Chuyện “vua rừng”

Chuyện “vua rừng”

Ông Dương Cao Long ở thôn 1 Minh Phú xã Yên Phú (huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang), bằng mô hình kinh tế VACR đã hồi sinh một “vùng đất chết”, trở thành người chủ của một trang trại lớn với hơn 100 ha rừng, 30 con trâu, hơn 3.000 cây cam, 2,2 ha ao cá giống, cá thịt, một đàn hươu 7 con nuôi lấy nhung... Để có được cơ nghiệp như ngày hôm nay, gia đình ông đã phải trải qua biết bao nhọc nhằn...

  • Người lĩnh xướng bài ca vỡ đất

Dân thôn 1 Minh Phú xã Yên Phú (huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang) không lạ gì ông Dương Cao Long. Họ còn gọi ông là Long “gấu”, Long “vua rừng”bởi ông từng nuôi gấu và hiện là chủ rừng. Sáng sáng, ông Long lại thong thả chạy xe máy thăm nom những cánh rừng keo, mỡ trải rộng khắp xã với bán kính gần 10 km. Người lạ đến xã Yên Phú tưởng ông là người coi rừng, nhưng không, ông chính là người chủ thực sự của những cánh rừng xanh mướt kia.

Chuyện “vua rừng” ảnh 1

“Vua rừng” Dương Cao Long (bên phải) đang trao đổi với khách về mô hình trang trại của mình. Ảnh: Cao Khải

Ngôi nhà gỗ tọa lạc giữa mảnh đất rộng ở cây số 51 trên đường Tuyên Quang - Hà Giang của ông Long um tùm cây cối và ríu rít tiếng chim. Ông kể: Mình vươn lên từ nghèo khó và đã gắn bó với mảnh đất này đã 30 năm rồi. Năm 1989, trước cơ chế mở của nhà nước, mình đã bạo gan vay ngân hàng 15 triệu đồng, lăn lưng cùng vợ con khai hoang đất trồng sả.

Ở thời điểm năm 1990, mình đã trồng tới 30 ha sả. Vậy là dựng lò chưng cất sả, chỉ trong 5 tháng thu lời trên 200 triệu đồng. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, giá sả rớt, không nơi tiêu thụ, mọi việc đều đi vào ngõ cụt, nợ nần, của nả bao ngày gây dựng đi theo hương sả hết. Có lúc đã tính tới chuyện quay về quê cũ lập nghiệp, nhưng rồi nghĩ chẳng lẽ mình lại đầu hàng vùng đất này.

Với ý nghĩ còn đất là còn tất cả, thế là cả gia đình ông lại như một đội quân hùng hậu tiếp tục “bài ca” vỡ đất. Ông phá bỏ 20 ha sả để trồng cam, trồng keo. Sức lao động gia đình không đủ, ông thuê thêm lao động. Nhiều lúc nhìn cảnh lao động của mấy chục người cứ như một công trường vậy.

Dư luận vào thời điểm ấy cho ông là ông dở hơi. Mọi người xì xầm: chưa chắc nên cơm, nên cháo trên vùng đất hoang cỏ lau um tùm ấy. Khéo lại dắt cả nhà đi ăn mày có bữa. Thật lòng, đã có đôi lúc ông thấy hoang mang bởi bao nhiêu vốn liếng, công sức đổ vào rừng cây, vườn cam, ao cá chưa thấy ló dạng thành công. Nhưng ông vẫn tin vào vùng đất này, tin vào tiềm năng của đất và động viên cả gia đình cố gắng.

Tận dụng những hẻm đồi quanh nhà, ông thuê máy ủi mở đường, đào ao, xây dựng hệ thống dẫn nước để nuôi cá thịt, cá giống. Tổng diện tích mặt nước là 2,2 ha, ông chia 1 ha nuôi cá thịt, 1,2 ha đầu tư nuôi cá giống và giao cho anh con út đảm nhiệm. Vài vụ cá đầu do không am hiểu kỹ thuật nên ao cá chết sạch, cậu con nản chí không muốn làm. Nhưng ông động viên con rồi gửi đi học khuyến ngư ở huyện, tỉnh, sau đó về cả Trung tâm chuyển giao kỹ thuật Bộ Thủy sản học kỹ thuật nuôi cá giống, cá thịt.

Có kỹ thuật rồi, ông liền triển khai mô hình theo đúng quy trình, xây dựng đường dẫn nước, bể cá sinh sản, thức ăn theo đúng hướng dẫn của trung tâm. Mô hình của gia đình có cái may là được cán bộ trung tâm trực tiếp lên nhà hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp nguồn cá giống.

