Chưa có môi trường kinh doanh trật tự và công bằng

(SGGPO).- Sáng 17-12, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo về việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế 2011 - 2015 hướng đến xây dựng Đề án Tái cơ cấu 2016 - 2020.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: “Việt Nam không phải quốc gia thiếu nguồn lực mà là sử dụng kém hiệu quả, đó chính là vấn đề của tái cơ cấu, nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu tái cơ cấu”.

Đánh giá hiệu quả của quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế 2011 - 2015, TS Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, hiệu quả đầu tư và tốc độ tăng năng suất lao động có phần cải thiện, nhưng chưa phục hồi. “Tuy nhiên, quyền sở hữu tài sản của cá nhân, pháp nhân chưa được bảo vệ một cách chắc chắn và tin cậy. Không có thị trường sơ cấp về đất đai, tài nguyên thiên nhiên; thị trường thứ cấp rất méo mó, sai lệch, rủi ro cao, chi phí giao dịch cao”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định. Đơn cử như giá đất lại thay đổi rất lớn giữa những người sử dụng đất khác nhau (doanh nghiệp được giao đất với doanh nghiệp phải bỏ tiền mua đất). Mặc dù khâu gia nhập thị trường có bước tiến lớn, nhưng vẫn chưa có môi trường kinh doanh trật tự và công bằng.

Đáng lưu ý, trong thời gian tới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng lớn sẽ cải cách các lĩnh vực DNNN, nhưng không hẳn đã như vậy,  ông Cung cho biết. Đó là do các hiệp định này quá chung chung, không có những yêu cầu hay nội dung cụ thể liên quan đến cải cách thể chế trong nước, trừ quyền tự do lập hội của người lao động. Hay như về DNNN thì chỉ nhấn mạnh đến bình đẳng giữa DNNN của Việt Nam với doanh nghiệp của các nước thành viên TPP, còn những bất bình đẳng, đặc quyền gì đó của DNNN với doanh nghiệp tư nhân thì về cơ bản không có trong Hiệp định… Họ không ép ta cải cách bên trong, vậy cơ hội là gỉ? FTA nói chung và TPP nói riêng về bản chất là tự do kinh doanh hơn, thuận lợi kinh doanh hơn, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích cuả nhà đầu tư, cạnh tranh bình đẳng, đối xử bình đẳng hơn. Kinh tế thị trường ngày càng tự do hơn, trật tự và bao dung hơn. Vậy hội nhập trước hết là phải đổi mới tư duy, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn theo hướng kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ.

“Chúng ta phải thay đổi đủ toàn diện, đủ mạnh và nhất quán để hiện thực hóa cơ hộ, chuyển thách thức và điểm yếu thành cơ hội, đó là trọng tâm tái cơ cấu 2016 - 2020”, Viện trưởng CIEM khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, rất cần quan tâm nhận định “đúng và quan trọng” của IMF là việc Chính phủ duy trì mức thâm hụt ngân sách trong giai đoạn tới như hiện nay sẽ làm cho tỷ lệ nợ công/GDP sẽ tăng tới mức không bền vững. Bên cạnh đó, về điều hành chính sách tiền tệ, việc tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 nhưng không đi vào các hoạt động sản xuất là một quan ngại. Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng dư nợ cho nền kinh tế tăng 12,1%, nhưng phần tín dụng cho công nghiệp chỉ tăng 6,7%; xây dựng tăng 14,3% trong khi tiêu dùng cá nhân và bất động sản tăng tới 18,7%.  

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục