Đồi Trại Thủy, một địa danh du lịch nổi tiếng của TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhưng lâu nay được người ta gọi là “đồi tệ nạn, hay vương quốc tệ nạn”, bởi ở đây có đủ thứ tệ nạn. Một ngày đặt chân lên đây, tôi thực sự bị “sốc”…
Những gia cảnh ngặt nghèo
Đồi Trại Thủy ở độ cao 150m so với mực nước biển, thuộc phường Phương Sơn, TP Nha Trang. Nơi đây được biết đến nhiều với cảnh quan đẹp, có chùa Long Sơn, địa chỉ không thể thiếu của du khách. Tuy nhiên, đây cũng là nơi cư ngụ của những phận đời rất ngặt nghèo, họ như sống “lậu”, không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân, địa phương hầu như không kiểm soát được. Trên đường lên chùa Long Sơn, tôi gặp bà Trần Thị Tâm ở tổ 7.
Bà Tâm năm nay đã 62 tuổi, không nghề nghiệp và sống trong căn nhà gần 10m² cùng với 7 đứa cháu ngoại. Bà Tâm quê ở Bình Định, theo con gái vào đây sinh sống hơn 10 năm nay. Con gái bà mới 33 tuổi nhưng đã có 7 đứa con. Hiện đã theo chồng vào Sài Gòn làm giày da, vì thế một tay bà phải chăm lo 7 đứa cháu từ miếng ăn giấc ngủ. Vừa rồi, đứa cháu trai lớn nhất (SN 1995) quậy quá nên bị đưa vào trại giáo dưỡng. Mới đây, đứa cháu gái thứ hai chưa đầy 16 tuổi đã lên xe hoa và sinh con. 5 đứa còn lại nheo nhóc vì quá nhỏ.
Khi được hỏi vì sao không khuyên con gái đẻ ít cho đỡ khổ, bà Tâm cười thản nhiên: “Tui cũng nói với nó rồi, nhưng nó bảo người ta có tiền có của, còn mình, không có của thì có… con. Chí ít mình cũng có một thứ chứ, vậy là nó cứ đẻ...”. Nói rồi, bà Tâm lại loay hoay bế đứa cháu chưa đầy tuổi đến gần mấy khách Tây đang tham quan chùa Long Sơn than khóc: “Baby đói sữa, baby đói sữa, baby one dola... mong được bố thí”.
Cách nhà bà Tâm chừng trăm mét là gia đình bà Phạm Thị Thu, SN 1957, người gốc Huế. Hơn 20 năm trước, gia đình bà bị lũ lụt cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản. Đói khổ, bà dắt 3 đứa con rời quê vào đây kiếm kế sinh nhai. Căn lều tạm của bà Thu nằm dưới một gốc cây đa già, chỉ chừng 8m², được che chắn bởi đủ các loại vật liệu cũ nát góp nhặt từ các bãi rác, là nơi che mưa nắng của 8 người.
Bà Thu nhớ lại, ngày mới vào đây, nhờ chăm chỉ làm ăn nên cũng mua được một căn nhà nhỏ ở xã Vĩnh Thái. Nhưng rồi do buôn bán không may, đau ốm triền miên, phải vay mượn nên cuối cùng nhà đã gán cho chủ nợ, mẹ con bà sống cảnh lang thang... Đến khi “đi bước nữa”, duyên số cũng không thành, mẹ con lại khăn gói ra đi. Số phận đưa mẹ con bà lên đồi Trại Thủy, sống cảnh tạm bợ qua ngày.
Thời gian trôi đi, 3 đứa con gái bà lớn lên trên đồi Trại Thủy lần lượt lấy chồng, 4 đứa cháu ngoại cũng lần lượt ra đời... Nhưng rồi số phận của bà dường như được lặp lại khi cả 3 đứa con gái đều bị chồng bỏ hoặc bỏ chồng, rồi ôm con về sống với bà ngoại.
