Chuyện giáp tết

Sau một năm thong dong, vào những ngày giáp tết, nhiều gia đình ở quê “tăng tốc” để có thu nhập khá mua sắm trong nhà, lo cho con cái và vui vẻ mấy ngày xuân. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng “đồng vợ đồng chồng” nên sự “tăng tốc” đó đôi khi trở thành vô nghĩa.
Chuyện giáp tết

Sau một năm thong dong, vào những ngày giáp tết, nhiều gia đình ở quê “tăng tốc” để có thu nhập khá mua sắm trong nhà, lo cho con cái và vui vẻ mấy ngày xuân. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng “đồng vợ đồng chồng” nên sự “tăng tốc” đó đôi khi trở thành vô nghĩa.

Chồng lo xa,vợ nhởn nha

Thuận vợ thuận chồng để có những bữa cơm gia đình đầm ấm

Có về quê vào những ngày giáp tết mới thấy sự nhộn nhịp, vất vả của nhà nông. Những ruộng hoa, rẫy dưa, vụ lúa đông xuân… lúc nào cũng đông nghịt người. Để có một cái tết “hoành tráng” nhiều gia đình phải làm quần quật từ sáng đến tối. Thậm chí, nhiều người còn tranh thủ làm thêm ban đêm. Anh Phong, là một ví dụ điển hình. Là tài xế xe lôi, lại gặp dịp tết nên khách hàng kêu anh chở đồ không ngớt. Heo, trái cây, rau củ, hoa là những hàng hóa chính mà anh phải chở. Anh Phong làm đến cả quên giờ giấc, không nghỉ trưa, thậm chí anh còn tranh thủ lúc khách dỡ hàng lên xe để vội vã lấy cơm hộp ra ăn. Ban đêm, anh còn nhận thêm công việc chở mía đến lò đường cho các gia đình trong xóm. Mía là nguồn kinh tế chủ lực của xã vào mấy ngày giáp tết nên công việc của anh làm không xuể, phải rủ thêm bạn bè làm phụ. Sợ qua tết nông nhàn nên cuối năm anh cố gắng làm để dành dụm tiền bạc cho con ăn học, còn lại thì mua heo con về nuôi. 

Trái ngược với chồng, chị Lan vợ anh Phong lại chẳng chịu làm gì cả. Nhà vốn không mấy khá giả, nhưng xem ra chị không quan tâm đến điều đó. Sáng nào chị cũng tụ họp với mấy bà bạn hàng xóm để dùng bữa điểm tâm và “buôn dưa lê”. Trưa thì chị rủ rê mấy bà bạn đến các tiệm làm đẹp để làm móng, chăm sóc da mặt, gội đầu, duỗi tóc… Tối thì chị đăng ký một lớp học thể dục nhịp điệu, đây là loại hình mới xuất hiện ở xã nên mấy bà có gia đình “bể tướng” lũ lượt kéo nhau đi đăng ký thành phong trào.

Anh Phong vốn tính hiền lành, ít nói, lại thương vợ nên không phàn nàn những gì chị Lan làm. Nhưng đôi khi vì sự bực tức dồn nén lâu ngày, lên đến đỉnh điểm nên Bụt cũng phải nổi giận. Một lần đi làm về mệt, gần 9 giờ tối nhưng trong nồi không có hạt cơm nào, anh Phong giận dữ lớn tiếng, chị vợ cãi và hình ảnh cuối cùng là nồi cơm điện bị ném xuống đất!

Vợ vất vả, chồng bê tha

Anh Năm là một tay cờ bạc có tiếng trong thị trấn. Quanh năm suốt tháng anh chẳng làm việc gì chân chính, ngoài chuyện đánh bài, đá gà, cá độ… Cuối năm, trong khi nhiều người chồng cố gắng lao động để có tiền lo cho vợ con có cái ăn, cái mặc và trang hoàng nhà cửa… thì anh lại đi đá gà ăn tiền. Tầm đầu tháng Chạp, ai đến nhà anh cũng đoán được anh làm gì. Xung quanh nhà có đến hàng chục con gà đá nằm trong lồng chờ khách đến mua. Mà phải chi anh buôn bán kiếm lời cũng chấp nhận được, đằng này khi bán xong anh còn “gầy kèo” để đá gà ăn tiền. Thành ra, hầu như anh không có lời (đôi khi lại mất vốn) vì trận nào cũng thua... Bán hết đợt gà đá mà tiền lại không có một xu vì thua bạc, anh lại hỏi “mượn” tiền vợ để mua lứa gà đá khác bán trong những ngày đầu năm. Chị vợ vốn tính chịu đựng, nghe chồng nói ngọt vài câu là lấy tiền đưa ngay. Dù biết rằng để có được số vốn kha khá lo cho gia đình, chị vợ phải làm quần quật từ sáng đến tối.

Vợ anh Năm là chủ cửa hàng giày dép ngoài chợ. Gần tết, chị còn kiêm luôn trồng cả mẫu dưa hấu sau nhà để bán mùa tết. Anh Năm không phụ, chị buộc phải thuê người canh rẫy, kể cả nhân công hái dưa…

Chị vợ cũng nhiều lần khuyên chồng nhưng anh đều bỏ ngoài tai. Chị vợ khuyên riết không tác dụng nên buông xuôi, tặc lưỡi: “Chắc tại cái số mình không có phước”.

“Đồng vợ đồng chồng”

Ông bà ta thường bảo “Đồng vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn”, nên rất cần sự lao động chung tay của cả hai để gia đình hưởng được một cái tết cổ truyền trọn vẹn. Nếu như một trong hai người có tính tiêu cực thì người phối ngẫu nên có sự góp ý nhẹ nhàng, hoặc nhờ ba mẹ hai bên khuyên bảo, can thiệp. Tuyệt đối không thể chiều chồng (hoặc vợ) bằng việc cho tiền tiêu xài thoải mái hoặc không quan tâm đến sự biếng nhác của chồng (hoặc vợ). Vì như thế là vô tình đẩy chồng (hoặc vợ) đến với tiêu cực, khi đã lún sâu thì khó mà “cải tạo” được.


ĐẶNG TRUNG THÀNH

Tin cùng chuyên mục