Chung tay ứng phó đại dịch toàn cầu

Ngày 24-5, kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) lần thứ 74 diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Tại kỳ họp kéo dài đến ngày 1-6, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về các nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19 và xem xét những kêu gọi cải tổ toàn bộ hệ thống y tế toàn cầu nhằm giúp ngăn ngừa những thảm họa tương tự như Covid-19 xảy ra trong tương lai.
Vận chuyển vaccine Covid-19 tại Mỹ
Vận chuyển vaccine Covid-19 tại Mỹ

Cần độc lập, minh bạch 

Tham gia kỳ họp thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần này có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bộ trưởng y tế và các đại diện cấp cao khác của 194 nước thành viên WHO. 

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tổng Thư ký LHQ Guterres cảnh báo thế giới đang trong trận chiến chống Covid-19 và kêu gọi quốc tế vận dụng tư duy logic thời chiến để ngăn đại dịch. Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đang khiến những người dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu nhiều nhất. Sự xuất hiện của các biến thể có thể cướp đi thêm sinh mạng của hàng trăm ngàn người, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Điều cần thiết nhất hiện nay là thế giới cần phải nâng cao khả năng ứng phó nhằm đánh bại Covid-19.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi trao cho WHO quyền nhanh chóng đến các nước có số ca mắc Covid-19 tăng nhanh có nguy cơ bùng phát thành đại dịch và truy cập dữ liệu. Trong các bài phát biểu được ghi âm trước được gửi tới cuộc họp trên, Tổng thống Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi tăng quỹ ứng phó với đại dịch của WHO.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu với số ca mắc mới không ngừng gia tăng tại châu Á. Do đó, điểm nhấn của kỳ họp là phiên thảo luận diễn ra ngày 25-5 với báo cáo của một số nhóm chuyên gia độc lập đánh giá những khía cạnh khác nhau về cách ứng phó với đại dịch toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng, nhiều quốc gia và thể chế chưa có tâm thế sẵn sàng để ứng phó với cuộc khủng hoảng, theo đó cần cải tổ toàn bộ hệ thống cảnh báo toàn cầu. Họ cũng hối thúc cải cách WHO nhằm tăng tính độc lập, minh bạch và nguồn tài trợ.

Hiện một dự thảo nghị quyết củng cố tổ chức đa phương này cũng đang được đưa ra thảo luận. Văn bản chưa được công bố này dự kiến kêu gọi các nước đưa ra nội dung đánh giá về khả năng sẵn sàng của họ trong việc đối phó với đại dịch. Dự thảo có thể đề xuất trao cho các chuyên gia của WHO quyền đi đến các nước để điều tra những mối đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe mà không chờ thư mời của các nước thành viên liên quan. Tuy nhiên, đề xuất trên vấp phải sự phản đối của một số nước khi lo ngại về vấn đề xâm phạm chủ quyền đất nước. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần tăng cường sự tin tưởng vào tính độc lập của WHO khi niềm tin này bị lung lay sau khi các nước đổ lỗi cho nhau về việc gây ra cuộc khủng hoảng và cáo buộc tổ chức này thiên vị nước khác. 

Thúc đẩy một hiệp ước quốc tế 

Cũng tại cuộc họp, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh sự hy sinh của đội ngũ y tế trên khắp thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch. Theo ông, ít nhất 115.000 nhân viên y tế đã tử vong do Covid-19 từ khi dịch bệnh bùng phát. Ông kêu gọi các nước có nguồn dự trữ vaccine phong phú chia sẻ và hợp tác nhằm thực hiện mục tiêu tiêm chủng cho 10% dân số mỗi nước trước tháng 10 năm nay.

Khoảng 1,5 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng các nước thu nhập thấp chỉ chiếm 0,3%. Tại những nước như Ấn Độ và Brazil, hàng ngàn người không được tiêm vaccine đang tử vong mỗi ngày vì đại dịch. Hiện một số nước cũng đang thúc đẩy việc khởi động các cuộc đàm phán hướng tới một hiệp ước quốc tế mới nhằm chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với đại dịch toàn cầu tiếp theo và tránh tình trạng tranh giành vaccine gây cản trở nỗ lực của toàn cầu chống Covid-19.  

Theo WHO, số người chết do Covid-19 trên toàn cầu đến nay có thể nhiều gấp 2-3 lần con số chính thức 3,4 triệu.

Tin cùng chuyên mục