Sống giữa “đồi tệ nạn”
Theo chân một cán bộ phường Phương Sơn, chúng tôi đi qua các ngõ ngách của đồi Trại Thủy. Trước mắt chúng tôi là những căn nhà tạm, giống như những tổ chim treo bên vách núi. Từ trên đỉnh đồi, chúng tôi men theo những con dốc dựng ngược, ngoằn ngoèo như rắn bò. Chỉ hơn 200m là xuống chân núi nhưng phải mất gần 30 phút chúng tôi mới tới nơi, vì phải dò dẫm tránh vô số kim tiêm chích ma túy do các con nghiện vứt bừa bãi.
Dọc đường có những sòng bài, điểm nhậu, quán karaoke với đủ thành phần, đám thanh niên gầy gò túm năm tụm ba, tóc vàng tóc đỏ, xăm mình, say sưa ca hát. Thấy người lạ, họ liếc mắt dè chừng rồi lại tiếp tục.
Chúng tôi men theo sườn đồi về hướng phía Tây. Thật hãi hùng, khi người dẫn đường chỉ tay về mấy căn nhà xập xệ, nơi có đám thanh niên choai choai vừa vội vã bước vào. Nhìn qua lỗ thủng bức vách giấy dầu, hai anh chàng đầu nhuộm vàng hoe, chắc chưa tới 20 tuổi, mắt lim dim, đờ đẫn, tự tay cầm kim chích. Cách đó vài căn lều, một thiếu nữ trạc tuổi 25 gầy gò, môi đen thâm đang có những động tác tương tự... Người bạn đi cùng định đưa máy ảnh lên chụp nhưng người dẫn đường ngăn lại, anh bảo đã từng có một số phóng viên lên đây khi có ý định chụp ảnh đã bị dọa đâm kim tiêm vào người.
Nạn chích choác ở đây thật kinh khủng. Chẳng thế mà khi Đoàn Thanh niên phường phát động thu gom kim tiêm, đồi Trại Thủy là nơi thu được nhiều nhất với hàng ngàn kim tiêm.
Cũng chính vì ma túy, mại dâm mà tỷ lệ nhiễm HIV tại đồi Trại Thủy đang ở mức báo động, không ít người đã chết. Chị Bùi Thị Tài, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phương Sơn, bày tỏ: “Do nhiều thành phần sinh sống, với đủ loại tệ nạn nên nguy cơ nhiễm HIV ở đây rất cao. Dù không có thống kê chính thức nhưng sơ bộ cho thấy hiện có khoảng 20 người tại đồi Trại Thủy bị nhiễm HIV/AIDS. Dịp tết vừa rồi, Hội Phụ nữ phường đã dành 80 suất quà để tặng các cháu nhỏ tại đồi Trại Thủy nhiễm hoặc cận nhiễm HIV...”.
Đi về đâu?
Năm 1998, tỉnh Khánh Hòa chủ trương giải tỏa đồi Trại Thủy, tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Ông Nguyễn Ngọc Anh Quân, Chủ tịch UBMT phường Phương Sơn, băn khoăn: Thời tôi còn làm chủ tịch phường, đã nhiều lần kiến nghị lên trên sớm di dời những người sống “lậu” trên đồi Trại Thủy, vì để càng lâu càng phức tạp.
Hiện đồi Trại Thủy có trên 450 hộ, hơn 2.500 khẩu sinh sống và con số này chưa dừng lại. Đa phần những người sống ở đây đều vô gia cư, một số đi làm thuê, bán hàng rong, còn lại là ăn xin quanh chùa Long Sơn.
Đáng lo nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm. Không chỉ dân tứ xứ tụ tập về đây mà ngay chính con cái những người ở đây cũng góp phần tạo nên các tệ nạn. Học sinh đến trường phá nhiều hơn học, đa phần học đến lớp 6-7 là bỏ, lang thang, đua đòi. Dần sa ngã vào ma túy, mại dâm. Khi túng thiếu trở thành những tên trộm cướp… Bao giờ Trại Thủy không còn mang tiếng đồi... tệ nạn?
VĂN NGỌC