Chữa “căn bệnh” chậm giải ngân vốn ODA

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ đạt 9,12% kế hoạch được giao. Đây là kết quả khá khiêm tốn sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt.

Tình trạng giải ngân chậm kéo dài dai dẳng và “căn bệnh” càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm vốn như: chậm giải phóng mặt bằng, khác biệt về quản lý hợp đồng giữa Việt Nam với nhà tài trợ nước ngoài, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư mất nhiều thời gian, không có khối lượng hoàn thành để giải ngân... Nhưng, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện. Bởi, cùng một điều kiện, cơ chế chính sách như nhau, có những bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân cao, nhưng lại có nơi giải ngân thấp, thậm chí có địa phương chưa giải ngân được đồng nào.

Để thúc đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án; kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai và giải ngân; điều chuyển kế hoạch vốn giữa dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Đối với dự án không có khả năng hoàn thành khối lượng theo tiến độ đặt ra thì phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai hiệu quả giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành giải ngân, đặc biệt đối với các dự án kết thúc; điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay; kiểm soát chi, giải ngân, xử lý đơn rút vốn của nhà tài trợ.

Tại Công điện 307/CĐ-TTg (ngày 8-4-2022), Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới; rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ giải ngân vốn ODA năm 2022.

Cũng tại Công điện 307, Chính phủ giao Bộ KH-ĐT tổng hợp ý kiến của bộ ngành, địa phương về vướng mắc của Nghị định 114/NĐ-CP (về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài), để sửa đổi, nhằm tạo điều kiện giải ngân vốn ODA và báo cáo Chính phủ trước ngày 30-6. Theo Bộ KH-ĐT, dù đã nhiều lần thông báo, đôn đốc nhưng nhiều bộ ngành, địa phương vẫn “hững hờ”.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài được xem là giải pháp quan trọng để kinh tế năm 2022 phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, tình trạng giải ngân chậm chưa được cải thiện và tái diễn những tháng đầu năm đã làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn, gây lãng phí nguồn lực. Do đó, cần thiết phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ODA, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Bộ KH-ĐT cũng cần khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 114/2021/NĐ-CP nhằm đơn giản hóa về quy trình, thủ tục để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; tăng cường phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn ODA gắn với trách nhiệm của các cấp, đơn vị sử dụng vốn ODA.

Tin cùng chuyên mục