
Câu nói dân gian “cưới vợ ăn tết” không biết có từ thời nào mà con cháu bây giờ còn thi vị thêm mỹ từ… “mùa cưới”, rồi áp vào thời điểm đông tàn - xuân đến. Có thể đôi lứa rất nôn nao về “mùa” này, nhưng không ít người phải gắng ra vẻ “bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm…”, bởi tấm thiệp hồng báo hỷ cứ dồn dập tới tay.
Một năm có… 5 mùa
Thời tiết se lạnh, báo hiệu mùa xuân đến, tại một cuộc trà đàm, có người nói vui rằng hiện nay một năm có tới… 5 mùa, ngoài xuân - hạ - thu - đông còn thêm mùa… cưới. Người trong cuộc lo xấc bấc đã đành; thân hữu, xóm giềng được mời ăn cưới lại có những nỗi lo riêng.
Hôm rồi ghé thăm vợ chồng anh bạn giáo viên vừa mới nghỉ hưu, thấy chị đem ra một xấp thiệp hồng mà anh chị vừa “chia lửa” trong những ngày qua. Kết toán lại tiền quà kèm theo 7 thiệp cưới, mặt chị buồn xo: “Thế là bay vèo hết một đầu lương hưu vừa mới lãnh”. Nhìn gương mặt của chị, tôi muốn bật cười nhưng cười... không nổi, bởi tôi cũng “bị” mời ăn cưới đến chóng mặt!

Giây phút thăng hoa của cô dâu, chú rể do dịch vụ cưới hỏi bấm máy (ảnh chỉ có tính minh họa)
Đầu tiên, người bạn thân từ thời phổ thông gả đứa con gái rượu về một vùng ven biển thuộc huyện Ba Tri (Bến Tre) và cậy tôi đi đưa dâu cho xôm tụ. Nể bạn, tôi nhận lời. Gà vừa gáy canh tư, mọi người đã lục tục lên xe trực chỉ miền Tây cho kịp giờ làm lễ gia tiên. Vừa qua khỏi huyện Giồng Trôm thì xe hoa của cô dâu bể bánh, cả đoàn phải phơi nắng chờ tài xế thay bánh mới và đến Ba Tri khi mặt trời đã lên giữa đỉnh đầu. Biết sự việc nên nhà trai “xí xóa” chuyện đàng gái đến lố giờ tốt! Xả hơi được hơn tuần thì đám cưới “ấn tượng” khác lại tiếp nối... Bà dì ruột tôi cưới vợ cho thằng út, lại rước dâu đâu tuốt miệt Sóc Trăng. “Thằng Tư phải có mặt bữa rước dâu nghe”, bà dì “phủ đầu” tôi trước. Nói sao không đi bây giờ! Cũng khăn áo lượt là, rượu trà mâm quả lỉnh kỉnh từ khuya... Đến thị xã Phú Lộc còn phải đi đò gần 3 giờ nữa mới tới được nhà đàng gái ở ấp 21, xã Thanh Xuân, huyện Phú Lộc. Cơ khổ cho mấy cô bưng quả và mấy chị phụ nữ áo dài lướt thướt phải vén lên tận lưng. Tội nghiệp cho các cô gái Sài Gòn đi... bưng quả, từ nhỏ tới giờ có biết vùng sông nước miền Tây như thế nào nên cứ trang phục thoải mái, nào quần “zin”, nào váy dài váy ngắn... bước lên xuống xuồng ghe. Lần đầu tiên đi xuồng, qua cầu cây lắt lẻo nên tay xách giày, chân lóng cóng lần từng bước, có cô phải... bò. Vài cô bị té, mình mẩy lấm lem bùn đất. Hôm sau, đoàn rước dâu quay về y như đoàn người đi... “tị nạn”, trông thật thảm! Hai tuần sau, cánh thiệp hồng của gia đình anh vợ ở La Gi (Bình Thuận) mời đám tân hôn cho thằng con thứ 4 vào đúng ngày Noel. Đến đây, tôi đẩy tấm thiệp cho bà xã rồi nói như năn nỉ: “Anh oải quá rồi! Nhờ má nó với xấp nhỏ thu xếp đi giùm…”.
