Chuyện ở sông Mã - Bài 2: Dưới núi Mường Hung

Nằm dưới núi Mường Hung, Mường Cai là xã biên giới xa xôi và khó khăn nhất của huyện Sông Mã. Đồng bào các dân tộc nơi đây đã và đang nỗ lực vượt khó, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.

Nằm dưới núi Mường Hung, Mường Cai là xã biên giới xa xôi và khó khăn nhất của huyện Sông Mã. Những năm qua, được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của những người lính mang quân hàm xanh, nhất là về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, vùng đất phên dậu này không chỉ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, mà ngày càng phát triển. Đồng bào các dân tộc nơi đây đã và đang nỗ lực vượt khó, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.

Đảng viên gương mẫu, cơ sở vững mạnh

Từ trung tâm xã Mường Cai, sau 1 giờ leo qua mấy đồi nhãn xanh mướt, chúng tôi tới được nhà của ông Lò Văn Thưởng (52 tuổi, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Mường Cai) khi vợ chồng ông đang bận rộn chọn vịt giống để chuẩn bị giao cho bạn hàng. Thấy chúng tôi đến, ông Thưởng dừng tay, pha ấm trà mời khách. Trò chuyện với chúng tôi, trưởng bản Mường Cai cho biết, cả bản có 132 hộ với 570 nhân khẩu của 5 dân tộc là Thái, Mông, Kinh, Mường và Lào.

Hiện nay, chi bộ của bản đã có 12 đảng viên và đang làm hồ sơ cho 5 quần chúng ưu tú để tạo nguồn cho các năm tiếp theo. Theo ông Thưởng, do hầu hết người dân địa phương là đồng bào dân tộc, đời sống kinh tế còn khó khăn nên nhận thức chính trị có nhiều hạn chế. Để kết nạp được quần chúng vào Đảng, đòi hỏi các đảng viên và cán bộ trong Chi ủy phải không ngừng tuyên truyền, vận động bà con. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên phải nỗ lực, gương mẫu bằng những hành động cụ thể, nhất là trong việc xóa đói giảm nghèo. “Bà con thấy mình là đảng viên, làm kinh tế hộ gia đình khá giả, có cái ăn, cái mặc thì sẽ phấn đấu vào Đảng để cùng làm theo, cuộc sống gia đình ấm no hơn”, ông Thưởng chia sẻ. Hiện gia đình ông phát triển kinh tế trang trại khá tốt khi đang nuôi hơn 200 con vịt đẻ, 4 con heo và 10 con dê, đồng thời trồng hơn 700 gốc nhãn cho năng suất khoảng 7 tấn mỗi năm. Trừ hết các chi phí, mỗi năm từ chăn nuôi và cây nhãn cũng mang về cho gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Hàng năm, gia đình ông cũng giúp đỡ nhiều hộ khác về con giống.

a5a-4484-1976.jpg
Lễ kết nạp đảng viên mới ở xã Mường Cai năm 2023. Ảnh: CTV

Theo ông Lường Văn Hóa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Cai, cả xã có 15 bản, hơn 1.193 hộ, khoảng 6.150 nhân khẩu, với nhiều dân tộc như Thái, Mông, Sinh Mun, Khơ Mú, Kinh, Lào cùng sinh sống. Dù đã nỗ lực nhưng hiện còn 8 bản chưa có đường giao thông kiên cố, địa hình cách trở, khoảng cách di chuyển dài nên gặp nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa; 6 bản chưa có sóng điện thoại và internet nên việc thông tin, liên lạc, tuyên truyền, chuyển đổi số, kết nối cộng đồng... còn hạn chế. Kinh tế nông, lâm nghiệp ở địa phương chiếm tỷ lệ cao nhưng hiệu quả đạt thấp, chưa thích ứng được với biến đổi khí hậu, nhu cầu thị trường nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm hơn 35% và hộ cận nghèo chiếm khoảng 23%. Do vậy, nhiều năm nay, Đảng bộ và chính quyền xã Mường Cai luôn xác định công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là trọng tâm. Và để thực hiện được mục tiêu này, phải đẩy mạnh công tác phát triển Đảng nhằm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững chắc.

Trên cơ sở chỉ tiêu phát triển đảng viên theo nghị quyết cả nhiệm kỳ, Đảng ủy xã Mường Cai đã làm việc với từng chi bộ và giao chỉ tiêu để các chi bộ chủ động trong công tác bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng, tạo nguồn phát triển Đảng, trong đó quan tâm phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân, đoàn thanh niên, giáo viên. Đồng thời, Đồn Biên phòng Mường Cai cũng cử một cán bộ của đồn tham gia cấp ủy của xã giữ chức Phó bí thư xã và một số cán bộ đồn theo dõi, sinh hoạt cùng với chi bộ thôn bản để tăng cường sự vững mạnh của chính quyền cơ sở, luôn sâu sát, phát hiện quần chúng ưu tú để giáo dục, định hướng tư tưởng, xác định động cơ phấn đấu vào Đảng.

Bằng cách làm này, Mường Cai đã trở thành địa phương dẫn đầu trong công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở huyện Sông Mã. Từ năm 2018 tới nay, Mường Cai đã xóa được tình trạng trắng đảng viên ở các bản và từ năm 2023 đã xóa được việc trắng Chi ủy viên của các bản.

Vượt lên khó khăn

Trung tá Đào Xuân Thuận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Cai, thông tin, đồn đang quản lý địa bàn 2 xã Mường Cai và Mường Hung với 16,55km đường biên giới, 7 mốc quốc giới, tiếp giáp với bản Nà Chậu, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Từ địa điểm đồn đóng quân tới khu vực đường biên dài gần 40km, địa hình lại phức tạp, hiểm trở. Tuy nhiên, đơn vị không chỉ chú trọng công tác tuần tra, phòng ngừa, mà còn tích cực đi lại vận động quần chúng, gắn kết tình đoàn kết giữa nhân dân và lực lượng biên phòng.

Hàng năm, cấp ủy, chỉ huy đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đội công tác thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến nhân dân, nắm bắt tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật về an ninh biên giới; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chuẩn bị tốt các nội dung đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Cùng với đó, những người lính mang quân hàm xanh ở Mường Cai luôn tích cực nắm bắt tình hình cơ sở, vận động người dân không di cư tự do, không truyền đạo trái phép; không tái trồng cây thuốc phiện, không vượt biên giới trái phép; không vận chuyển, mua bán các chất ma túy; không phá rừng làm nương, chủ động phòng chống cháy rừng.

Đồng thời động viên người dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động như: xây dựng nông thôn mới; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới... “Qua các hoạt động cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ biên giới”, Trung tá Đào Xuân Thuận chia sẻ.

Theo Trung tá Thuận, hiện đơn vị đang duy trì một tổ công tác ở địa bàn bản Huổi Khe, xã Mường Cai để giúp người dân phát triển kinh tế. Mô hình cử cán bộ trực tiếp xuống giúp dân phát triển kinh tế được triển khai nhiều năm qua và mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân trong vùng có nơi để tham quan, học tập và làm theo. “Được sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng mà hiện nay đời sống người dân trong bản khá hơn trước. Ngoài việc chăn nuôi heo, gà thì bà con bản Nà Dòn đã phát triển được khoảng 90ha trồng nhãn, thu hoạch mỗi năm 300-400 tấn quả, cho thu nhập khá”, anh Lò Văn Chung, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nà Dòn, chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục