Vấn đề còn lại, doanh nghiệp phải chủ động cải thiện hiệu suất sản xuất, năng lực quản trị và giá thành sản phẩm để bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại diện Công ty Ý Chí Việt giới thiệu mô hình cải tiến hiệu suất sản xuất với đại diện Tập đoàn Samsung Việt Nam
Không phải sân chơi “một mình một bóng”
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM, cho biết việc gia tăng mạnh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối tại Việt Nam đã mở ra thị trường cung ứng sản phẩm hỗ trợ rộng lớn trong nước. Tuy nhiên, để có thể tham gia thị trường này và từng bước đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp cần phải nhận thấy, không phải đây là sân chơi “một mình một bóng”. Họ phải chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các doanh nghiệp vốn đã là nhà cung ứng chuỗi của các doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối. Những chính sách hỗ trợ của cơ quan chức năng, Chính phủ chỉ mang tính khuyến khích doanh nghiệp FDI tiếp nhận sản phẩm cung ứng nội địa. Còn vấn đề chính vẫn là thực lực cung ứng của các doanh nghiệp trong nước.
Ghi nhận tại cuộc họp kết nối thị trường cung ứng giữa doanh nghiệp nội với các doanh nghiệp Nhật Bản vừa diễn ra tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp trong nước khẳng định những tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật của doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra là không khó. Doanh nghiệp nội hoàn toàn có khả năng cung ứng. Tuy nhiên, để giá thành có thể cạnh tranh, doanh nghiệp nội cần phải cải thiện quy trình vận hành của nhà máy. Trong đó cần nâng cao năng suất sản xuất, tiết giảm chi phí không cần thiết, giảm nhân công thừa tại các khâu, tiết giảm diện tích mặt bằng, giảm thời gian thừa tại nhiều khâu vận hành; phổ biến nhất là khâu sắp xếp hàng hóa, giảm lượng hàng tồn kho, cải thiện kỹ thuật sản xuất… Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, với khâu di chuyển khuôn, trước đây công ty sử dụng ròng rọc để thực hiện. Nhưng từ khi chuyển đổi kỹ thuật sang di chuyển bằng xe đẩy, thời gian tiết kiệm đến hơn một nữa. Độ an toàn lao động cũng tăng hơn rất nhiều. Tương tự, với vấn đề giảm hàng lỗi, chỉ đơn giản vệ sinh các dị vật xung quanh khuôn đúc, vệ sinh pin đẩy và mặt khuôn… đã giúp giảm tỷ lệ hàng lỗi đến 90%.
Đồng quan điểm trên, đại diện đoàn doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, sản phẩm công nghiệp chế tạo của doanh nghiệp Việt Nam có chất lượng khá tốt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn doanh nghiệp của nước khác về mức độ uy tín, chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất chuộng sử dụng sản phẩm do chính doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Vấn đề còn lại là cần phải có nhiều hơn các cuộc xúc tiến trực tiếp giữa cung cầu của doanh nghiệp 2 nước để tăng cường hiệu quả giao thương. Riêng trong đợt kết nối tháng 6-2018, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản chủ yếu có nhu cầu sản phẩm cơ khí chế tạo. Và việc tiếp xúc với hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam trong đợt này, các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn nhận là có khả năng sẽ ký kết các hợp đồng cung ứng với nhau.
Nâng cao năng lực tạo đầu ra sản phẩm
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Samsung tại TPHCM bổ sung, ngoài những cải tiến quy trình sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn phải tính đến yếu tố tâm lý và kỹ năng của người lao động. Đây được xem là yếu tố quyết định phần lớn sự thành công bền vững của doanh nghiệp. Phải làm sao để mỗi công nhân đều cảm nhận nhà máy không chỉ là nơi để mình lao động kiếm sống mà còn giống như công viên, như ngôi nhà của mình. Mặt khác, doanh nghiệp cũng không cần phải quá chú trọng vào việc chỉ cung ứng sản phẩm cho Samsung mà có thể mở rộng thị phần ra các doanh nghiệp khác trên thế giới. Quan trọng là lãnh đạo doanh nghiệp phải có quyết tâm cải thiện năng lực sản xuất để có thể phát triển bền vững.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM, nhấn mạnh hiện nhu cầu cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa cho các doanh nghiệp FDI đầu cuối rất lớn. Chỉ tính riêng Tập đoàn Samsung, theo kế hoạch đến năm 2020, tập đoàn này cần đến 500 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện số lượng cung ứng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, khoảng trên dưới 50 doanh nghiệp. Trong đó, gần 30 doanh nghiệp đạt nhà cung ứng cấp 1. Do vậy, để có thể gia tăng số lượng doanh nghiệp nội địa nói riêng và doanh nghiệp TPHCM tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ đang phối hợp Tập đoàn Samsung đưa các chuyên gia đến hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cải thiện hiệu suất sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp đến nay đã thực hiện tốt quy trình sản xuất Kaizen và 5S. Đơn cử như Công ty TNHH SX-TM TBM Minh Phát và Công ty CP Cơ khí điện tử Phú Thọ Hòa - VIEMCO. Sau khi được chuyên gia Tập đoàn Samsung hỗ trợ cải tiến hiệu quả trong sản xuất, 2 công ty đã giảm thiểu giá trị hàng tồn kho từ hơn 13 tỷ đồng xuống còn 9 tỷ đồng, rút ngắn thời gian thay khuôn từ 30 phút còn khoảng 6 phút.
Đại diện tổ chức nghiên cứu phát triển Nhật Bản cho biết, hiện Chính phủ Nhật Bản đang có dự án hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Theo đó, tại Hà Nội có 5 doanh nghiệp và TPHCM cũng 5 doanh nghiệp. Qua thời gian hỗ trợ cho thấy, năng lực và kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam rất tốt và hoàn toàn có thể tăng khả năng phát triển, đáp ứng tiêu chuẩn chuỗi cung ứng toàn cầu đang cần. Về phía Chính phủ Nhật Bản sẽ cố gắng thực hiện nhiều dự án hỗ trợ như trên để tăng hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể thấy, cơ hội kết nối thị trường của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất lớn. Cơ hội cải thiện năng lực sản xuất phù hợp tiêu chuẩn nhà cung ứng toàn cầu cũng rất nhiều. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp sẽ phải chủ động tiếp cận các cơ hội này như thế nào để có thể phát triển mạnh, bền vững trong bối cảnh hiện nay.