Chuyển mình trước cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài 1: Doanh nghiệp đi tiên phong
SGGP
Từ Chính phủ, các bộ ngành đến từng doanh nghiệp, người dân không chỉ đang nói về những cơ hội của CMCN 4.0, mà thực sự đã hành động. Điều này thấy rõ nhất ở các doanh nghiệp công nghệ lớn. Tất cả đang chuyển đổi số, áp dụng nền tảng quản trị thông minh. Song song đó là quá trình lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát các công nghệ sản xuất mới.
LTS: Cả thế giới đang sục sôi với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Khác với 3 lần trước, CMCN lần này sẽ tác động mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực như: sản xuất - tự động hóa, giao thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp... Bên cạnh đó, công nghệ 4.0 cũng giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng. Với xu hướng này, Việt Nam không tách khỏi và đang có những bước chuyển mình. Tuy nhiên, CMCN 4.0 đầy cơ hội nhưng thách thức cũng không ít. Tư duy tiếp cận đến đổi mới căn bản về thể chế - chính sách, nhân lực, công nghệ là những việc cần được tính đến ngay từ bây giờ.
Mọi thứ phải sẵn sàng
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, phân tích: Niềm tin được củng cố khi chúng ta có được lợi thế về nguồn nhân lực với quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới và có khả năng học hỏi nhanh. Việt Nam hiện là một trong số quốc gia có số lượng kỹ sư sở hữu chứng chỉ về công nghệ điện toán đám mây của Amazon (Amazon Web Service Cloud) nhiều nhất. Hay như nền tảng công nghệ vạn vật kết nối (IoT) Predix của General Electric, FPT cũng đang là công ty đi đầu về số kỹ sư sở hữu chứng chỉ liên quan đến công nghệ này. Điều đáng nói, chúng ta luôn dám thử sức mình trong những lĩnh vực mới, như khi Airbus vừa ra mắt nền tảng công nghệ dữ liệu mở Skywise trong lĩnh vực hàng không, FPT đã nhanh chóng bắt tay với hãng này để cùng nghiên cứu phát triển công nghệ.
Minh chứng cho sự chủ động bằng việc mới đây, tập đoàn này đã giới thiệu 3 sản phẩm mới trong “Hệ sinh thái công nghệ” của mình. Đó là: Nền tảng Trí tuệ nhân tạo phiên bản mới (FPT.AI) cho phép tạo ra nhiều kịch bản trò chuyện, lựa chọn thông điệp cho các khách hàng khác nhau, tự động phân tích nhu cầu của khách hàng, quản lý tin nhắn với khách hàng; Thiết bị điều khiển bằng giọng nói Voice Remote dành riêng cho thiết bị xem truyền hình Internet FPT Play Box; Giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp akaRPA, giúp tự động hóa các quy trình, nghiệp vụ, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao được năng suất lao động, giảm các chi phí nhân công.
“Mục tiêu quan trọng hiện nay của FPT là xây dựng nền tảng chính phủ số mà ở đó mọi thông tin được kết nối thông suốt từ Chính phủ, doanh nghiệp, người dân… để đưa ra sự tiện lợi nhất. Mặt khác, FPT đang tập trung tối ưu hóa quy trình sản xuất, xây dựng nền tảng database, bộ dữ liệu tiêu chuẩn, cung cấp góc nhìn thông suốt cho đội ngũ quản trị ở công ty, từ đó có thể thay thế, nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động”, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT, cho hay.
Với các đơn vị viễn thông như Viettel, VNPT… thì sự chủ động cho CMCN 4.0 cũng rất rõ ràng. Với hạ tầng cáp quang trải khắp 63/63 tỉnh, thành phố, VNPT đang sở hữu hệ thống các cụm IDC hiện đại, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ đến năm 2030. Đến thời điểm hiện tại, bộ giải pháp Chính phủ điện tử (VNPT-eGov) đã được triển khai tại 49/63 tỉnh, thành trong cả nước; Phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT HIS đã được triển khai cho hơn 7.000 cơ sở y tế các tuyến, chiếm gần 55% tổng số cơ sở y tế toàn quốc; mạng giáo dục Việt Nam (vnEdu) đang được sử dụng tại 12.800 trường học với gần 5,8 triệu học sinh… đã góp phần thay đổi cách tiếp cận với người dân theo hướng tiện dụng, tiết kiệm hơn.
