
- Nam bộ có vị cá tra
MartinYan, “vua bếp” nổi tiếng thế giới từng tấm tắc khen “Cá ba sa Việt Nam ít xương, nhiều thịt, vị cá rất ngọt và đậm đà”. Cái vị của loại cá đặc thù vùng ĐBSCL này ngày càng được chăm chút, được chế biến thành trên 100 món ăn hấp dẫn đã hiện diện tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ cá tra, ba sa nhiều năm nay đã làm lung lay cả vị thế hạt gạo, mặt hàng xuất khẩu truyền thống của đất nước.

Phơi khô cá ba sa.
Ở ĐBSCL, con cá tra, ba sa có lợi thế cạnh tranh vượt hẳn các nơi khác. Mạng lưới sông rạch chằng chịt, lưu lượng nước ngọt lớn, nắng ấm quanh năm đã làm diện tích nuôi trong vùng tăng từ 1.290 ha năm 1997 lên trên 3.200 ha vào năm 2004 với tốc độ tăng 24,6%/năm. Tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu chiếm trên 80% sản lượng hàng năm.
Đến nay, phong trào nuôi cá tra, cá ba sa đã lan ra mười tỉnh trong khu vực (riêng nuôi bè đã có khoảng 20.000 bè cá các loại) với sự tham gia của hàng trăm ngàn hộ dân và hình thành rõ nét những tổ hợp công – nông nghiệp – dịch vụ liên quan và còn mở ra cơ hội làm giàu cho cả ngư dân miền Trung, miền Bắc. Với con cá, nhịp sống nơi đây năng động hơn, sự chuyển dịch cơ cấu nhanh hơn và khát vọng đổi đời của bao người dân châu thổ đã thành hiện thực.
Ông Nguyễn Văn Thọ, một ngư dân của vùng Châu Đốc, người từng thành công trong việc cho cá tra, ba sa sinh sản nhân tạo và đề xuất quy trình sản xuất thức ăn viên dạng nổi… đã sung túc lên nhờ cá: 16 hộ trong thân tộc có thu nhập cao và ổn định; cả 4 người con đều đi du học nước ngoài. AFASCO, một công ty cổ phần tại An Giang có tới 117 cổ đông là nông dân góp 20 tỷ đồng vốn để kinh doanh nghề cá. Điều này cho thấy đã xuất hiện một lớp nông dân mới có tiềm lực và năng động. Hàng trăm mô hình sản xuất giỏi, hàng ngàn triệu phú, hàng trăm tỷ phú mới đã xuất hiện dọc sông Tiền sông Hậu.
Nhà văn hóa Sơn Nam đã tỏ ra rất thích thú trước cách thức nuôi cá đầy sáng tạo của người dân Nam bộ. Từ những cái rộng nuôi tôm xa xưa đan bằng tre đến những cái rộng lớn hơn, rồi phát triển thành nhà bè, trên ở, dưới đóng ao khung gắn vào, bốn phía gắn thùng phuy, và nay được cải tiến như “tòa biệt thự” rộng hàng trăm mét vuông, trị giá hàng tỷ đồng. Chất liệu làm bè cũng được sáng tạo hơn với thép hình làm khung chịu lực phủ composite chịu va đập tốt, tăng tuổi thọ lên 2 - 3 lần so bè thép, 5 lần so bè gỗ, lại giảm thời gian bảo trì.
Và gần đây, họ còn mày mò nuôi thành công cá trong ao hầm, đăng quầng, siêu thâm canh, nuôi sinh thái đạt năng suất hàng trăm tấn/ha ở vùng nước ngọt và còn tung tẩy lên vùng đất lợ, bãi bồi và cả… trên núi. Từ chỗ manh mún tự phát chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa dưới hình thức nguyên con nay đã liên kết thành những hiệp hội, chi hội, quy mô tập trung, chuyên nghiệp, thị trường bung rộng tràn ra thế giới với nhiều sản phẩm chế biến cao cấp có giá trị gia tăng cao…
- Khúc tráng ca trên sông nước

Thu hoạch cá ba sa.
Chuyện tạo giống cá bột mới thật kỳ thú, kỳ thú ngay ở đặc tính của cá. Nhiều ngư dân cố cựu kể rằng, lượng cá tra câu hay chài lưới được thường ít hơn các loại cá khác và lạ làø không bao giờ bắt được, dù chỉ một con cá tra có trứng.
