Chủ động ứng phó lâu dài với dịch

Sau thành công về nghiên cứu, sản xuất đại trà bộ kit phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2 phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam vừa tiếp tục chế tạo thành công robot vận chuyển trong các khu vực cách ly Covid-19. Đây là những kết quả cụ thể trong việc sẵn sàng mở rộng nghiên cứu để chủ động ứng phó lâu dài với bệnh dịch này.
Bệnh nhân có thể tương tác với bác sĩ thông qua hệ thống cảm biến thông minh và đường truyền được gắn trên robot Vibot-1a
Bệnh nhân có thể tương tác với bác sĩ thông qua hệ thống cảm biến thông minh và đường truyền được gắn trên robot Vibot-1a

Robot hỗ trợ y tế khu vực cách ly

Trên cơ sở đề xuất của Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng), Bộ KH-CN đã quyết định giao cho Học viện Kỹ thuật Quân sự nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của hãng Aethon, Mỹ. Với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu trẻ, chỉ trong 2 tuần, robot mang tên Vibot, phiên bản 1a đã được chế tạo và có thể đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt... từ buồng bệnh ra khu tập kết. Phiên bản Vibot-1a sử dụng kỹ thuật dẫn đường bằng vạch từ và định vị bằng thẻ nhận dạng, tuy đơn giản nhưng có độ tin cậy cao, cho phép robot tự di chuyển trong khu vực cách ly để thực hiện các nhiệm vụ. 

Vibot-1a có khả năng phát hiện và tránh va chạm vật cản nhờ các cảm biến trang bị ở phía trước và phía sau. Với nguồn pin công suất lớn và trạm sạc tự động, Vibot-1a có thể làm việc liên tục 12 giờ và tự động về trạm để sạc khi cạn nguồn. Hiện nay, Vibot-1a đang chạy thử nghiệm tại môi trường thực tế và nhận được phản hồi tốt tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội (nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị các bệnh nhân Covid-19 khi dịch bùng phát). Qua tính toán sơ bộ, mỗi robot có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế.

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, Vibot-1a được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100kg. Quá trình vận chuyển, robot có thể phát nhạc, phát bản tin giải trí. Sử dụng cảm biến thông minh, Vibot có thể phát ra nhiều âm thanh như “xin tránh đường”, “xin cảm ơn”, “tạm biệt”. Đặc biệt, các bác sĩ có thể tương tác với bệnh nhân thông qua hệ thống đường truyền được thiết lập riêng, có camera gắn trực tiếp trên robot với chất lượng hình ảnh, âm thanh cao… 

Theo GS-TS Nguyễn Văn Kính (Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam), Vibot-1a đã đáp ứng được bước đầu nhu cầu hỗ trợ điều trị Covid-19, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sĩ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn. 

Đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới; khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam. Sau khi nghiệm thu đề tài, Bộ KH-CN đã chính thức kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép sử dụng robot Vibot-1a hoạt động tại các cơ sở cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Thuốc điều trị và những nghiên cứu mới

Về hướng điều trị, Bộ KH-CN đã phê duyệt đề tài độc lập cấp Nhà nước “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus Corona mới”; giao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chủ trì, phối hợp thực hiện cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Viện Pasteur TPHCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc. Hơn 20 năm qua, lopinavir/ritonavir được dùng để phối hợp liều cố định trong điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS. Đây cũng là loại thuốc mà một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, sử dụng trong điều trị cho người mắc Covid-19. Nguyên nhân khiến họ lựa chọn là do loại biệt dược này rất hiệu quả trong việc loại trừ các protein gai bám của SARS-CoV-2 lên tế bào người khi xâm nhập, tương tự cách thức nó loại bỏ protein gai bám của virus HIV/AIDS. Tuy nhiên, lopinavir/ritonavir lại ẩn chứa một số tác dụng phụ như tiêu chảy, nôn mửa, thậm chí ảnh hưởng đến gan, tụy của người dùng. Vì vậy, Bộ KH-CN và Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị đánh giá, nhìn nhận tính hiệu quả và sự an toàn của thuốc trước khi quyết định áp dụng trong điều trị trên thực tế.

Các chuyên gia cũng đã đề xuất thêm một giải pháp khác trong điều trị, đó là dùng kháng thể đơn dòng. Việc dùng kháng thể đơn dòng để vô hiệu hóa virus cũng là một phần trong xu hướng điều trị bệnh dịch của thế giới hiện nay. Ở thời điểm hiện tại, cùng với một số trường, viện thuộc Bộ Y tế, một số trường, viện và phòng thí nghiệm khác ở Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… đã có những công trình nghiên cứu về các kháng thể đơn dòng. Đây sẽ là cơ hội để Bộ KH-CN cùng Bộ Y tế tuyển chọn, đặt hàng để có thể nghiên cứu, phát triển và sản xuất những sản phẩm hiệu quả, chính xác và độ an toàn cao. 

Mới đây, Bộ Quốc phòng cho biết, đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu các biện pháp phòng chống Covid-19. Trong đó, chú trọng triển khai hợp tác với Cuba và Nga để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nghiên cứu về thuốc điều trị và dự phòng dịch Covid-19. Các nhà khoa học khẳng định, để có được những giải pháp hữu hiệu bổ trợ cho các kịch bản ứng phó và kiểm soát dịch bệnh toàn diện, Việt Nam cần triển khai thêm nhiều hướng nghiên cứu quan trọng khác, như: sự biến đổi gene và lưu hành của SARS-CoV-2 trên động vật, nhất là động vật có những tiếp xúc gần với người; đánh giá môi trường có virus lưu hành; thiết kế và chế tạo hệ thống khử khuẩn toàn thân có thể dùng ở các môi trường công cộng như sân bay, bệnh viện, bến tàu, trường học... 

Theo khảo sát của Văn phòng “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844, Bộ KH-CN), đến thời điểm này, Việt Nam đã có 45 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ trực tiếp phòng chống dịch bệnh, giúp giải quyết vấn đề cho nhóm cộng đồng đang cách ly, hay hỗ trợ nhóm chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19. Các dự án/doanh nghiệp này chia thành ba nhóm: cung cấp giải pháp xử lý trực tiếp; cung cấp giải pháp hỗ trợ người chịu ảnh hưởng của cách ly hoặc giúp cộng đồng hạn chế đi lại; cung cấp giải pháp hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục