Không chỉ gây ấn tượng bởi phong thái tự tin, đầy nhiệt huyết của một người trẻ, Đinh Gia Hoàng Tấn Nghĩa còn khiến nhiều người nể phục khi biết anh từng nhận được đến 16 lời mời từ các trường đại học danh tiếng của Mỹ.
Hai câu hỏi quan trọng
Khi được hỏi về bí quyết “săn” học bổng, Nghĩa khiêm tốn: “Quả thực để săn học bổng, nhất là học bổng Mỹ khá khó khăn vì số lượng thường hạn chế nên điều kiện xét tuyển rất cao. Và để giành được học bổng của các trường đại học Mỹ, ngoài việc chuẩn bị chu đáo mình còn có thêm chút may mắn!”.
Đinh Gia Hoàng Tấn Nghĩa
Theo Nghĩa, việc xác định mục tiêu và lên kế hoạch cụ thể là bí quyết thành công trong hầu hết các lĩnh vực. Mục tiêu đóng vai trò rất quan trọng, giống như nền móng, còn kế hoạch chính là “tấm bản đồ” hướng dẫn cách xây nhà vững chắc. Sau khi xác định kế hoạch “săn” học bổng du học, Nghĩa đã lên kế hoạch thật chi tiết chuẩn bị hồ sơ gồm: thư nhập học, bảng điểm, thư giới thiệu, bằng cấp, thành tích liên quan... Chưa hết, Nghĩa phải trả lời được 2 câu hỏi của hội đồng xét học bổng: “Bạn là ai?”, “Tại sao chúng tôi phải cấp học bổng cho bạn?”.
“Đối với câu hỏi thứ nhất, nhà trường muốn “soi” chi tiết vị trí, thành tích, sở thích cũng như những hoạt động mà mình từng tham gia. Thứ hai bạn cần cho hội đồng thấy được mình đã học hỏi và đúc kết được những kiến thức, kỹ năng thế nào thông qua các hoạt động, chứ không đơn thuần “chạy đua thành tích”. Trong suốt quá trình chuẩn bị, mình cũng thường xuyên trau dồi kiến thức về văn hóa, địa lý của nước Mỹ, bên cạnh việc rèn luyện khả năng giao tiếp tiếng Anh thật tốt để nhanh chóng “ghi điểm” ngay khi được phỏng vấn. Ngoài ra, mình còn thường xuyên tham khảo thông tin về học bổng toàn phần, bán phần và kinh nghiệm từ các du học sinh đi trước qua các trang thông tin như TABS (The Association of Boarding School), Opportunities Desk, Heysuccess.com... Và bí quyết cuối cùng là thật tự tin trước buổi phỏng vấn, dành một ngày để thư giãn, ăn uống… nhằm có đủ năng lượng và thật thoải mái thể hiện bản thân, nhằm thuyết phục hội đồng xét tuyển”, Nghĩa cho biết.
Giỏi nhất và phù hợp nhất!
Thật vậy, “không có học bổng dành cho người giỏi nhất, chỉ có học bổng cho người phù hợp nhất”, Nghĩa chia sẻ. Nếu không có bộ hồ sơ hoàn hảo với điểm số tuyệt đối, huy chương, thành tích... thì bạn hãy chú trọng đầu tư vào các loại bằng cấp quốc tế như TOEFL, IELTS, SAT... Việc giành được điểm số ấn tượng trong các kỳ thi này chính là yếu tố quan trọng chứng tỏ bạn thật sự nghiêm túc cho việc học và có khả năng học tốt khi du học. Cuối cùng, hãy tìm hiểu thật kỹ về loại học bổng và ngôi trường mà mình xin học bổng sẽ giúp bạn tự tin, gây ấn tượng với nhà trường, tránh được trường hợp “ông hỏi gà, bà nói vịt”.
Bên cạnh đó, những thông tin học bổng vô giá mà Nghĩa có được phần lớn là từ các bậc “tiền bối” chia sẻ trên các website, diễn đàn Vietabroader, ASEAN Youth Volunteer Network, TABS... Ngoài ra, Nghĩa “bật mí” thêm rằng, các bạn yêu thích kiến trúc, xã hội... có thể xin được học bổng toàn phần (trị giá đến 150.000 USD) của Cooper Union; hay học bổng chuyển tiếp toàn phần của Jack Kent Cooke Foundation dành cho sinh viên đang học 2 năm đầu tại bất kỳ cao đẳng nào của Mỹ.