Viettel trình diễn các ứng dụng về giao thông trong triển lãm về CMCN 4.0
Phía Viettel cũng đang thực hiện nhiều dự án phần mềm cho chính phủ điện tử, như dự án cơ sở dữ liệu dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước; đồng hành cùng ngành y tế xây dựng hồ sơ sức khỏe người dân, cổng tiêm chủng dành cho trẻ em. Các mục tiêu lớn của Viettel hướng tới là mỗi người dân có một ID công dân duy nhất, mỗi công dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân, mỗi học sinh có một học bạ điện tử và mỗi gia đình trở thành một “trạm thu phát sóng (Home BTS)” kết nối với xã hội.
Hàng ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ trong nước đã bước vào con đường mới trên khả năng, tầm nhìn của chính mình, như Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã sử dụng 1.000 tay máy thay cho lao động thủ công, tiết kiệm được 2 tỷ đồng/năm do năng suất tăng và chất lượng sản phẩm đều hơn. Hay như trong lĩnh vực chứng khoán, một số công ty đã sử dụng robot tư vấn thay thế cho môi giới tư vấn, để tư vấn kế hoạch tài chính cho khách hàng… Đây là sự chuyển động lớn của doanh nghiệp.
Cung cấp dịch vụ toàn diện
Công ty VNG bên cạnh mảng game online, đang đầu tư nhiều hơn cho công nghệ 4.0, đặc biệt là điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo hay nền tảng chính quyền điện tử. “Cuộc CMCN 4.0 không thể nào thiếu được điện toán đám mây và các dịch vụ trên đó. Dịch vụ điện toán đám mây của VNG sẽ không thể gói gọn ở hạ tầng hay phần mềm như trước đây mà sẽ là “Full Task Services”, tức sẽ bao gồm tất cả các dịch vụ từ dưới lên trên, cung cấp cho họ công nghệ trong thời đại chuyển đổi số”, ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG, cho biết.
Là tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực, song giờ đây Vingroup đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ. Doanh nghiệp này xác định 3 hướng phát triển chính trong 10 năm tới, trong đó đáng chú ý với việc thành lập Công ty VinTech, tách ra từ VinSmart. VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất phần mềm và nghiên cứu phát triển nguyên vật liệu thế hệ mới. VinTech đã thành lập 2 viện nghiên cứu là Viện Dữ liệu lớn và Viện Công nghệ cao Vin Hi-Tech để hiện thực hóa các công nghệ.
Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Chỉ thị nêu rõ, cuộc CMCN 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học cùng sự đột phá của IoT và AI đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.
Với Việt Nam, để chủ động nắm bắt cơ hội, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực, cần tổ chức thực hiện nhiều giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.
Trong khi đó, VinFast đang đưa tên tuổi của Vingroup vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, khi họ giới thiệu ô tô ở Pháp và ra mắt hệ sinh thái xe điện 2 bánh cho thị trường trong nước. Những chiếc xe máy điện đầu tiên đang được sản xuất, trong đó phần khung sườn của xe được VinFast gia công với những con robot hiện đại từ ABB - tập đoàn công nghệ hàng đầu Thụy Sĩ. Dây chuyền hàn cũng được nhập khẩu từ châu Âu bởi các nhà cung ứng nổi tiếng như ABB, Frorious, ItalMeg. Tức Vingroup làm rất nhanh, tận dụng tối đa máy móc hiện đại nhất để cho ra sản phẩm.
Chưa hết, Vingroup còn sản xuất thiết bị di dộng, hiện các dây chuyền sản xuất di động đã được vận hành cùng mức đầu tư rất “khủng” cả về thiết bị lẫn con người, cũng là dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.
Một chuyên gia nhận định: “Tham vọng của Vingroup là xây dựng cả hệ sinh thái và dùng hệ sinh thái của tập đoàn để tổ chức thực nghiệm, thương mại hóa sản phẩm”. Cho nên, nhìn ở góc hẹp, Vingroup không chỉ sản xuất thiết bị di động mà cả các thiết bị điện tử gia dụng thông minh; còn rộng hơn là cả nhà thông minh, xe thông minh… và tất cả được kết nối trong một.