Chua chát đời xoay

Hiểm nguy rình rập
Chua chát đời xoay

Xoay (nhiều nơi gọi là trái xay) là thứ quả có vị chua chua ngọt ngọt nên được nhiều người ưa chuộng. Loại quả đặc biệt này chỉ có duy nhất ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), địa phương hiện có diện tích rừng lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Vào mùa xoay, từng đoàn người kéo vào những cánh rừng sâu ở huyện Kbang, đánh đu trên những ngọn cây cao vút tìm quả để hái. Năm nào cũng có người mãi mãi nằm lại trong rừng sâu, thế nhưng những “thợ xoay” vẫn bất chấp nguy hiểm để mưu sinh.

Anh Nguyễn Đăng Thông leo cành cao hái xoay trong rừng sâu.

Anh Nguyễn Đăng Thông leo cành cao hái xoay trong rừng sâu.

Hiểm nguy rình rập

Đã thành lệ, khi mùa mưa ở Tây Nguyên sắp chấm dứt (khoảng cuối tháng 9 - PV) cũng là lúc vợ chồng anh Nguyễn Đăng Thông ở xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) tất bật với công việc hái xoay. Mặc dù là nghề tay trái nhưng thu nhập đem lại khá cao nên không năm nào vợ chồng anh Thông bỏ lỡ “lộc rừng”.

Mặt trời chưa ló dạng, anh Thông và vợ đã chỉn chu cơm đùm cơm nắm, chuẩn bị đồ nghề cho chuyến đi rừng. Đi cùng họ còn có anh Đinh Văn Kiệt, một “đồng nghiệp” lâu năm. Anh Đinh Văn Kiệt cho biết, muốn hái được xoay ngoài khả năng leo dây, thông thuộc đường rừng thì những người hái xoay nhất thiết phải đi thành nhóm vài ba người trở lên và phải có đàn ông đi kèm để tránh những bất trắc như gặp thú dữ, các băng nhóm tranh giành... “Nghề này nguy hiểm lắm, chỉ cần một chút sơ sẩy là tan xương nát thịt như chơi. Chỉ những người nghèo mới dám mạo hiểm vào rừng hái xoay thôi”, anh Nguyễn Đăng Thông tiếp lời.

Theo dân trong nghề thì chỉ tại những cách rừng sâu tại Kbang mới có cây xoay. Trong đó, những cánh rừng thuộc các xã Sơn Lang, Krong, Sơ Pai là nơi tập trung nhiều xoay nhất, đặc biệt là rừng thuộc Lâm trường Sơ Pai, Lâm trường 3, Lâm trường 4... Đây đều là những cánh rừng nguyên sinh có nhiều cây xoay, đường kính lớn tới 2 - 3 người ôm và cao 40 - 50m. Theo chu kỳ, cứ 3 năm xoay mới rộ trái một lần. Mùa xoay thường bắt đầu vào giữa tháng 9 và kéo dài trong vòng hơn 1 tháng. Những năm trước, khi những cánh rừng Kbang còn nhiều xoay, ngoài người dân tại chỗ thì dân các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ngãi… cũng đổ về đây hái xoay, bởi so với các việc khác, thu nhập từ quả xoay rất cao. Bây giờ, cây xoay ngày một hiếm, thu nhập giảm đi nhưng hái xoay vẫn còn là một công việc hấp dẫn, giúp người nghèo có cơ hội kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống.

Đứng dưới gốc một cây có vỏ màu trắng, cao khoảng 35m, thân to đến 2 - 3 người ôm, dưới gốc rụng nhiều quả nhỏ xíu bằng ngón tay út, lông mịn óng ánh như nhung, anh Thông ngước mắt nhìn lên rồi cười hớn hở: “Xoay đấy, hôm nay gặp may rồi, cây này hái ít nhất cũng được 3 bao”. Chưa đợi anh Thông nói hết câu, anh Kiệt đã nhanh tay cài lưỡi dao sau lưng, rồi buộc một đầu sợi dây thừng vào cây xoay, đầu kia buộc vào người, trèo thoăn thoắt. Chỉ trong chớp mắt, anh đã treo mình vắt vẻo trên ngọn cây cao. Ngay lập tức, liên tiếp những cành xoay to bằng bắp tay, nặng trĩu hạt được anh Kiệt chặt thả xuống, chất đầy quanh gốc cây.

Vừa cặm cụi hái những quả xoay cho vào bao, anh Thông vừa kể: “Thông thường một cây xoay chỉ hái được từ 1 - 2 bao, mỗi bao khoảng 20 - 30kg. Cây nào sai thì nhiều hơn. Xoay hái về được thương lái đến mua tận nơi. Một ký xoay có giá xấp xỉ 30.000 đồng. Khi về tới các trung tâm, ví dụ như TPHCM, mỗi ký xoay có giá gần 100.000 đồng. Nhóm tôi 3 người đi một ngày có thể kiếm từ 50 - 60kg. Thu nhập khá cao, vì thế tụi tôi mới liều mạng đi hái xoay chứ”. Anh Thông cho biết thêm, những gốc xoay đã có người hái trước thường để lại dây leo thòng lọng hoặc “sào ken” (từ lóng của dân xoay, chỉ những cây gỗ nhỏ buộc ôm sát vào thân cây để bấu tay leo lên ngọn). Gặp những cây này thì người hái còn dễ dàng đu lên cây, nhưng nếu gặp một cây xoay chưa từng có người hái nằm ở khoảng trống, thẳng đuột và không có dây leo thì cách duy nhất là dựa vào những cây nhỏ gần đó để trèo lên rồi dần dần vươn mình tiếp cận ngọn cây xoay.