“Ăn theo” những tấm thiệp hồng “ngon lành” nhất không ai khác hơn là các dịch vụ cưới hỏi. Tập đoàn tiệc cưới C.P. (ở quận 12 chuyên bao trọn gói các dịch vụ đám cưới), cho biết: “Ngoài đãi tiệc tại chỗ còn nhận chạy sô bên ngoài như bao rạp che, cổng hoa, ly chén, bàn ghế, nhân viên phục vụ… Cứ trên 40 bàn thì tặng xe hoa, MC, ca sĩ và ban nhạc, nước đá dùng miễn phí”. Nhân viên Đức T. ở cơ sở tiệc cưới T.T. (Bà Điểm, Hóc Môn, TPHCM), trong lúc vui miệng, thố lộ: “Giá cỡ nào tụi này cũng kiếm được cơm cháo, tiền nào của nấy… trước giờ chưa hề bị lỗ!”. Đám cưới thời nay đã khác xa các đám cưới truyền thống của ông bà để lại. Đám cưới dạng đẳng cấp của đại gia, nhân vật nổi tiếng thì thôi khỏi bàn, qua báo chí hẳn ai cũng biết. Chẳng hạn, như có đám cưới ở tận Tây Nguyên mà chủ gia bao sô nhóm ca sĩ thành phố lên chơi với giá hàng chục ngàn đô la, hoặc xe con đời mới nối đuôi đậu dài ở miền Tây dạo nào. Có đám, hai bên gia đình sui gia ganh nhau chơi nổi đến chóng mặt

Trái cây trên bàn thờ tổ tiên kết hình Long Phụng
Xưa bày - nay vẽ
Cuối năm, chị tôi cưới vợ cho đứa con trai đầu lòng… gần 40 tuổi. Ngặt nỗi, người anh rể thời gian qua làm ăn thất bát liên tục nên từ “sầu đời” chuyển sang… tưng tửng! Mới đầu tưởng anh thất chí nhưng khi khám bệnh, bác sĩ xác định anh bị trầm cảm dạng tâm thần phân liệt. Thấy gia đình chị đơn chiếc, bà con dòng họ xúm lại giúp đỡ. Riêng tôi được chị giao trọng trách đảm nhận vai trò chính trong cuộc cưới xin này. Nói cuối năm mới tổ chức lễ, nhưng trước đó 3 tháng tôi đã phải dấn thân vào cái tục lệ xưa bày - nay vẽ trần ai rồi. Do nặng sĩ diện, lễ nghĩa nên dù tôi góp ý cỡ nào, bà chị vẫn cứ khăng khăng “ôm” đủ các thủ tục có từ ngàn đời trước. Tuy thông qua được “công đoạn” mai mối, nhưng tôi cùng gia đình cũng phải khăn áo sang nhà gái cho “hai bên biết nhau” và xem như lễ “coi mắt” (mặc dù chúng tôi đã nhẵn mặt cô dâu từ lâu). Bước tiếp theo là sắm sửa rượu trà, bánh trái để làm “lễ nói”. Sau khi những thiệp hồng được gửi đi, công việc càng tất bật hơn. Trước hết, tôi “căng óc” tìm cho được vị đại diện họ nhà trai có tài ăn nói, rành các lễ nghi để làm chủ hôn. Thế là danh sách các vị cao niên hai bên nội ngoại được kê ra. Tôi chọn chú Út L. trên Ngã Ba Giồng (Hóc Môn), nhưng chị tôi lại “chấm” ông anh họ là thầy giáo ở An Phú Đông (quận 12). Vậy là hai chị em lại “tranh luận”…
Phía sau tấm thiệp cưới có lẽ còn khối chuyện chưa nói hết, nhưng theo các vị cao niên thì “đời người chỉ có một lần”, cho dù có tốn hao hay điều tiếng gì cũng cầu mong cho đôi trẻ được trọn mối duyên lành, vững bước trên con đường hôn nhân đầy hoan hỉ…
TRỊNH HẢI