
Chúng tôi đến xã Bình Phú huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) khi nắng trưa đã gay gắt. Đỉnh Khau Hán cao trên 800m so với mặt nước biển hùng vĩ hiện ra trước mắt chúng tôi...
- Chân dung ông bí thư chi bộ

Mùa vàng trên đỉnh Khau Hán
Đã đôi lần lỗi hẹn với Khau Hán, vì thế, lần này, tới Bình Phú là tôi cùng đoàn cán bộ xã ngược ngay lên Khau Hán. Bữa trưa của chúng tôi ở vùng thâm sơn cùng cốc này cùng với Chủ tịch Hội Nông dân xã Tho Minh Tuyền diễn ra nhanh gọn với món mì ăn liền. Sau đó, cả đoàn lại tức tốc đi.
Con đường lên Khau Hán chỉ dốc và dốc. Vất vả đánh vật với con đường, hai chiếc xe máy của chúng tôi luôn phải đề số 1 mới vượt được những con dốc cao vời vợi. Dưới chân chúng tôi là những vực thẳm sâu hun hút, lởm chởm những đá.
Thôn Khau Hán là một thung lũng trên đỉnh núi. Nhưng nó lại được bao bọc bởi ba ngọn núi Phiêng Pì ở phía Tây, Phiêng Giáo ở phía Bắc và Đán Lạ ở phía Đông. Ba ngọn núi nằm bao bọc thôn trong lòng chảo thung lũng phì nhiêu. Chào đón chúng tôi là một đám trẻ lốc nhốc.
Anh Mạc Đình Nghè, cán bộ giao thông của xã hỏi đám trẻ bằng tiếng Dao rồi quay sang nói với chúng tôi: Chúng bảo trưởng thôn đi vắng rồi, chỉ còn ông Nguyện ở nhà thôi.
Đi một đoạn dốc vừa cao, vừa dài, rồi cũng đến được nhà bí thư chi bộ thôn Khau Hán La Phúc Nguyện. Ông Nguyện là người Dao đỏ, 48 tuổi, trên 10 năm tuổi Đảng, tác phong giản dị, chất phác mang đậm tính cách người miền núi. Đã từ lâu người dân trong thôn còn coi ông là công dân kiểu mẫu trên đỉnh Khau Hán này, còn đám cán bộ xã thì phục cái tài vận động và tổ chức tập thể trong mọi hoạt động thôn bản của ông.
Ông bê ngay ra một bình rượu rồi bảo: “Chè trên này thì có, nhưng phải uống rượu cái đã. Trên Khau Hán trời lạnh hơn dưới chân núi, uống rượu cho ấm bụng”. Thứ rượu được làm từ cây báng rừng trắng đục như màu nước gạo, nhưng uống vào thì vừa ngọt, vừa mát họng.
“Bí thư Nguyện có nhiều đóng góp với thôn lắm!”. Đấy là nhận xét của Chủ tịch Hội Nông dân xã Tho Minh Tuyền. Thực tế, những việc làm của Bí thư La Phúc Nguyện không kể hết được. Năm 2003, ông Nguyện vận động dân trong thôn hỗ trợ ngày công, vật liệu làm nhà cho 6 hộ nghèo của thôn với tổng trị giá ngày công lên đến 22 triệu đồng.
Ông còn tổ chức huy động bà con dốc sức trong hai tháng trời gánh cát sỏi, xi măng xây bể chứa nước, đào hệ thống đường ống dẫn nước sinh hoạt dài 1.800m từ trên đỉnh núi Phiêng Pì về thôn để thúc đẩy nhanh Dự án hệ thống nước sạch tự chảy do Trung tâm nước sạch của tỉnh đầu tư.
Ông cũng là người đi đầu trong việc chuyển đổi giống lúa thuần sang trồng lúa lai. Ruộng trên đỉnh Khau Hán chỉ cấy được 1 vụ do không có nước. Chính bất lợi này, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh lương thực của thôn. Ông Nguyện đã cùng với 3 đồng chí đảng viên trong chi bộ vận động, chỉ đạo bà con trong thôn trồng lạc, trồng ngô lai, đậu tương, một số rau trồng vụ đông, xóa bỏ thói quen độc canh, làm một vụ. Việc chuyển đổi cây trồng và tập quán canh tác, vận động người dân đã khó, nhưng để duy trì cách thức làm ăn mới càng khó hơn.
Theo ông Nguyện, muốn bà con làm tốt, trước tiên mình phải tiên phong làm trước và phải thật hiệu quả. Khi đã có thành quả rồi, thì tới vận động bà con làm theo mình. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được ông Nguyện củng cố, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, làm chuồng trại.
Việc thả rông gia súc của người dân trong thôn không còn nữa, con trâu, con bò đều có chuồng trại hợp vệ sinh. Bí thư Nguyện bảo với chúng tôi: Tuy ở trên núi cao nhưng dân thôn mình cũng phải nhanh nhạy với cơ chế thị trường chứ. Nếu không sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa thì bao giờ mới thoát nghèo được.
