Chủ động ứng phó với ngập úng
Trước trận mưa nặng hạt diễn ra vào đêm 1-5, rạng sáng 2-5 gây ngập nhiều nơi, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, cho rằng những ngày qua xảy ra một số cơn mưa trái mùa với vũ lượng lớn, gây ngập cho một số tuyến đường. Đồng thời cho biết trung tâm đã tổ chức nạo vét cống, mương thoát nước; phối hợp với các quận - huyện xử lý đối với các trường hợp lấn kênh mương, cửa xả để chuẩn bị công tác tiêu thoát nước trước mùa mưa đang đến.
Đối với việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở - ngành tập trung hoàn thành các đề án, nội dung theo kế hoạch để kịp trình kỳ họp HĐND TP xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2018.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở TN-MT rà soát lại các dự án bất động sản ở huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.
“Khu vực này hiện có 85 dự án bất động sản treo, gây khó khăn cho đời sống người dân”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận xét và yêu cầu Sở TN-MT lập tổ công tác để rà soát lại và xem xét thu hồi với các dự án không thể triển khai, không để xảy ra tình trạng phân lô bán nền phá vỡ quy hoạch.
Xử lý các đối tượng tung tin đồn thổi giá đất
Cùng ngày, UBND TPHCM cũng tổ chức cuộc họp báo định kỳ liên quan tình hình kinh tế - xã hội của TP.
Tại đây, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, khẳng định TP đã xem xét rất kỹ khi chọn phương án thiết kế của dự án nâng cấp, cải tạo trụ sở HĐND - UBND TP. Qua triển lãm lấy ý kiến, 60% ý kiến (trong tổng số 110 phiếu khảo sát thu được) ủng hộ.
Ngoài ra, tòa nhà là trụ sở của Sở Thông tin - Truyền thông hiện nay (gần 130 năm, có khả năng sẽ bị đập bỏ) không nằm trong danh mục di tích nên TP quyết định không bảo tồn.
Theo ông Nhã, nhiều người bày tỏ tiếc nuối đối với công trình kiến trúc cũ nhưng phải tùy vào từng điều kiện và hoàn cảnh. Chỉ những công trình là di tích sẽ giữ nguyên trạng, còn những công trình cũ thì có nhiều cách để gìn giữ như giữ lại một số nét đặc biệt hoặc giữ lại bằng… mô hình! Theo ông Nhã, các giải pháp bảo tồn mà ông trình bày trên đảm bảo các thế hệ sau vẫn có thể nhận diện được dấu ấn lịch sử của công trình.
Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết thêm phương án mà TP vừa triển lãm, lấy ý kiến, là nhằm nâng cấp, cải tạo trụ sở HĐND - UBND TP hiện hữu, không phải là xây dựng trung tâm hành chính của TP.
“TP đang xây dựng đô thị thông minh nên cũng cần một trụ sở vừa phải như công trình UBND TP sau khi cải tạo để các nơi khác có thể kết nối vào khu vực trung tâm”, ông Hoan giải thích thêm và nhấn mạnh, trung tâm này có thể nhỏ nhưng phải hiện đại và đảm bảo yêu cầu quản lý điều hành. Vì vậy, việc cải tạo, nâng cấp và mở rộng trụ sở UBND-HĐND TP là cần thiết. TP tôn trọng thiết kế cũ, tôn trọng các ý kiến khác để xử lý cho hài hòa. Do vậy, TP trân trọng những ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học và người dân TP và sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
Về tình trạng sốt đất nền, đặc biệt là ở quận 2, quận 9, ông Phạm Đăng Hồ, Phó phòng Phát triển nhà và Trung tâm bất động sản (Sở Xây dựng), cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt đất là do dự báo về phát triển kinh tế Việt Nam và TPHCM năm 2018 tăng trưởng tốt. Kế đến là việc thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn quận 2, quận 9 như: nút giao Mỹ Thủy, nâng cấp các tuyến đường như Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Cư Trinh, dự án đường sắt đô thị... Đặc biệt, TP có chủ trương xây dựng khu đô thị sáng tạo ở khu Đông. Cùng với đó, từ vụ cháy ở một số chung cư, người dân chuyển hướng, có tâm lý muốn mua đất nền.
“Ngoài ra, một số đối tượng còn tung tin đẩy giá dẫn đến việc đổ xô mua đất nền, gây ra sốt giá đất”, ông Phạm Đăng Hồ nói và cho biết Sở Xây dựng đã đề nghị công an xác minh, điều tra và đề nghị chính quyền địa phương phải xử lý các đối tượng tung tin đồn thổi giá đất. Mặt khác, cần công khai minh bạch các dự án tiến độ đầu tư hạ tầng để người dân nắm bắt, tránh những thông tin sai lệch.
Ở TPHCM có vài nhà, đất liên quan đến Vũ “nhôm”
Tại cuộc họp, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết những thông tin về các sai phạm của ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, đã có từ 5 năm trước. Trong đó, có những vụ việc là kết quả thanh tra trước khi ông Lê Tấn Hùng về Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.
Về một số dự án liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) tại TP, ông Hoan nói vụ việc liên quan đến Vũ “nhôm” là vụ án lớn, trọng điểm đang được Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo. Ở TP có vướng 1, 2 địa chỉ và những địa chỉ đó phần lớn là các cơ quan Trung ương quản lý.