Ước tính, thiên tai mỗi năm gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 1,5% GDP. Nhiều chuyên gia cho rằng, thiên tai ở Việt Nam là khó tránh khỏi, nhưng phòng chống để thiên tai không trở thành thảm họa là điều chúng ta có thể làm được.
Đê chống nước dâng tại biển Tân Thành, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: THÀNH TRÍ
Gây hậu quả lớn
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia bị nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, tác động của BĐKH. Cụ thể như nhiệt độ tăng, hạn hán cục bộ ở các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; bão, lũ gây ngập úng nhiều làng mạc ở các tỉnh Bắc Trung bộ. Mực nước biển dâng gây nhiễm mặn, triều cường thường xuyên ở nhiều tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ.
Năm 2017, thiên tai xảy ra liên tiếp, ảnh hưởng đến nhiều địa phương; mưa lớn diễn ra trên diện rộng, lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi; gia tăng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Theo kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích ở các địa phương khác (thuộc khu vực ven biển) sẽ bị ngập nước. Khi đó, khoảng 10% - 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp.
Kịch bản này cũng cho thấy, TPHCM là 1 trong 10 TP trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH, thiên tai. Theo đó, TPHCM có thể bị ngập 20% diện tích đất tự nhiên, nếu mực nước biển dâng 100cm vào năm 2100; nhiều khu công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi BĐKH và nước biển dâng, điển hình như các khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè), Lê Minh Xuân (Bình Chánh).... và hầu hết vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, một phần huyện Củ Chi, Cần Giờ cũng bị ảnh hưởng. Nhiều nhà khoa học nhận định, các yếu tố có tác động mạnh nhất đến TPHCM sẽ là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường.
TS Trần Bá Hoằng, Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam, cho rằng trong những thập kỷ gần đây, sự phát triển đô thị ở TPHCM đã diễn ra nhanh chóng, trong khi khâu quản lý và quy hoạch đô thị chưa tốt, dẫn đến những hệ lụy như giảm không gian chứa nước triều, hạn chế khả năng vận chuyển nước của hệ thống kênh rạch, cùng với hiện tượng sụt lún đất nền với tốc độ cao, từ 1,5 - 2cm/năm, kết hợp nước biển dâng do BĐKH, đã khiến mực nước sông tăng nhanh với xu thế năm sau cao hơn năm trước. Hệ quả là tình trạng ngập úng ngày càng trầm trọng hơn, cho dù hệ thống hồ chứa ở thượng lưu trong lưu vực sông Sài Gòn đã phát huy tốt vai trò điều tiết lũ.
Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy Lợi, chỉ ra rằng mặc dù lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn nằm trong vĩ tuyến khá an toàn về bão, chỉ khoảng 10% tổng số cơn bão đổ bộ ảnh hưởng trực tiếp đến lưu vực, nhưng các cơn bão đổ bộ vào lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn thường có lượng mưa rất lớn, cường độ mạnh đáng kể...
Tăng cường phòng chống thiên tai
Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bên cạnh việc đầu tư nâng cao sức chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đường sá, công trình phòng chống thiên tai... cũng tăng cường sự hiểu biết của người dân, chủ thể chịu tác động trực tiếp của rủi ro thiên tai, tốt hơn.
Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống phòng chống thiên tai (22-5-1946 - 22-5-2018), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhận xét và chỉ đạo, trước tác động của BĐKH toàn cầu, tình hình thiên tai sẽ ngày càng phức tạp, đặt ra những khó khăn, thách thức mới. Trong bối cảnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện tốt nguyên tắc “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”, theo phương châm 4 tại chỗ, nâng cao năng lực chủ động ứng phó của người dân, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, hướng đến một xã hội an toàn trước thiên tai, góp phần phát triển đất nước bền vững.
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, để hạn chế những rủi ro do thiên tai, BĐKH gây ra, công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội được xem là giải pháp rất quan trọng, mang tính chiến lược, bao gồm phân tích, đánh giá hiện trạng các mặt kinh tế - xã hội, đô thị, môi trường và đưa ra định hướng, dự báo các chỉ tiêu phát triển cho giai đoạn sắp tới. Công tác này cần căn cứ vào dữ liệu đa ngành, từ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và dữ liệu kinh tế - xã hội - đô thị - môi trường khác, làm cơ sở cho việc quy hoạch chung.
Liên quan đến các giải pháp thích ứng với BĐKH, giảm rủi ro thiên tai, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết TPHCM đã tham gia Tổ chức C40 (Tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng với BĐKH) cũng như có nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
TPHCM hiện đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu xây dựng các thể chế, tạo hành lang pháp lý, tiến tới từng bước thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015. TPHCM cũng hợp tác với TP Osaka (Nhật Bản) trong chương trình phát triển TP phát thải carbon thấp và với TP Rotterdam (Hà Lan) trong chương trình “TPHCM phát triển về hướng biển thích ứng với BĐKH”.