mặt bằng…
* Nắm rõ quy trình để một cuốn sách ra đời tại VN, ông thấy đâu là sơ hở, lỗ hổng trong khâu quản lý khiến nạn sách giả hoành hành?
- Doanh nghiệp dù làm ăn đóng thuế đàng hoàng, mỗi năm 3-4 tỷ đồng, nhưng rõ ràng chúng tôi đang tự bơi trong việc chống sách giả, áp lực này càng tăng đối với doanh nghiệp tư nhân. Từ ngày có Công ước Bern đến nay đã trên 10 năm nhưng luật chống vi phạm bản quyền ở VN rất lỏng lẻo, các chế tài dù có sửa đổi nhưng không đủ răn đe, in lậu 100 triệu thậm chí cả tỷ đồng đi chăng nửa thì chỉ xử phạt hành chính trên 10 triệu đồng. Mối lợi quá lớn khiến việc in lậu diễn ra liên tục và bằng mọi giá. Các nhà in đều do Nhà nước quản lý nhưng có kẽ hở nên sách in lậu đều được in ở những nhà in này.
Một phần, các cơ quan hữu quan chưa thật sự quan tâm làm cho đến nơi đến chốn nạn sách giả. Nhiều người nghĩ rằng sách giả chỉ ảnh hưởng đến tác giả, đến NXB mà ít ai thấy rằng sách giả là một trong những nguồn gốc của tiêu cực xã hội, là bảo kê móc ngoặc của những nhóm lợi ích, và gây thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
* Nói như vậy nghĩa là doanh nghiệp phải tự bảo vệ và tiếp tục “la”?
- Nói tự bảo vệ thì trước giờ chúng tôi cũng theo đuổi rất nhiều vụ rồi, tốn kém từ vài chục cho tới vài trăm triệu đồng mỗi vụ. Vụ in lậu lớn nhất mà chúng tôi phối hợp với cơ quan hữu quan triệt phá là tại Công ty CP In Thái Nguyên vào năm 2007. Chúng tôi cử người vào tận nhà in để chụp hình cảnh in lậu để gửi sang cho Trung tướng Nguyễn Việt Thành, khi đó đang là Phó ban Chống Tham nhũng tại Hà Nội. Ông đã chỉ đạo thu giữ hàng trăm ngàn bản sách in lậu, bắt giam Giám đốc, Phó Giám đốc Nhà in và khởi tố chủ hàng. Đó là vụ “mạnh tay” nhất nhờ áp dụng luật chống hàng giả. Năm 2011 là vụ Cơ sở đóng sách Huy Thi ở Thanh Trì, Hà Nội bị bắt quả tang đang gia công 10.000 cuốn sách in lậu không chỉ của FN mà còn nhiều NXB khác, nhưng khi bị kiện ra tòa, thì Huy Thi lại thắng kiện, lý do: sách giả chưa phát hành ra thị trường, chưa gây thiệt hại cho FN. Qua vụ này có thể thấy rằng, động cơ và hành vi in lậu không bị xử phạt.
Có nhiều cái nhìn khác nhau, nhiều ý kiến khác nhau về nạn sách giả. Nhưng theo tôi, những phát biểu kiểu “ai la được cứ la”, “ai khóc được cứ khóc”, “sống chung với lũ” hay “sách hay mới bị in lậu”… là những phát biểu tiêu cực, cho thấy sự ngầm chấp nhận và dung túng tệ nạn này. Các NXB cần đồng lòng, và quan trọng cần sự hỗ trợ thực sự từ các cơ quan hữu quan trong việc chống in lậu.*
LÂM AN