Chưa làm tốt việc đa dạng hóa thị trường nhập khẩu

(SGGP).- Hôm qua, 7-7, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 6. Liên quan đến quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, theo thống kê của Bộ Công thương, tính riêng tháng 5 và tháng 6 năm 2014, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc giảm nhẹ, chủ yếu giảm ở mặt hàng nông sản. Ngược lại nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng trưởng (tháng 5 tăng 30,1% và tháng 6 tăng 11,4%). Bình luận về điều này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, số liệu trên cho thấy chúng ta đang làm tốt việc xuất khẩu vào các thị trường khác và thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Còn về nhập khẩu từ Trung Quốc tăng thể hiện hoạt động sản xuất trong nước phục hồi nhưng cũng cho thấy chưa làm tốt việc phải làm là đa dạng hóa thị trường nhập khẩu khác hay đẩy mạnh sản xuất nguồn nguyên liệu thay thế trong nước.

Bộ Công thương đã khuyến cáo các doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử… chủ động tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác trong hoạt động xuất nhập khẩu tránh phụ thuộc vào một thị trường. Quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc có gắn bó chặt chẽ từ lâu và để tránh phụ thuộc lớn, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã đang làm các biện pháp là đàm phán các hiệp định thương mại tự do với EU; liên minh thuế quan Nga, Kazakhstan, Belarus; Hàn Quốc giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường; phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Trước câu hỏi về việc có thông tin cho rằng đến 90% các dự án tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận và công trình thường chậm tiến độ, đại diện Bộ Công thương cho rằng, đây là những thông tin chưa chính xác. Ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, cho biết, các dự án đều được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi và tuân thủ Luật Đấu thầu nên những dự án được chào với giá thấp nhất đều được trúng thầu. Còn lý do khiến các doanh nghiệp Trung Quốc thường trúng thầu là do giá bỏ thầu thấp nhất. Mặt khác, vấn đề tài chính cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng trên. Nhiều dự án thực hiện được do nhà thầu Trung Quốc thu xếp tài chính từ nguồn vay Trung Quốc. Còn về việc chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo thì cần phải xem xét lại các quy định liên quan về đấu thầu, chất lượng công trình.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tình hình sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2014 tăng 5,8%, đây là mức tăng cao hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2013 (tăng hơn 0,8 điểm phần trăm); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2014 với mức tăng 7,8%, cao hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm trước… Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng do sự kiện biển Đông nên tình hình sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp bị chậm lại. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương tình hình đã nhanh chóng ổn định trở lại, các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường.

NGỌC QUANG

Ngày 7-7, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2014. Ngoài những vấn đề chung, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp vì ngành này đang phải phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trong khoảng 10 năm trở lại đây Nghệ An đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn giống lúa từ Trung Quốc, đặc biệt là giống lúa lai F1. Có thời điểm tỉnh này gieo trồng khoảng 80.000ha giống lúa lai Trung Quốc trên tổng diện tích 184.000ha. Gần đây, giống lúa Trung Quốc đang bộc lộ nhiều bất cập như chất lượng không bằng giống của chính Việt Nam và Ấn Độ, khi mua giống từ Trung Quốc chúng ta phải phụ thuộc vào họ, bị nâng ép giá... Chính vì vậy, trong mấy năm gần đây, Nghệ An đã giảm 22.000 - 23.000ha diện tích giống lúa Trung Quốc.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục