Chuyện ghi ở nhà đại thể

Cuộc tiễn biệt trần gian
Chuyện ghi ở nhà đại thể

Cuộc tiễn biệt trần gian

Lễ tiễn biệt các thây nhi (thai nhi đã chết) ở Bệnh viện Từ Dũ thường diễn ra vào chiều thứ năm hàng tuần. Hôm nay là một ngày tiễn biệt như thế ở khu nhà đại thể (nhà xác) bệnh viện Từ Dũ.

Trong khu nhà vắng lặng này, 19 năm rồi, anh Khương vẫn lặng lẽ làm công việc của mình.

Đến với nghề như một sự sắp đặt duyên nghiệp. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp Trung cấp địa chính và tìm được cho mình một công việc ổn định, đúng ngành đã học. Dù lương bổng không nhiều nhặn nhưng chưa bao giờ anh Khương nghĩ mình sẽ đổi nghề.

Nhưng rồi, sau vài lần về phép, vào bệnh viện làm thay cho cha – ông Trần Văn Loan, người làm công việc giữ xác cho bệnh viện Từ Dũ từ năm 1977– khi ông bị tai nạn, anh Khương đã có những xúc cảm đặc biệt dành cho những thây nhi xấu số này. Cuối năm 1990, cha anh về hưu, bệnh viện đỏ mắt tìm người thay thế mà chưa được.

Trước lời đề nghị rất tha thiết của cha, anh đành từ bỏ những chuyến phiêu bồng đó đây. Ở các nghề đo đạc địa chính. Anh thay cha, ngày ngày đi về căn phòng lạnh lẽo này với mong muốn sự tận tâm của mình sẽ sưởi ấm được những phận đời xấu số.

Đơn giản một chữ tâm

19 năm làm việc ở khu nhà đại thể này là 19 năm anh Khương chứng kiến biết bao nhiêu chuyện đời và biết bao nhiêu phận người. Có những chuyện dù đã qua nhiều tháng năm nhưng vẫn làm anh rưng rưng nước mắt khi kể lại. Đó là chuyện của một người cha là bác sĩ nhưng không thể cứu được 2 đứa con sinh đôi của mình trước lằn ranh sinh tử. Lời khóc thương của người cha càng khiến anh xót xa cho những hài nhi xấu số vô thừa nhận khác.

Không chỉ là tình thương, cũng có người lợi dụng thây nhi để thực hiện ý đồ riêng mình. Anh kể, có cặp vợ chồng nọ đang tính chuyện ly thân vì người chồng không chịu nổi “thói” mê trò đỏ đen của người vợ. Không muốn bị chồng bỏ, người vợ lừa chồng bằng cách nói mình đang có thai. Người chồng thương con, nên nghĩ lại chuyện ly dị. Một thời gian, sợ “kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” người vợ dối chồng rằng mình “có chuyện về sức khỏe” không thể sinh được nên buộc phải phá thai. Ông chồng một mực đòi đến thăm mặt con khiến bà vợ hoảng hốt.

“Bà kêu người thân đến tận nhà tôi (quận 8 TPHCM) nhờ buộc vào tay một thai nhi vô thừa nhận mảnh giấy có tên bà vợ, khi ông chồng đến, tôi mang thai nhi ra, kêu rằng đây là con của bà ta. Tôi đã gạt đi, bởi không thể dùng thi thể cháu để lừa người dù rằng đó chỉ là thây nhi”, anh kể rồi tiếp tục bằng một câu chuyện khác: “Có vợ chồng nọ lên đưa tôi một xấp tiền để “mua” một thây nhi về luyện phép chữa bệnh hiếm muộn theo thầy pháp nào đó chỉ dẫn. Tôi đuổi thẳng. Họ chửi tôi ngu, có tiền mà không biết xài…”.

Bằng giọng buồn bã, anh Khương bảo rằng, điều xót xa nhất đối với anh là mỗi tháng, trong số gần 100 thây nhi được tiếp nhận vào đây thì có đến 60 – 70 thây nhi vô thừa nhận, mà phần lớn đều là hậu quả của những trường hợp mang thai ngoài ý muốn của nhiều người trẻ tuổi. “Thật đau đớn khi những đứa trẻ ấy đã bị tước đi mạng sống bởi chính người đã tạo ra chúng”, anh nói.

