Thời gian qua, việc xây dựng rạp Hưng Đạo đã hoàn thành nhưng không thể khánh thành vì buộc phải sửa chữa hơn 10 hạng mục, gây nhiều bức xúc trong dư luận, trong giới nghệ sĩ.
Dù rằng, trước khi công trình chính thức khởi công, phía những người làm nghệ thuật đã góp ý thẳng thắn rằng bản thiết kế không khả thi, không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn cần thiết của loại hình biểu diễn nghệ thuật sân khấu. Thế nhưng, những ý kiến đóng góp thật tâm, có tình, có lý của người trong nghề đều bị gạt bỏ và 132 tỷ đồng đã được chi để đầu tư xây dựng công trình trên.
Sau nhiều năm thi công ì ạch, quý 2 - 2015, nhà hát hoàn thành gần như 100% các hạng mục với vẻ ngoài bề thế, hoành tráng. Đến khi những người làm nghệ thuật, đơn vị được thụ hưởng là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được bàn giao, tiếp nhận cơ ngơi mới này, ai cũng ngỡ ngàng, lo lắng vì những hạng mục công trình, cách bố trí nội thất bên trong nhà hát còn ngổn ngang, bất hợp lý, không thể đáp ứng được yêu cầu cơ bản nhất của một nhà hát biểu diễn nghệ thuật. Với 132 tỷ đồng đổ vào nhưng rạp Hưng Đạo không thể đi vào hoạt động với hàng loạt sai sót trong khâu bản vẽ, thiết kế, thi công… đã khiến người làm nghệ thuật hụt hẫng, mất lòng tin vào Ban quản lý dự án của Sở VH-TT TPHCM.
Trong khi rạp Hưng Đạo đang lặng lẽ chờ giải quyết những hậu quả sau xây dựng, mới đây, Ban giám đốc Nhà hát Phương Nam cho biết, Sở VH-TT đã có buổi họp với UBND TPHCM và bên thiết kế xây dựng - Ban quản lý dự án của Sở VH-TT, để gút lại các chi tiết thực hiện dự án xây dựng rạp Lữ Gia - Phú Thọ, quận 11. Dự án trên từng được dự trù kinh phí gần 1.000 tỷ đồng, sẽ được xây theo bản thiết kế của một đối tác đến từ nước Bỉ, chuyên biểu diễn xiếc, múa rối, chương trình nghệ thuật tổng hợp. Nhà hát mới sẽ có 2.000 chỗ ngồi, khu vực nuôi thú, phòng tập luyện, các dịch vụ đi kèm…
Theo Ban giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO), dự án xây dựng nhà hát sẽ khởi công vào năm 2018 tại công viên 23-9 với chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Sở VH-TT. Tuy nhiên, HBSO sẽ có văn bản đề nghị Sở VH-TT chuyển trách nhiệm chủ đầu tư dự án về cho nhà hát. “Chúng tôi rất sốt ruột về việc xây dựng cơ ngơi mới, muốn trực tiếp tham gia xây dựng nhà hát vì chúng tôi là đơn vị thụ hưởng, trực tiếp làm việc, hoạt động biểu diễn tại cơ ngơi này. Chính chúng tôi mới biết rằng sân khấu, khán phòng cần xây dựng như thế nào để phù hợp”, NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO cho biết.
Cách đây không lâu, Sở VH-TT đã giao địa điểm 23 Lê Duẩn cho HBSO, nhưng về sau đã quyết định bán cơ ngơi này (hơn 1.500 tỷ đồng) để lấy tiền xây dựng nhà hát HBSO tại công viên 23-9.
Việc thiếu những nhà hát đúng chuẩn, chuyên nghiệp là điểm yếu thấy rõ của TPHCM. Thế nên, việc xây dựng một và nhiều nhà hát đúng chuẩn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tổ chức biểu diễn và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần tránh tái diễn cảnh xây nhà hát tiền tỷ xong nhưng không thể hoạt động, gây lãng phí.
BẢO LÂM