- Chuyện mới trên núi Phiêng Pì, Phiêng Giáo, Đán Lạ

Chăn nuôi trâu, bò - một ưu thế đang được người dân trong thôn phát huy.
Thôn Khau Hán có 57 hộ với 302 nhân khẩu, đều là dân tộc Dao đỏ. Thiếu đất sản xuất là một trong những khó khăn bức bách của bà con trong thôn.
Những năm trước, nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu ăn, đứt bữa là chuyện thường xuyên. Nhưng 3 năm trở lại đây, đời sống của bà con thôn Khau Hán có nhiều đổi thay. Đây là kết quả của sự đầu tư tích cực của nhà nước.
Trong hai năm 2002 – 2003 thực hiện Chương trình 135 của nhà nước, xã Bình Phú đã dành toàn bộ nguồn vốn đầu tư của chương trình để mở đường lên thôn Khau Hán dài 5km, trị giá 897 triệu đồng. Có đường giao thông thuận lợi, người dân thôn Khau Hán có điều kiện thông thương trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Tuy diện tích đất nông nghiệp ít, nhưng ngược lại Khau Hán lại có diện tích đất núi rộng, rất phù hợp với phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là chăn nuôi trâu. Hiện nay bà con thôn Khau Hán nuôi 147 con trâu, 230 con lợn, 2.870 con gia cầm, 20 con bò, 52 con dê. Phát triển chăn nuôi đại gia súc được coi là thế mạnh của thôn.
Bí thư chi bộ La Phúc Nguyện dẫn chúng tôi đến một số hộ trong thôn. Nhà ông La Phúc Tình một trong những hộ khá của thôn có 12 con trâu. Hoặc nhà anh La Văn Nhất nuôi 8 con trâu. Nhà ông La Văn Tam nuôi 10 con trâu, ngay như nhà bí thư Nguyện cũng nuôi 6 con trâu, 11 con dê. Hầu hết các hộ dân Khau Hán đều chăn nuôi trâu, bò.
Cũng từ chăn nuôi trâu, bò nhiều hộ đã có cuộc sống ở mức khá nhiều hộ đã mua sắm được xe máy. Bí thư Nguyện khoe: Có đường giao thông thuận lợi mở lên trên đỉnh Khau Hán này, nên bà con mua sắm xe máy để tiện việc đi lại, hiện toàn thôn có 20 xe máy đấy!
San sẻ bớt khó khăn về đất sản xuất nông nghiệp của Khau Hán, Đảng bộ, chính quyền xã Bình Phú đã tổ chức khai hoang thêm đất sản xuất ở các thôn khác trong xã đồng thời vận động bà con ở các thôn lân cận sang nhượng đất sản xuất cho Khau Hán. Các hộ thiếu đất được hỗ trợ tiền mua ruộng trích từ nguồn vốn 135. Về cơ bản, các hộ dân thôn Khau Hán có đủ đất để canh tác. Xã Bình Phú đặc biệt chú trọng đến thế mạnh về chăn nuôi của thôn. Bằng hình thức triển khai cho các hộ nghèo trong thôn vay tiền mua trâu, bò để phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Hộ gia đình anh La Văn Khách B, là một hộ nghèo cũng được xã bảo lãnh cho vay 1 con bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. Hiện nay, các hộ dân ở Khau Hán đều đã và đang sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển chăn nuôi. Số vốn vay khoảng gần 200 triệu đồng đều được bà con sử dụng đúng mục đích, đạt hịêu quả. Nhu cầu vay vốn của bà con vẫn còn nhiều.
Cuộc sống ở Khau Hán chậm rãi, bình lặng. Tuy mức sống đã được cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn còn mang nặng tính tự cung, tự cấp. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Khau Hán còn thấp, bình quân chưa đạt 300.000đ/người/tháng. Thôn còn 6 hộ nghèo, bình quân lương thực chỉ ở mức trung bình 350kg/người/năm. Về giáo dục, thôn có 6 lớp học từ lớp mẫu giáo đến lớp 5 đảm bảo cho con em trong thôn có điều kiện học tập tốt.
Khi hỏi hướng phát triển của thôn trong những năm tới. Bí thư Nguyện nói: Thôn sẽ tiếp tục duy trì và tăng số lượng đàn trâu và nuôi bò sinh sản vì đây là hướng phát triển bền vững nhất. Thứ nữa là tập trung phát triển vườn rừng. Nhưng muốn thực hiện được việc này, phải có sự hỗ trợ của nhà nước về giống cây ăn quả hoặc cây công nghiệp. Mong ước của bà con bây giờ là nhà nước đưa điện lưới quốc gia về thôn. Có điện thì cuộc sống của đồng bào sẽ có nhiều đổi thay.
Chia tay với Khau Hán trong nắng chiều, một lần nữa tôi ngoái nhìn vẻ đẹp nên thơ của miền sơn cước. Mong rằng một ngày gần đây, bằng nỗ lực của chính mình cùng sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, người dân Khau Hán sẽ giàu có ngay trên mảnh đất của mình.
THIÊN SƠN-TRƯỜNG GIANG