Kết quả mang lại rất khả quan: trang trại hiện đã có thể cung cấp cá giống cho cả một vùng rộng các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn (Tuyên Quang), huyện Bắc Quang (Hà Giang), huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Doanh thu từ cá giống, cá thịt mỗi năm thu trên 50 triệu đồng. Đó là một khoản tiền không nhỏ đối với nông dân vùng cao.

Ông Long giải thích cách phát triển đàn trâu 30 con của mình: 27 con trâu giao cho 27 hộ nhận chăn thả, 3 con để ở nhà nuôi. Các gia đình nhận nuôi trâu được quyền sử dụng trâu làm sức cày kéo, các khoản tiền tiêm phòng bệnh dịch cho trâu ông lo hết. Trâu đẻ nghé con gia đình nào có nhu cầu mua lại ông bán với giá ưu đãi, ai thiếu tiền thì cho nợ với hình thức trả góp theo mùa vụ. Như vậy, cách làm này được lợi cho cả hai bên.

Không chỉ giúp đỡ các hộ về sức kéo là con trâu, ông còn cho các hộ gia đình nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nhà ít thì vay 500 ngàn – 1 triệu đồng, nhà nhiều 2 - 3 triệu đồng. Đến nay, ông Long đã cho gần 100 hộ vay với số tiền 65 triệu đồng. Ông làm tất cả những việc ấy đơn thuần chỉ từ quan niệm nhiều hộ giàu thì xã giàu, người làm trước hướng dẫn người đi sau vươn lên để đuổi cái đói, cái nghèo, giúp cho quê hương thoát nghèo.

  • “Vua rừng” đất Hàm Yên

Chuyện “vua rừng” ảnh 2

Chuẩn bị thu hoạch cam sành trên trang trại của ông Dương Cao Long. Ảnh: Trường Giang

Chuyện ông Dương Cao Long có 100 ha rừng keo, mỡ thuộc Dự án 327 đã được nhiều người huyện Hàm Yên và một số nơi khác biết và kéo đến tham quan học tập cách làm. Nhưng để có được thành quả như ngày hôm nay, ông và gia đình đã phải trải qua chặng đường đầy gian khó.

Năm 1996, Tuyên Quang thực hiện đóng cửa rừng bởi tình trạng phá rừng đã để lại hậu quả là những vạt rừng trọc lốc không bóng cây. Chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mà cụ thể bằng việc triển khai Dự án 327 được thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh, bằng nhiều hình thức như liên doanh với lâm trường, nhận khoán khoanh nuôi tới các hộ dân. Tuy vậy, số hộ nhận khoán không nhiều, chủ yếu vẫn là các lâm trường trong tỉnh đảm nhận việc trồng rừng là chính.

Giữa lúc ấy ông Long mạnh dạn nhận khoán với nhà nước trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng Dự án 327, với số vốn nhà nước hỗ trợ ban đầu là 150 triệu đồng bằng cây giống. Có cây giống, ông Long ứng vốn gia đình từ nguồn thu cá, tiền bán cam (hiện ông có 2.700 gốc cam đã cho thu hoạch mỗi vụ trên 15 tấn trị giá 50 triệu đồng) đầu tư thuê nhân công, mua phân bón để trồng rừng. Dồn hết tâm lực, tiền của, hôm nay ông đã có trong tay các cánh rừng xanh mướt phủ xanh những quả đồi trọc.

Còn nhớ, trong dịp tới thăm trang trại của ông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Hà Phúc Mịch đã không tiếc lời khen: Mô hình của ông Dương Cao Long là một mô hình điểm về sự kết hợp của kinh tế VACR hoàn hảo, rất cần được nhân rộng cho bà con miền núi học tập, làm theo.

Tôi cùng ông đi thăm những cánh rừng trải rộng gần 10 km mới thấy được ý chí và lòng yêu rừng của ông đến nhường nào. Chỉ tay lên vạt rừng keo sắp đến tuổi khai thác, ông Long bảo: Những cánh rừng của mình thuộc diện quy hoạch đấy. Khi tỉnh xây dựng xong Nhà máy giấy An Hòa, số rừng này sẽ trở thành vùng nguyên liệu giấy đấy. Trừ chi phí nộp cho nhà nước khi rừng được khai thác, tính rẻ mình cũng có trên 2,5 tỷ đồng còn nằm trên đồi kia. Ông Long cười tràn đầy tự tin bởi có lẽ hơn ai hết, ông là người thấu hiểu giá trị của đất, của rừng. 

TRUNG DŨNG – TRƯỜNG GIANG

Tin cùng chuyên mục