Điều khiến người hái xoay lo sợ nhất là trượt chân té ngã. Nếu chẳng may té xuống, nạn nhân khó thoát khỏi cái chết. “Hôm nào bước chân ra khỏi nhà, tôi cũng chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất, bởi không biết khi nào rủi ro sẽ xảy đến với mình. Việc chứng kiến dân xoay bị té ngã là chuyện bình thường với chúng tôi. Lần đầu thì sợ thật nhưng dần rồi cũng quen. Cách đây gần 4 năm, tôi từng chứng kiến một người đàn ông quê Nghệ An sẩy chân rơi từ đọt xoay cao gần 40m, chết nát người, cách cây xoay tôi chuẩn bị trèo chưa đầy 10m. Lần đó tôi sợ lắm, tự bảo mình sẽ thôi nghề này nhưng rồi có bỏ được đâu”, anh Thông chia sẻ.

Tận diệt lộc rừng

Xoay là thứ đặc sản dân dã đặc biệt của núi rừng Kbang, khi chín quả có màu nâu óng mịn như nhung, có vị chua chua ngọt ngọt, dùng ăn sống hay ngào chung với đường đều rất ngon nên dân thành thị rất ưa chuộng. Thương lái lùng sục, thu gom nên dòng người lũ lượt kéo nhau lên rừng hái xoay ngày một đông. Những cánh rừng xoay cứ oằn mình chịu trận, nhiều cây bị vặt trụi chỉ còn trơ ngọn. Dọc theo đường mòn xuyên qua những cánh rừng, vẫn còn đó một số cây xoay bị chặt cành, tróc quả. Nhìn vết chặt đã héo đủ biết những cây xoay bị “xử” từ lâu. Không chỉ hái xoay chín, để chắc ăn người ta còn chặt luôn cả những cành xoay còn xanh non, các rừng xoay bị vắt kiệt đến tận cùng. Lộc rừng vì thế ngày càng khan hiếm dần. Ông Nguyễn Đình Khiêm, một người hái xoay ở thôn 2, xã Sơn Lang (huyện Kbang) cho biết: “Trước đây, thương lái không mua xoay xanh nên phải chờ xoay chín mới đi hái. Nhưng vài ba năm trở lại đây, thương lái mua cả trái xoay xanh về ủ chín nên ai cũng tranh thủ đi hái. Vẫn biết xoay xanh bán ít tiền hơn xoay chín nhưng mình không hái thì người khác cũng hái thôi”.

So với mọi năm, mùa xoay năm nay sản lượng ít hơn hẳn. Ngoài các nguyên nhân do điều kiện tự nhiên thì cách thu hái theo kiểu tận diệt của con người là một trong những nguyên nhân khiến thứ đặc sản núi rừng ngày càng cạn. Chị Đinh H’liêu, một người hái xoay ở xã Đăk Roong (huyện Kbang) nói như than: “Vợ chồng mình chỉ có 2 sào đất rẫy nên cuộc sống gia đình hiếm khi được no cái bụng. Những năm trước, nhờ vào việc hái xoay nên vợ chồng mình còn có tiền mua gạo mắm và mua quần áo mới cho mấy đứa con đến trường. Năm nay xoay ít trái quá, từ đầu vụ đến giờ vợ chồng mình không hái được nhiều. Trước đây, chỉ cần ở ngoài bìa rừng là đã có thể tìm thấy xoay, nhưng bây giờ phải lội bộ vào sâu trong rừng mới có vài cây, nhưng trái lại không nhiều”.

Theo các cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, cây xoay không sống tập trung thành vùng mà phân bố rải rác ở các cánh rừng thuộc lâm phần quản lý của 7 công ty lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện. Hiện tại, chưa có thống kê cụ thể sản lượng mỗi vụ xoay ở rừng Kbang là bao nhiêu. Nguồn lâm sản phụ này nếu được khai thác đúng chu kỳ và đúng cách sẽ mang lại nguồn thu nhập không nhỏ. Do đó, việc người dân hái xoay xanh bán giá thấp hơn 1/3 giá xoay chín, hay chặt cả những cành to để thu quả là một sự lãng phí, ảnh hưởng đến những mùa sau.

Ông Võ Đình Chinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, cho biết: “Cây xoay thuộc nhóm lâm sản phụ được phép khai thác nên không thể cấm người dân vào rừng thu hái. Hạt kiểm lâm phối hợp với các lâm trường chỉ cử cán bộ vào tận nơi tìm gặp người dân để quán triệt việc không triệt hạ những cành chủ, ảnh hưởng đến cây. Ngoài ra, UBND huyện Kbang cũng thường xuyên chỉ đạo các lâm trường và các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác bảo vệ, quản lý và giám sát rừng để hạn chế tình trạng khai thác xoay không đúng cách, ảnh hưởng hệ sinh thái rừng”.

Một mùa xoay nữa sắp trôi qua, từ những cánh rừng, quả xoay theo thương lái tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Món quà quê dân dã của đại ngàn Tây Nguyên đã khiến bao người mê mẩn, đợi chờ mùa xoay chín. Nhưng mấy ai biết rằng, để có được thứ quả chua chua ngọt ngọt kia, nhiều người thợ rừng đã mãi mãi không trở về và những người khác sẵn sàng đánh cược cả tính mạng của mình với rừng xanh.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục