Chương trình nghệ thuật Bài ca chiến thắng

* Lễ hội áo dài tại Festival Huế 2016
Chương trình nghệ thuật Bài ca chiến thắng

* Lễ hội áo dài tại Festival Huế 2016

(SGGP).- Tối 30-4, tại sân khấu Sen Hồng (Công viên 23-9, quận 1, TPHCM) đã diễn ra chương trình nghệ thuật Bài ca chiến thắng, kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 _ 30-4-2016).

Một tiết mục trong chương trình Bài ca chiến thắng diễn ra tối 30-4  Ảnh: MINH AN

Chương trình đã đưa khán giả trở về với những năm tháng hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, qua những ca khúc: Cùng hành quân giữa mùa xuân, Chào anh giải phóng quân - chào mùa xuân đại thắng, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Sài Gòn quật khởi, Giải phóng miền Nam…

Bức tranh TPHCM 41 năm sau ngày giải phóng cũng được khắc họa qua những ca khúc: Thành phố của tôi, Dấu yêu Việt Nam, Đất nước tôi hôm qua - hôm nay - ngày mai…

Chương trình có sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ: NSƯT Thanh Thúy, NSƯT Quế Trân, Cẩm Vân, Võ Hạ Trâm, Cẩm Ly, Anh Bằng, Đoan Trang…; các nhóm ca: V.Music, Mắt Ngọc, Lạc Việt, Nhật Nguyệt.

Tối cùng ngày, tại TPHCM đã diễn ra chương trình diễu hành nghệ thuật, rong diễn và biểu diễn thể thao, võ thuật tại 4 sân khấu trong khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ như: quân nhạc, kèn đồng thiếu nhi, biểu diễn đờn ca tài tử, xiếc, múa rối, hát bội, lân sư rồng…

Biểu diễn xiếc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

TPHCM cũng đã tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật tại 4 điểm: bắn pháo hoa tầm cao tại nóc hầm Thủ Thiêm (quận 2) và 3 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11), huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ, thu hút sự theo dõi của hàng ngàn người dân thành phố.

Tại festival Huế, lễ hội áo dài là chương trình luôn được du khách và người dân Huế chờ đón. Với tên gọi “Nơi huyền thoại bắt đầu”, lễ hội áo dài diễn ra vào 20 giờ tối 30-4 tại khu vực Bia Quốc học, bên dòng sông Hương thơ mộng đã để lại bao cảm xúc, ấn tượng với người xem.

Chương trình có sự góp mặt của 9 nhà thiết kế (NTK) đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi NTK có một ý tưởng sáng tạo, quan điểm nghệ thuật và phong cách riêng tạo ra sự đa dạng cho loại trang phục được xem là quốc phục.

Bên cạnh những NTK người Huế như Viết Bảo, Khánh Shyna, các NTK đến từ các tỉnh thành khác, như Sĩ Hoàng, Đức Hùng, Liên Hương, Thư - Ngân An,… đều mong muốn cống hiến cho người dân và du khách khắp nơi một đêm diễn tôn vinh loại trang phục áo dài đa dạng phong cách xưa và nay, vừa mang đậm tính cổ điển nhưng cũng thể hiện được sắc màu hiện đại, có thể kể đến như bộ sưu tập “Áo dài xưa và nay”, “Giao thoa” của NTK Sĩ Hoàng, “Dáng xưa” của NTK Lê Thanh Phương, “Sóng nước Hương Giang” của NTK Việt Hùng.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục