Năm 2017, Việt Nam đạt kỷ lục lịch sử về số trận bão xuất hiện trên biển Đông với 16 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới, vượt quá dự báo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia chỉ có khoảng 10 - 11 cơn bão hoạt động mỗi năm. Nhận thấy tình hình thiên tai diễn biến thất thường, UBND TPHCM đã có chỉ thị tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến thời tiết.
TPHCM tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm ứng phó trước diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão. Ảnh: THANH HẢI
Thiên tai ngày càng phức tạp Năm 2017, tại TPHCM xảy ra 3 đợt lốc xoáy và mưa dông, 9 đợt triều cường lớn (đỉnh triều đạt và vượt mức báo động 3), 14 vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch. Thiên tai đã làm bị thương 6 người do cây xanh ngã đè; hư hỏng hoàn toàn 3 căn nhà tạm, tốc mái và hư hỏng một phần 288 căn nhà, 12 trường học và 281 phòng trọ, 7 ô tô hư hỏng, ngã 392 cây xanh và 30 trụ điện, sạt lở khoảng 5.539m2 đất và 215m kè đá. Đặc biệt, cơn bão số 16 (Tembin) có hướng đi dị thường khi xuất hiện vào cuối mùa, đi vào vùng biển Nam bộ (gần giống cơn bão Linda năm 1997) với cường độ mạnh nhất trong khoảng 40 năm qua, gây nhiều khó khăn trong công tác dự báo. Với phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “3 sẵn sàng”, năm qua, UBND các quận huyện, đoàn thể, sở ngành nhờ triển khai thực hiện tốt các nội dung được phân công nên đã dự báo và tổ chức phòng tránh kịp thời, nhanh chóng huy động lực lượng, vật tư, kinh phí để khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, giúp nhân dân ổn định đời sống và sản xuất trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế khi công tác chỉ đạo của một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, công tác phối hợp giữa các đơn vị đôi khi chưa kịp thời, đặc biệt khó khăn về nguồn vốn cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án phòng chống thiên tai.Phối hợp để ứng phó Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, năm 2018, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp khi ngay từ tháng 1, bão Bolaven đã xuất hiện ở khu vực giữa biển Đông, đe dọa các tỉnh ven biển Nam Trung bộ. Từ đó, UBND TPHCM đã yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống, ứng phó thiên tai; phát huy những ưu điểm chương trình, dự án, công việc mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Điều chỉnh, bổ sung các phương án phòng chống, ứng phó giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Xây dựng hoàn thiện bản đồ cảnh báo ngập lụt, nước dâng do ảnh hưởng của bão mạnh đến cấp phường xã, giúp nhân dân chủ động di dời, tránh trú an toàn. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP rà soát và đề xuất UBND TPHCM chủ trương đầu tư nâng cấp hoặc tu sửa các công trình phòng chống thiên tai, khắc phục sạt lở bờ sông, biển theo hướng đảm bảo tính hiệu quả sử dụng lâu dài, nhất là dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong cảnh báo dông sét, hoàn thiện nâng cấp trạm rađa Nhà Bè để đáp ứng yêu cầu trong công tác dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm. Phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan quyết định vận hành điều tiết tích - xả lũ của hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An hợp lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, trang thiết bị đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển. Nắm số lượng tàu cá, thuyền viên đang hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và ngư trường khai thác của tàu cá để kịp thời hướng dẫn đến nơi neo đậu an toàn. Sở Giao thông Vận tải khẩn trương tổ chức rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh mục rỗng, sâu bệnh, tán lá lớn để đốn hoặc tỉa cành, nhánh, đảm bảo an toàn, không đổ do dông gió, lốc xoáy gây thiệt hại, đặc biệt là tính mạng của người dân trong khi tham gia giao thông. Nghiên cứu, rà soát phương án trồng cây xanh trên địa bàn thành phố đảm bảo phù hợp với quy hoạch cây xanh đô thị và an toàn khi xảy ra thiên tai. Nhằm tránh xảy ra sự cố tràn dầu, kho chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khuyến cáo các chủ cơ sở thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, khắc phục kịp thời, bảo vệ môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố. Kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi ở lòng sông không phép, trái phép gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch của tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và vùng biển Cần Giờ. Sở Xây dựng kiểm tra, hướng dẫn, cảnh báo các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo, vận hành cần cẩu tại các công trình thi công, nhất là đối với các công trình trên cao. Tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình gồm trụ sở làm việc, chung cư và các công trình công cộng xuống cấp, có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn. Tổng công ty Điện lực TPHCM kiểm tra, đảm bảo nguồn điện liên tục cho các cơ quan trọng yếu của TP, quận huyện, bệnh viện, trạm bơm chống úng, cống ngăn triều.