Tấm lòng của anh Khương dành cho những sinh linh xấu số trước giờ tiễn biệt. Ảnh: Ngọc Hiếu

Tấm lòng của anh Khương dành cho những sinh linh xấu số trước giờ tiễn biệt. Ảnh: Ngọc Hiếu

Tất cả những việc như làm lễ khâm liệm, mua máy nghe kinh phật hay mua lá trà, hoa lài về lót cho thơm, cho ấm chỗ nằm của các bé chẳng phải do yêu cầu hay nghi thức của bệnh viện đặt ra mà anh Khương đều tự làm bằng cái tâm của mình. Lá trà, hoa lài ban đầu anh tự đi xin ở một số trại hòm.

Sau đó người ta hiểu ra công việc và cái tâm của anh làm thì họ đến tận nhà đại thể đều đặn mỗi tháng. Bánh kẹo, nhang đèn làm lễ tiễn linh hồn các bé là khoản chi phí anh Khương tiết giảm tối đa từ tiền uống cà phê và ăn sáng để mua.

Còn đó chút buồn

Ngoài sự nhọc nhằn trong công việc, đôi khi tính mạng nhân viên nhà đại thể cũng gặp nguy hiểm. 
Anh Thắng một nhân viên làm việc lâu năm ở nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy nói trong tiếng thở dài:
“Có những trường hợp “đại ca” của băng nhóm ngoài xã hội do thanh toán trên giang hồ mà chết, đàn em họ ngại đụng chạm đến công an nên mang theo hung khí kéo đến tận nhà xác để cướp xác.

Lúc này mặc dù làm việc trong phòng lạnh mà “mồ hôi cha, mồ hôi con” cứ đua nhau chảy, để bảo đảm tính mạng Thắng đành để họ mang xác đi và báo lại sự việc với lãnh đạo bệnh viện. “Nhiều lúc chúng tôi muốn nghỉ nhưng nghĩ lại nếu nghỉ ai làm. Do đó chúng tôi đành tiếp tục “sống chết” với nghề”.

Sau bao năm làm việc tại nhà đại thể, các anh chỉ băn khoăn một điều và đó có lẽ là nỗi đau của những người làm việc ở các nhà xác.

Anh Thắng than: “Thường làm việc xong là về với vợ con, chúng tôi chẳng mấy khi đi chơi ở đâu nên cũng không gặp phải sự phản ứng nào trong thiên hạ. Nhưng đến ba bữa tết, trong khi người ta đi đến nhà này nhà kia chúc xuân thì chúng tôi nằm lỳ ở nhà xem tivi bởi đầu năm mà “người giữ nhà xác” đến thăm nhà ai thì họ lo rằng “điềm gở” sẽ theo chân chúng tôi vào nhà… Thôi thì giữ cho mọi người yên tâm vui tết chúng tôi phải ở yên trong nhà mình”.

Còn anh Khương thì trăn trở: “Bạn bè cùng trang lứa cũng ít người muốn chơi với tôi, họ bảo sợ âm khí ở tôi lan sang ?! Con gái tôi đang học cấp 3 cũng ít có bạn. Nhiều hôm đi học về mà nước mắt cháu cứ ràn rụa vì bị trêu chọc là con của “thằng giữ nhà xác”! Những lúc đó tôi rất buồn, nhưng nghĩ mai này con cái sẽ thông cảm vì tôi đã nuôi sống nó bằng một nghề lương thiện và vì tôi đang làm việc bằng tấm lòng nhân ái đối với những sinh linh vô tội xấu số”.

Mặc dù làm việc với những người chết thì chẳng có gì vui, nhưng các anh chưa bao giờ lấy đó làm buồn vì các anh nghĩ công việc nào cũng quý, việc nào cũng cần có cái “tâm” nhất là khi các anh làm được công việc mà muôn ngàn người khác không dám làm.

Kim Liên – Ngọc Hiếu

Tin cùng chuyên mục