Chủ đề này được triển khai đồng bộ trên toàn thế giới nhằm kêu gọi cộng đồng loại bỏ chất gây hại môi trường bằng cách sử dụng tủ lạnh, máy điều hòa và các thiết bị khác một cách trách nhiệm hơn.
Trước thực tế đó, nhiều nước tham gia Nghị định thư Montreal và Hiệp ước quốc tế về bảo vệ tầng ozone đã cố gắng loại bỏ chất làm suy giảm tầng ozone trong nhiều năm qua. Gần đây nhất, các nước còn tham gia vào bản sửa đổi, bổ sung Kigali (Việt Nam là một trong các nước tham gia đầu tiên). Theo đó, các quốc gia phê chuẩn bản sửa đổi, bổ sung Kigali đã cam kết cắt giảm sản xuất và tiêu thụ chất HFCs hơn 80% trong vòng 30 năm tới và thay thế chúng bằng các phương án thân thiện với môi trường hơn. Dự kiến văn bản sửa đổi trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 sẽ giúp tránh được tình trạng nóng lên toàn cầu vào cuối thế kỷ này.
Ông Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Khí tượng - thủy văn và Biến đối khí hậu TPHCM, cũng cho biết nhận thức rõ những tác động từ sự nóng lên của bầu khí quyển và quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế hành động để bảo vệ tầng ozone, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone vào năm 1994... Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng tuyên truyền vận động cộng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức trao giải thưởng cho các doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động chuyển đổi công nghệ; tăng cường kiểm soát và loại trừ các chất HFC thuộc Nghị định thư Montreal ra khỏi hoạt động sản xuất, tiêu dùng... Tuy nhiên, để việc tham gia loại trừ khí thải gây ô nhiễm môi trường nói chung và gây tổn hại tầng ozone nói riêng, rất cần sự tham gia của cộng đồng trong việc không sử dụng sản phẩm có chứa chất gây hại tầng ozone. Đây cũng là giải pháp cần thiết để doanh nghiệp sản xuất mạnh dạn loại bỏ dây chuyền, công nghệ sản xuất sản phẩm gây hại cho môi trường.