Loại cá da trơn thường sinh sản ở vùng nước ngọt Biển Hồ – Campuchia, khi nước quay (5 tháng 5 ÂL), một số con mới nở trôi giạt theo dòng nước tràn vào đồng ruộng Việt Nam để rồi 3 - 4 tháng sau, đủ lớn, chúng lại quẫy đuôi bơi ngược về cố hương. Do vậy, cá tra bột rất mắc, được tính theo đầu con.
Vào thập niên 80 thế kỷ trước, chúng ta cho cá tra đẻ nhân tạo thành công rồi “xã hội hóa” nghề ươm giống (năm 2004, riêng An Giang đã sản xuất 956 triệu cá tra bột). Người đồng bằng không còn lệ thuộc vào nguồn cá bột tự nhiên nữa. Cho cá ba sa (thân lớn hơn cá tra, bụng to do chứa ba miếng mỡ rời nằm trong thành bụng) đẻ nhân tạo phức tạp hơn nhiều và cũng lưu truyền thật nhiều giai thoại.
Đích thân ông Bảy Nhị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang lúc đó, đã dẫn đầu một đoàn sang Lào và mày mò ra chợ tìm mua cá ba sa có trứng rồi mổ bao tử ra xem chứa thức ăn gì. “Vua cá ba sa” Nguyễn Văn Thọ cũng bỏ cả tỷ bạc lập phòng thí nghiệm nghiên cứu cho cá đẻ… “Chúng tôi đã theo đuổi loài cá này từ 30 – 40 năm nay. Và chỉ có Việt Nam mới có thể sản xuất chúng. Không có cá nào có thể cạnh tranh được” - Giám đốc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, đã nói với một nhà báo nước ngoài như vậy.
Có thời, 70% lượng xuất khẩu cá ba sa, cá tra Việt Nam đổ bộ vào thị trường nước Mỹ do chất lượng và giá trị thương phẩm ăn đứt cá nheo “Catfish” ngay chính quốc. Ngư dân bản địa choáng váng. Thị trường là chiến trường. “Cuộc chiến cá da trơn bùng nổ, gây sốc” cả thế giới. Không có mặt hàng nông thủy sản nào vụt “nổi tiếng” nhanh như con cá đồng bằng: Sách trắng, kháng thư, các cuộc họp thương mại cấp cao cùng hàng loạt hội nghị, hội thảo của ngành, địa phương. Một “cơn bão” đã xảy ra đối với hàng chục ngàn hộ nuôi cá da trơn đồng bằng.
Riêng tại An Giang, ông Phan Văn Danh, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá An Giang ước tính sơ bộ: “Nếu các cơ quan quốc tế đánh giá mức thiệt hại trên toàn vùng là 70 triệu USD/năm thì tỉnh này đã chiếm đến 60% mức thiệt hại”. Sóng gió thương trường khốc liệt sẽ đè bẹp một thế mạnh truyền thống cả trăm năm? Không. Nếu sản lượng năm 2001 là 130.000 tấn thì năm 2004 đã tăng vọt lên 300.000 tấn.
Không kể “sân nhà” được xới lên quyết liệt với lời kêu gọi đầy tâm huyết “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, riêng năm 2004, trên nhiều thị trường mới đã có khoảng 80.000 tấn cá tra, cá ba sa được xuất khẩu với kim ngạch 240 triệu USD.
Hàng chục đoàn khách quốc tế dập dìu đổ về làng bè, chứng kiến tận mắt con cá ba sa vẫy vùng trên dòng Mekong. Herby Neubacher, người Đức, chuyên gia về thủy sản nhận định: “Việt Nam đã trở thành một tấm gương về phát triển thủy sản… khi mất thị trường Mỹ!”.
Chính cư dân đồng bằng trong thời đổi mới đã làm nên chuyện cổ tích: Đưa con cá tra, ba sa dân dã lột xác bước lên đỉnh cao mới, vang động toàn cầu. Và kỳ thú hơn, loài cá này không chỉ thăng hoa ngay trên đất Việt mà còn làm cú vượt vũ môn đầy ngoạn mục, lao xa, hội nhập môi trường cạnh tranh quốc tế. Đó là bản lĩnh đồng bằng, bản lĩnh Việt Nam thời hội nhập.
Sức sống châu thổ thật kỳ diệu!
VŨ THỐNG NHẤT