Chủ đầu tư không được bán nhà khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính

UBND TPHCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường lưu ý về tình trạng pháp lý dự án và một số hạn chế về quyền của người sử dụng đất trong trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước
* Cẩn trọng tín dụng cho vay mua nhà
Nhằm giải quyết vướng mắc trong việc thẩm định giá đất trên địa bàn TPHCM, UBND TPHCM vừa yêu cầu Sở Xây dựng TPHCM không giải quyết thủ tục chuyển nhượng dự án và không cho chủ đầu tư bán sản phẩm cho khách hàng đối với các trường hợp chủ đầu tư đã thực hiện tạm nộp tiền sử dụng đất, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường lưu ý về tình trạng pháp lý dự án và một số hạn chế về quyền của người sử dụng đất trong trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, nhằm hạn chế rủi ro trong quan hệ tín dụng hoặc các giao dịch khác.

Thực tế cho thấy, trên thị trường hiện không ít trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, thuế, phí và lệ phí liên quan đến đất đai) nhưng vẫn rao bán căn hộ ra thị trường và bàn giao căn hộ cho khách hàng. Vì vậy, khách hàng mua căn hộ tại các dự án này khi xin cấp giấy chủ quyền nhà đất sẽ không được thực hiện. Vì theo quy định hiện hành, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gắn liền với chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, chủ đầu tư phải thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính liên quan mới được bán sản phẩm và Sở Tài nguyên - Môi trường mới thực hiện cấp giấy chủ quyền nhà cho người mua nhà. 

° Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM (HoREA), trong 6 tháng đầu năm, huy động vốn trên địa bàn TPHCM ước khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2016. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ước đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Trong đó, dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm luôn chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng dư nợ.
HoREA đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục quan tâm đến tình hình tín dụng tiêu dùng tăng nhanh và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ.
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, chỉ tính trong 4 tháng đầu năm, dư nợ lĩnh vực tiêu dùng là 18.275 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng dư nợ tại TPHCM. Trong đó, cá nhân vay tiền để xây dựng, sửa chữa, mua nhà khá lớn và có nguồn trả nợ chủ yếu từ tiền lương. Chính vì vậy, các ngân hàng cần cẩn trọng trong việc cho cá nhân vay mua nhà vì nếu không được quản lý chặt chẽ thì người vay có thể chuyển qua đầu tư BĐS, dễ phát sinh rủi ro.
Cũng theo báo cáo của HoREA, lượng kiều hối về TPHCM trong 6 tháng đầu năm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 50 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê các năm qua, có khoảng 1/5 lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực BĐS.
Ngoài ra, TPHCM cũng đã thu hút được 2,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS là 50,3 triệu USD, chiếm 12,82%, đứng thứ 4 trong thu hút nguồn vốn FDI, nhưng có triển vọng sẽ bật tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm do nhiều hợp đồng đầu tư BĐS đang được thương thảo. 

HoREA cũng nhận định rằng việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực kể từ ngày 15-8-2017, sẽ góp phần làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm mà phần lớn là BĐS, tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế và giúp tái khởi động các dự án BĐS đã bị thế chấp hoặc bị ngừng triển khai trong nhiều năm qua.  

Tin cùng chuyên mục