Bảng điểm “đẹp” hay hoạt động ngoại khóa?
Theo Nghĩa, bảng điểm “đẹp” chỉ mới là điều kiện cần. “Trong suốt quá trình học tại Broward College, mình đã nỗ lực hoàn tất nhiều vai trò như trưởng nhóm Đại sứ sinh viên, làm MC, trợ giảng, viết báo mạng… Các hoạt động này đã giúp mình chứng tỏ cho nhà trường thấy khả năng thích nghi cũng như niềm khao khát cống hiến của mình. Đừng cố gắng tham gia các hoạt động ngoại khóa chỉ để tìm kiếm giấy chứng nhận, bởi lúc phỏng vấn, hội đồng xét tuyển chỉ thực sự quan tâm việc bạn đã học hỏi được gì từ các hoạt động đó”.
Tấn Nghĩa (thứ 2 từ trái) cùng các du học sinh Việt Nam tại Mỹ
Chưa hết, ngoài bảng điểm cao, thành tích nổi bật, bài luận xuất sắc sẽ chiếm đến 30% cơ hội nhận học bổng. Một bài luận khoảng 600 đến 1.000 từ là điều bắt buộc nếu bạn muốn nộp đơn xin học bổng đại học Mỹ. Để có được bài luận “ăn” điểm, bạn phải tạo được những điểm nhấn. Cụ thể qua bài luận họ sẽ thấy được bạn là ai, có khả năng gì. “Show. Don’t tell!” - nghĩa là bạn đừng liệt kê hết các hoạt động từng tham gia, thay vào đó nên đi sâu vào chi tiết một số hoạt động cụ thể và bản thân đã học hỏi được những gì. Ngoài ra, cần gây ấn tượng bằng những ý nghĩ táo bạo trong bài luận. Chẳng hạn, bạn mơ ước du học Mỹ vì muốn đưa công ty của mình lên sàn chứng khoán phố Wall vào năm 24 tuổi. Người Mỹ khuyến khích tư duy táo bạo, sáng tạo và hành động, nên sẵn sàng trao học bổng để bạn biến ý tưởng thành sự thật”…
“Một đi không trở lại”
Về việc nhiều du học sinh “một đi không trở lại”, Nghĩa đề cập 2 khía cạnh: việc làm và luật pháp. “Về việc làm ngoại trừ những ngành nghề phổ biến như kỹ sư, kế toán, y tá, báo chí... còn rất nhiều ngành chưa có hoặc khá sơ khai tại Việt Nam như địa chất, thiên văn học… vì thế khả năng kiếm được việc của sinh viên tốt nghiệp những ngành này không cao. Nhưng nếu có thành tích học tập tốt, có nghiên cứu xuất sắc, bạn hoàn toàn có thể được chính phủ bảo lãnh nhập cư hợp pháp để làm việc tại nước sở tại. Đây là cơ hội trau dồi kiến thức và kinh nghiệm để sau này trở về cống hiến cho đất nước. Dầu vậy, với suy nghĩ trở về nước với mức lương thấp và điều kiện làm việc không cao, nhiều bạn đã bằng mọi cách, mọi giá để được ở lại, cụ thể là kết hôn giả, đây là hành vi bất hợp pháp. Ở Mỹ đã có không ít trường hợp du học sinh bị phát hiện và hầu hết bị trục xuất, vĩnh viễn cấm nhập cảnh vào nước Mỹ.
Tóm lại, Nghĩa khẳng định rằng cánh cửa cơ hội vẫn mở rất rộng với du học sinh cùng với mức lương hấp dẫn, nhất là với trình độ cao. Ngày nay đã có rất nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam đang cần những bạn trẻ có tiếng Anh tốt, tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Vậy ai có thể phù hợp hơn du học sinh?
Sau cùng, nếu có lời khuyên nào cho các bạn đang chuẩn bị đi du học, Nghĩa chỉ có thể nói thế này: “Bạn cần trân trọng bản thân, can đảm và dám trải nghiệm, chứ không nhất thiết phải sở hữu những bảng điểm hoàn hảo, bằng khen cao quý hay tài năng xuất chúng... mới giành được học bổng du học. Chỉ cần bạn dám ước mơ và quyết tâm là đủ. Tấm vé vào đại học danh tiếng cũng không phải chỉ có một, tuy nhiên du học Mỹ không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công, chỉ tuổi trẻ và trải nghiệm là cái mà vĩnh viễn bạn sẽ không bao giờ có lại được”.*
Đặng Ngân