Chuyện buồn của người yêu sách

Mấy hôm nay, hầu như trên mạng xã hội ngày nào cũng có những status, comment mắng nhiếc 2 người của công chúng ngang nhiên ngồi trên 2 cái ghế, với 8 chân ghế kê cao bằng những cuốn sách. Lời mắng nhiếc, xỉ vả, xỉa xói, nguyền rủa, phỉ báng đủ mọi gam màu, mọi cấp độ khác nhau nhưng tựu trung là không thể chấp nhận hành động vô văn hóa ấy.
Chuyện buồn của người yêu sách

Mấy hôm nay, hầu như trên mạng xã hội ngày nào cũng có những status, comment mắng nhiếc 2 người của công chúng ngang nhiên ngồi trên 2 cái ghế, với 8 chân ghế kê cao bằng những cuốn sách. Lời mắng nhiếc, xỉ vả, xỉa xói, nguyền rủa, phỉ báng đủ mọi gam màu, mọi cấp độ khác nhau nhưng tựu trung là không thể chấp nhận hành động vô văn hóa ấy.

Sự “ném đá” quyết liệt này cũng không kém gì lúc chàng nghệ sĩ nọ đặt cược cuộc đời trong “ván bài lật ngửa”, tự lật mặt mình trước hàng triệu người đã từng ái mộ.

Ai ai cũng thừa biết vai trò của sách trong sự phát triển của nhân loại. Chỉ lược ghi lại vài câu nhớ nằm lòng, thời đi học thầy cô đã dạy: Để cho con một rương vàng không bằng để cho con một quyển sách (Ngạn ngữ Trung Hoa), Đọc sách hay tìm nguồn vui ở trong sách vở bao giờ cũng được coi là một lạc thú ở đời (Lâm Ngữ Đường), Một gian nhà không vở chẳng khác gì một ngày không có nắng (Tục ngữ Pháp), Sĩ phu mà 3 ngày không xem sách thì mặt mũi đáng ghét, nói chuyện lạt lẽo khó nghe (Hoàng Đình Kiên), Đọc sách là nói chuyện với những người thành thật nhất của các thế kỷ đã qua (Descarte), Nếu tôi có uy quyền, tôi sẽ gieo rắc sách khắp mặt đất như người ta gieo lúa trong các luống cày vậy (Horace Mann), Tiền vốn đặt vào bất cứ công việc nào cũng không lợi bằng đặt vào việc mua những sách hữu ích (H.N. Casson), Để trau dồi trí óc, một phương tiện khẩn thiết nhất và kiến hiệu nhất nếu chúng ta biết dùng, đó là đọc sách (Désiré Roustan)…

Vậy mà, nay có người cả gan lấy sách kê ghế ngồi. Hành động ấy khác nào một cú tát vào mặt những người tử tế.

Nói đi cũng phải nói lại. Nghĩ rằng, những người thực hiện hành động thấp kém như thất học ấy thừa biết mọi chuyện sẽ xảy ra. Tuy nhiên, họ vẫn cố tình làm. Tại sao? Một chương trình chưa phát sóng mà cả xã hội la ó, xỉa xói ầm ĩ thế này là nhà tổ chức “thành công” quá mức rồi. Tính ra vẫn còn rẻ chán. Theo thông tin từ một tờ báo, bà Nguyễn Ngọc Trang - biên tập chính talk show Giấu mặt (Công ty Truyền thông Đại sứ trẻ) giải thích rằng hôm quay chương trình, 2 chiếc ghế khách mời bị thấp hơn so với máy quay, nhưng ngoài trời đổ mưa nên bộ phận thiết kế không ra ngoài kiếm đồ kê được và “họ đành sử dụng những quyển sách đạo cụ cho một cảnh quay khác để kê ghế cho Lê Hoàng và Triệu Thị Hà ngồi”.

Công chúng không là trẻ con, dù có trẻ con thì cũng không thể tin vào những lời biện minh ấy.

Ít ai biết, từ 15 năm nay đã có một tổ chức phi lợi nhuận thực hiện chương trình 1.000 Đại sứ góp sách cho trẻ em nông thôn Việt. Họ đã âm thầm làm công việc đáng kính trọng đó. Thông tin chương trình này vừa gửi đến: “Nếu 15 năm trước hình ảnh quen thuộc của lớp học tình thương, lớp học ghép, các em mù chữ, bỏ học thường xuyên, cái đói cái nghèo vẫn bám lấy cuộc sống chạy ăn từng bữa... Thì 15 năm sau, Việt Nam chúng ta đã cơ bản có trường lớp tương đối cho các em học hành, còn rất ít những gia đình thiếu gạo, còn rất ít trường hợp không biết đọc biết viết như trước.

Nhưng thế giới đã phát triển vượt bậc, trong khi trẻ em ở các nước, hay trẻ em thành thị biết đến các phương tiện: điện thoại, máy tính, iPad, sách báo... chỉ cần “với tay” là kết nối được với thế giới rộng lớn ngoài kia, thì hầu hết trẻ em làng quê Việt Nam chỉ mới biết đọc biết viết và gói gọn kiến thức trong sách giáo khoa, các em ít có cơ hội vươn xa hơn góc làng để có cái nhìn rộng, thấy được những phát triển kỳ diệu bên ngoài để phấn đấu và mơ ước.

Đây là một điều kiện tốt cho trẻ em thành thị và cũng là một thiệt thòi rất lớn cho trẻ em nông thôn! Vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc này, vì nghĩ rằng sách sẽ mở cánh cửa làm bệ phóng cho cuộc đời của các em, xóa đi khoảng cách về điều kiện, địa lý mà các em đang có.

Nếu mỗi người góp một cuốn sách, chúng ta sẽ có hàng triệu cuốn sách cho những đứa trẻ chân đất, đầu trần khắp đất nước Việt Nam. Điều này là sự thật, và chúng tôi bền bỉ vì lẽ ấy. Hãy chung tay cùng chúng tôi, để xây dựng các Tủ sách miễn phí tại làng quê Việt Nam!”.

Thế nhưng, giữa thanh thiên bạch nhật vẫn có kẻ lấy sách kê ghế ngồi. Chuyện kỳ lạ này vẫn có thể xảy ra, “dù không tin nhưng đó là sự thật”. Người yêu sách cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm.

LÊ MINH QUỐC

Tin cùng chuyên mục